Những vấn đề gây tranh cãi nhất của sinh viên năm 2018

0
1546

Ngoài chuyện học, đời sống sinh viên cũng có hàng loạt câu chuyện tranh cãi rất gay gắt, chia phe đấu đá nhau trên mạng xã hội.

01. Sinh viên tình nguyện: Nhà mình không bao giờ quét, ăn xong không rửa bát… mà sao cứ chăm chăm đi cuốc đất, trồng cây cho người khác

Đầu tháng 6/2018, chủ đề sinh viên tình nguyện trở thành chủ đề tranh cãi, bàn tán khắp các trang mạng xã hội. Nhiều người cho rằng hầu hết sinh viên tham gia tình nguyện là rỗi hơi, lo việc thiên hạ, ở nhà không chịu giúp bố mẹ bao giờ mà hễ được nghỉ lại rủ nhau đi từ thiện, cốt để đăng ảnh Facebook sống ảo mà thôi.

Thậm chí nhiều người ở quê, bố mẹ phải thuê người đi gặt, đi cấy thế mà nghỉ hè có mấy tháng trời có mỗi đứa con lại đi tận đẩu tận đâu cuốc đất, trồng cây cho nhà người khác. Nói gì xa xôi, phòng trọ chẳng bao giờ dọn, quần áo không giặt mà đi đi làm việc chú bác. Đến khi có chuyện thì cũng chỉ có bố mẹ lo cho mình, những ngườihọ  giúp ở tận đẩu tận đâu sẽ chẳng hỗ trợ bạn được gì.

Tất nhiên là sinh viên tình nguyện cũng có lý lẽ riêng để phản biện. Với họ tuổi trẻ là để được cống hiến, để được dấn thân, được trải nghiệm, được thử sức mình, được dùng sức trẻ để giúp đỡ cho đời. Tại sao phải quá lo lắng về chuyện của bản thân mình trong khi ngoài kia còn rất nhiều người cần chúng ta giúp đỡ. Từ bé chúng ta đã được dạy rằng khi cho đi là lúc nhận lại được nhiều hơn. Cứ ngồi đó phân bua, ngồi đó tính toán chi li thiệt hơn thì lấy ai làm những việc mà sinh viên tình nguyện đang làm. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để dành phần ai?

02. Câu lạc bộ ở các trường Đại học – “loè” sinh viên năm nhất, sinh viên năm 3, năm 4 chẳng ai đoái hoài

Trường đại học nào hiện nay đều có đến vài chục CLB, đây chính là sân chơi đầy màu sắc, đầy cơ hội và mới mẻ mà mọi tân sinh viên đều vô cùng háo hức. Thế nhưng, ngay từ việc tuyển thành viên đã xảy ra hàng loạt rắc rối không đáng có!

Chỉ tuyển thành viên có cần cầu kỳ 4, 5 vòng thế không, rồi thái độ phỏng vấn như cha như mẹ người khác? Các thành viên cũ cũng chỉ là sinh viên năm 2, năm 3, họ có nhiều kinh nghiệm đến mức có thể đánh giá và “loại” người khác ư? CLB vốn được coi là nơi dành cho những ai có mong muốn được sinh hoạt, được tham gia các hoạt động, vậy mà muốn trở thành thành viên phải trải qua 4, 5 vòng khó như ứng tuyển vào doanh nghiệp có tiếng!

Hầu như tất cả những lá đơn đăng ký vào các CLB chỉ đến từ những sinh viên năm nhất. Khi đã học năm 2, năm 3, ai cũng bận rộn với việc làm thêm và nhiều dự định cá nhân hay đơn giản là tham gia hoạt động CLB đủ rồi, cũng không có gì mới để khám phá nữa.

Quan điểm cứng của nhiều bạn sinh viên chính là ra ngoài xã hội đi làm, tham gia hoạt động xã hội, tham gia các tổ chức phi lợi nhuận hay đi làm thêm tích lũy kinh nghiệm. Đó mới thực sự là nơi giúp họ trưởng thành, lớn lên vì họ được tiếp xúc thực sự.

