Năm 2021 là năm đầu tiên Học viện Cảnh sát nhân dân xét tuyển thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế kết hợp với kết quả học tập bậc THPT.
Năm đầu tiên xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ
Trong chương trình ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2021 tổ chức tại Hà Nội ngày 11/4, Thiếu tá Phạm Tiến Dũng – Tổ trưởng phụ trách tuyển sinh, Phòng Đào tạo, Học viện Cảnh sát Nhân dân cho biết, năm 2021, nhà trường xét tuyển 530 chỉ tiêu với 3 phương thức xét tuyển, tăng một phương thức so với năm trước. Cụ thể:
Phương thức 1: Học viện xét tuyển thẳng (25 chỉ tiêu) theo quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ GD&ĐT và quy định của Bộ Công an.
Phương thức 2: Xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế (chứng chỉ IELTS Academic; chứng chỉ TOEFL iBT; hoặc chứng chỉ tiếng Trung Quốc HSK ) với kết quả học tập THPT (75 chỉ tiêu).
Điều kiện là chứng chỉ IELTS (Academic) đạt từ 7.5 trở lên, hoặc TOEFL iBT đạt từ 110 trở lên; hoặc có chứng chỉ tiếng Trung Quốc HSK cấp 5 trở lên. Đây là phương thức mới được thực hiện trong năm nay.
Trong thời gian sơ tuyển, thí sinh vẫn được đăng ký nhưng phải hoàn thành và nộp kết quả về công an địa phương trước ngày 1/6; hoặc trực tiếp nộp tại Học viện Cảnh sát nhân dân trước ngày 1/7/2021. Đồng thời, xếp loại học lực năm lớp 10, 11, 12 thí sinh phải đạt loại giỏi.
Phương thức 3: Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT theo các tổ hợp (A00, A01, C03, D01) kết hợp với kết quả học tập THPT với 430 chỉ tiêu.
Học viện Cảnh sát Nhân dân sẽ thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với phương thức xét tuyển 3 sau khi có hướng dẫn, phê duyệt của Bộ Công an.
Cũng theo Thiếu tá Phạm Tiến Dũng, việc bổ sung phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế với kết quả học tập THPT nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng nguồn tuyển, nhất là một số ngành học yêu cầu cao về kỹ năng ngoại ngữ.
“Trong điều kiện hiện nay, việc đấu tranh phòng chống tội phạm đang được mở rộng đối tượng. Do đó, nếu đầu tuyển vào là các em có năng lực ngoại ngữ tốt giúp nhà trường đào tạo học viên chất lượng cao. Số này khi tốt nghiệp có lợi thế phối hợp trong đấu tranh với tội phạm quốc tế.
Học viện Cảnh sát nhân dân đang là một trong những trường công an tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học của khối cảnh sát Châu Á. Điều này đòi hỏi sinh viên phải có năng lực ngoại ngữ tốt, đây cũng là nguồn nhân lực chất lượng bổ sung cho Bộ Công an”, Thiếu tá Dũng nhấn mạnh.
Tuyển sinh theo từng địa bàn
Điểm đáng chú ý về tuyển sinh Học viện Cảnh sát nhân dân, năm 2021, trường sẽ tuyển sinh theo 4 địa bàn từ tỉnh Thừa Thiên – Huế trở ra Bắc, bao gồm:
Địa bàn 1 gồm các tỉnh miền núi phía Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La.
Địa bàn 2 gồm các tỉnh, TP đồng bằng và trung du Bắc Bộ: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh.
Địa bàn 3 gồm các tỉnh Bắc Trung Bộ: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.
Địa bàn 8 gồm các đơn vị trực thuộc Bộ Công an: A09, C01, C10, C11, K01, K02.
Đại diện Phòng Đào tạo, Học viện Cảnh sát nhân dân cũng cho hay, theo quy định, thí sinh dân tộc thiểu số được cộng 2 điểm, thuộc vùng sâu được cộng 0,75 điểm, chênh tới 2,75 điểm so với thí sinh ở khu vực 1.
Năm nay, khi chia theo địa bàn xét tuyển, thí sinh các vùng miền có cơ hội tương đương nhau, đáp ứng nhu cầu đào tạo của các địa phương cũng như Bộ Công an.
Ngoài ra, với các thí sinh bị cận vẫn có thể được đăng ký xét tuyển. Chỉ cần các thí sinh cam kết nếu trúng tuyển vào trường, trước khi nhập học cần đi chữa cận thị.
Điều này sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho các thí sinh bị cận được vào học tại Học viện Cảnh sát nhân dân.