Học viện Báo chí và tuyên truyền sử dụng bốn phương thức xét tuyển năm 2021: xét học bạ, xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết hợp, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển.
Phương thức xét tuyển học bạ chiếm 30% chỉ tiêu. Học viện lấy điểm trung bình cộng 5 học kỳ THPT. Tùy từng ngành sẽ tính thêm điểm thi năng khiếu báo chí hoặc điểm trung bình cộng 5 học kỳ môn lịch sử hoặc điểm trung bình cộng 5 học kỳ môn tiếng Anh.
Phương thức xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm 70% chỉ tiêu. Tùy từng nhóm ngành sẽ quy định môn bắt buộc và môn cho thí sinh tự chọn.
Phương thức xét tuyển kết hợp chiếm 20% chỉ tiêu dành cho thí sinh có chứng chỉ quốc tế môn tiếng Anh tương đương IELTS 6.5 trở lên, học lực khá, hạnh kiểm tốt cả 5 học kỳ bậc THPT (không tính học kỳ II năm lớp 12).
Phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển không hạn chế chỉ tiêu bởi đây là nhóm ngành ít sinh viên đăng ký. Do đó học viện tuyển thẳng thí sinh đoạt giải quốc gia không hạn chế số lượng cho các ngành sau:
– Ngành báo chí, truyền thông đại chúng, truyền thông đa phương tiện, xuất bản: Tuyển thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia môn ngữ văn;
– Ngành lịch sử, xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước: Tuyển thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia môn lịch sử;
– Ngành ngôn ngữ Anh, quan hệ công chúng, quảng cáo, quan hệ quốc tế, truyền thông quốc tế, các chương trình chất lượng cao: kinh tế và quản lý, quan hệ quốc tế và truyền thông toàn cầu, truyền thông marketing, báo truyền hình chất lượng cao, báo mạng điện tử chất lượng cao: Tuyển thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh;
– Ngành triết học, kinh tế, kinh tế chính trị, quản lý công, quản lý nhà nước: Xét tuyển thẳng thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia môn toán.
Lưu ý, nếu thi vào ngành báo chí của Học viện Báo chí và tuyên truyền thì dù dùng phương thức xét tuyển nào thí sinh cũng phải thi năng khiếu báo chí tại học viện.