03. Sinh viên giờ đua nhau bán hàng, chạy xe ôm kiếm vài triệu 1 tháng chứ không chịu làm việc cho các Start Up

“Hỏi 10 cái Start Up thì 9 cái thiếu nhân sự, 1 cái thì thiếu trầm trọng, Leader hoặc CEO phải cân cả team… Cuối cùng công ty nào cũng đành ngậm đắng mà thở dài: “Giờ Start Up không cạnh tranh nhân sự được với mấy quán trà sữa với cà phê” – đây chính là mở đầu trong bài viết gây bão MXH về vấn đề làm thêm của sinh viên.

Tại sao sinh viên lại lựa chọn công việc ở một quán cafe với mức lương không quá 15.000 đồng/giờ thay vì đi làm ở một công ty Start Up với mức lương tối thiểu 20.000 đồng/giờ. Trong khi Start Up thường cung cấp cho bạn một môi trường làm việc với máy tính, điều hòa, rộng rãi thoải mái thì quán cafe thì bạn có một môi trường làm việc mướt mồ hôi.

Những người không đồng tình cho rằng: Tại sao sinh viên phải làm việc cho Start Up trong khi môi trường ở đó không chuyên nghiệp, tương lai công ty không rõ ràng? Làm việc cho Start Up tức là bạn bắt đầu từ một số 0 tròn trĩnh, sẽ chẳng có ai training, hướng dẫn bạn từ đầu chí cuối vì họ còn bận làm những công việc khác và công ty cũng chẳng đủ người để phân việc chứ nói gì đến cử người giúp bạn. Cái lợi nhất là được thoả sức sáng tạo, thoả sức thể hiện khả năng của bản thân, làm việc không chịu nhiều áp lực, sức ép từ sếp nhưng đối với sinh viên thì đó không phải là điều lý tưởng. Vì khi còn ngồi trên ghế nhà trường hay vừa ra trường, kiến thức, kỹ năng họ không đủ để tự lực cánh sinh.

04. Thức trắng đêm, cướp giật nhau từng suất đăng ký TOEIC chỉ vì trình độ Tiếng Anh yếu kém, sợ đổi cấu trúc đề không làm được bài?

Khi có thông báo về việc thay đổi cấu trúc đề thi TOEIC, dự kiến áp dụng từ ngày 15/2/2019, nhiều thí sinh đã đổ xô đến trung tâm IIG với mong muốn đăng ký dự thi trước thời điểm này. Do lo lắng sau khi đổi cấu trúc đề thi sẽ trở nên khó nhằn hơn dẫn đến việc không đủ điều kiện ra trường, hàng ngàn sinh viên không ngại chen chúc, vất vả thức trắng đêm xếp hàng trước cửa trung tâm để được vào đăng ký trước khi hết sạch suất thi trong tháng.

Cảnh tượng đông đúc chưa từng thấy ở trung tâm IIG tại Sài Gòn đã được nhiều người chia sẻ lên mạng xã hội và so sánh việc đăng ký thi chứng chỉ căng thẳng ngang hàng với việc người dân túc trực mua vé xem đổi tuyển Việt Nam thi đấu.

Sinh viên xếp hàng từ 4h sáng, mang theo bánh chống đói trong lúc vật vã chờ đợi

Sinh viên Sài Gòn tranh nhau xếp hàng từ nửa đêm, người đến muộn nhất là từ lúc trời còn chưa sáng, mới 3h sáng đã kín người ngồi trải chiếu, báo chờ lấy số thứ tự. Có người chờ cả ngày cũng không đăng ký dự thi được đành bỏ về, đợi hôm sau tiếp tục một ngày vật vã xếp hàng.

Cuối cùng, lãnh đạo tổ chức giáo dục IIG Việt Nam xác nhận bài thi Toeic sẽ được thay đổi với nội dung cập nhật và phù hợp hơn với xu thế giao tiếp hiện đại, tuy nhiên, đề Toeic mới vẫn đảm bảo giữ nguyên độ khó của cả bài thi. ETS cũng sẽ không thay đổi cách đánh giá và tính điểm của bài thi.

Theo Kênh 14