Đó là một trong những nội dung của Nghị định số 04/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, có hiệu lực từ 10/3.
Nghị định này nêu rõ các mức tiền phạt cho các hành vi vi phạm quy định về thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.
Cụ thể, đối với hành vi gây rối hoặc đe dọa dùng vũ lực ngăn cản người dự thi và người tổ chức thi, thanh tra thi, coi thi, chấm thi, phục vụ thi sẽ bị phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng.
Các hành vi thông tin sai sự thật về kỳ thi bị phạt tiền từ 8 đến 12 triệu đồng.
Ảnh minh họa: Thanh Hùng |
Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về thi theo các mức sau:
Phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng đối với hành vi vào khu vực tổ chức thi, chấm thi khi không được phép; mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi;
Phạt tiền từ 2 đến 6 triệu đồng đối với hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài;
Phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng đối với hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
Phạt tiền từ 8 đến 12 triệu đồng đối với hành vi đánh tráo bài thi nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
Phạt tiền từ 12 đến 14 triệu đồng đối với hành vi tổ chức chấm thi sai quy định nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
Phạt tiền từ 14 đến 16 triệu đồng đối với hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác hoặc nhờ người khác làm bài hộ hoặc thi thay, thi kèm.
Phạt tiền từ 13 đến 15 triệu đồng đối với hành vi làm mất bài thi của thí sinh.
Gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ bị phạt từ 30 đến 40 triệu đồng
Ngoài ra, Nghị định 04 cũng nêu rõ mức phát đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý, cấp và sử dụng văn bằng, chứng chỉ.
Cụ thể, hành vi gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ bị phạt từ 30 đến 40 triệu đồng.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác; Cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.