Sau hai năm không điều chỉnh, nhiều đại học dự kiến tăng thu học phí năm tới với mức tăng phổ biến 10-15%.
Trong đề án tuyển sinh đại học năm nay, Học viện Tài chính đưa ra mức học phí dự kiến năm học tới với chương trình chuẩn là 22-24 triệu đồng, tăng 10-20% so với hiện tại. Học phí với chương trình chất lượng cao tăng nhẹ lên 48-50 triệu.
Hai năm qua, trường Đại học Điện lực thu học phí hơn 14 triệu đồng một năm với sinh viên khối Kinh tế và gần 16 triệu đồng với khối Kỹ thuật. Năm học tới, học phí hai khối ngành này sẽ là gần 16 và 18 triệu đồng, tăng 14%.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến nâng mức thu hệ đại trà từ hơn 440.000 đồng lên thành hơn 500.000 đồng một tín chỉ với khóa tuyển mới sắp tới. Với hệ chất lượng cao, mỗi sinh viên phải nộp gần 1,5 triệu đồng mỗi tín chỉ, so với mức cũ 1,3 triệu.
Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cũng dự kiến tăng tối đa 10% học phí với khóa sắp tuyển.
Đại học Mở Hà Nội, Y tế công cộng, Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo học phí năm học 2023-2024 của 12 khoa, trường thành viên được thu theo Nghị định 81. Theo đó, mức trần học phí năm học tới với đại học công lập chưa tự chủ khoảng 13-28 triệu đồng, tăng 13-50%. Với các trường tự chủ, học phí tối đa có thể gấp 2,5 lần mức trên.
Từ năm học tới, việc tăng học phí đại học là “tất yếu” trong bối cảnh các trường phải tự chủ và giá cả thị trường tăng, nhiều nhà giáo dục nhận định.
Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM hai năm qua thu học phí 27-30 triệu đồng một năm, cố định trong cả khóa. Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh, nói từ khi tự chủ, trường không nhận được nhiều khoản đầu tư từ ngân sách. Vì thế, trường gặp nhiều khó khăn khi không tăng học phí.
“Trường phải cắt nhiều khoản chi cho giảng viên như du lịch, quà. Với lương, nhà trường thậm chí phải vay mượn để đảm bảo”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, trong bối cảnh “đến bữa ăn sáng cũng tăng đến 30%” mà học phí không tăng, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM còn phải cắt giảm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học. Hàng năm, nhà trường trích khoảng 150 tỷ đồng từ học phí cho các hoạt động thí nghiệm, thực hành của sinh viên, nhưng năm qua con số này chỉ khoảng 115 tỷ đồng.
Nhiều trường Y cũng đau đầu trong cân đối thu chi, đảm bảo chất lượng khi không được tăng học phí. GS.TS Phạm Minh Khuê, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Hải Phòng, cho biết trường phải tìm cách duy trì tiền lương và triển khai các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học. Theo tính toán, đến tháng 7, chênh lệch giữa tổng chi dự kiến và số tiền thực tế của trường là 24 tỷ đồng.
Trưởng phòng Đào tạo một trường thuộc khối Kinh tế tại Hà Nội nhìn nhận “các trường sẽ gặp khó trong việc đảm bảo chất lượng nếu học phí không tăng trong năm học tới”. Nếu không có yêu cầu đặc biệt, trường này sẽ thu học phí năm học tới với mức tăng 10-15% so với mức đang áp dụng.
Ba nguồn thu chính tại các trường công lập, gồm ngân sách nhà nước, học phí và nguồn thu khác. Trong đó, học phí là nguồn thu lớn và quan trọng nhất, theo Phó giáo sư Nguyễn Ninh Thụy, Trưởng ban Ban Kế hoạch – Tài chính, Đại học Quốc gia TP HCM.
Khi các trường tự chủ, đầu tư từ ngân sách sẽ giảm, các trường buộc phải tăng học phí. Việc này giúp nhiều trường tăng doanh thu; giảng viên tăng thu nhập; cơ sở vật chất, chất lượng giảng viên, nghiên cứu khoa học, thực hành, thực tập cho sinh viên tốt hơn, kéo theo tăng chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, nó cũng làm giảm cơ hội học đại học của học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực trình độ đại học.
Theo Báo VnExpress