Học giỏi thì không phải lo học phí, nhưng sinh viên giỏi chỉ là số ít, còn phần đông có sức học bình thường mà nghèo phải làm sao học đại học? Hiện nay trường đại học nào có học phí vừa phải?
Học phí là một trong những yếu tố để thí sinh cân nhắc chọn trường phù hợp với năng lực tài chính của gia đình. Trong khi các trường đại học liên tục tăng học phí qua từng năm khiến nhiều học sinh và phụ huynh lo lắng.
Học phí đại học sẽ tiếp tục tăng ra sao?
Từ khóa tuyển sinh năm 2020, hàng loạt trường đại học công lập đã công bố mức học phí mới áp dụng với mức tăng đột biến so với các khóa trước, khiến nhiều thí sinh và phụ huynh khá bất ngờ. Các trường có mức học phí tăng mạnh đều là các trường đang và sẽ áp dụng cơ chế tự chủ.
Học phí hiện nay ở các trường đại học có nhiều mức khác nhau. Hầu hết các trường đều có mức học phí năm sau cao hơn năm trước và sẽ tiếp tục tăng. Các trường đại học đều đã công bố lộ trình tăng học phí từ năm học 2022 – 2023 đến năm học 2025 – 2026.
Mức học phí đại học hiện có sự chênh lệch khá lớn giữa các trường công lập và ngoài công lập, cũng như giữa các ngành đào tạo trong cùng một trường, tùy chương trình đào tạo và tùy trường (công lập, công lập tự chủ, tư thục, quốc tế…).
Nếu trước đây học phí các trường đại học công lập chỉ thu theo một mức trần quy định, thì nay trong hệ thống này cũng có nhiều mức khác nhau.
Trường công đa dạng mức thu, trường nào học phí thấp?
Theo nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ, mức trần học phí đối với trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên từ năm học 2022 – 2023 đến năm học 2025 – 2026 như sau:
Mức trần học phí đối với trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên. Mỗi năm học 10 tháng.
Các trường đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí tại điểm a khoản này tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.
Đối với chương trình đào tạo của trường đại học công lập đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định hoặc đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn nước ngoài hoặc tương đương, các trường được tự xác định mức thu học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế – kỹ thuật do cơ sở giáo dục ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học, xã hội.
Như vậy, các trường đại học công lập chưa tự chủ sẽ có mức thu học phí thấp hơn.
Quy chế tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ các trường thông báo đầy đủ về chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học trong đề án tuyển sinh.
Trường công tự chủ học phí cao hơn
Theo quy định, các trường công lập thu học phí theo khung học phí đối với giáo dục đào tạo trình độ đại học. Tuy nhiên, các trường công lập tự chủ tài chính có mức học phí cao hơn.
Hiện nay, khối trường đại học công lập tự chủ đào tạo nhóm ngành y dược có mức học phí cao nhất, gồm: Khoa y Đại học Quốc gia TP.HCM: 66 – 96,8 triệu đồng/năm học (tùy ngành, ngành răng hàm mặt cao nhất). Mức thu từng khóa học sẽ được giữ cố định trong thời gian đào tạo.
Trường đại học Y Dược TP.HCM học phí 37 – 70 triệu đồng/năm học (tùy ngành, ngành răng hàm mặt cao nhất). Học phí các năm tiếp theo dự kiến tăng mỗi năm 10%.
Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch: các ngành y khoa, dược học, răng hàm mặt hơn 44 triệu đồng; các ngành còn lại khoảng 41 triệu đồng/năm học.
Trong khi các trường công lập chưa tự chủ và trường ở các tỉnh mức học phí thấp hơn: Trường đại học Y Dược Cần Thơ: 29,4 – 44,1 triệu đồng/năm học; Trường đại học Tây Nguyên học phí ngành y khoa 12,5 triệu đồng/năm, các ngành khác 8,95 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, hiện có nhiều trường công lập tự chủ có mức thu học phí cao hơn: Trường đại học Tôn Đức Thắng (22,5 – 75,6 triệu đồng, tùy ngành – chương trình, chưa gồm học phí kỹ năng tiếng Anh).
Trường đại học Kinh tế TP.HCM, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, Trường đại học Tài chính – Marketing, Trường đại học Mở TP.HCM, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Trường đại học Luật TP.HCM, Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, Trường đại học Công nghiệp TP.HCM…
Ở khối Đại học Quốc gia TP.HCM, hiện phần lớn các trường đều đã tự chủ có mức học phí cao: Trường đại học Bách khoa, Trường đại học Khoa học tự nhiên, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường đại học Kinh tế – Luật, Trường đại học Quốc tế, Trường đại học Công nghệ thông tin…
Ngoài ra, các trường đại học tư thục có mức học phí cao hơn trường công lập.
Tuổi Trẻ Online mở mục “Hộp thư tuyển sinh” để giải đáp mọi thắc mắc của học sinh và phụ huynh về chuyện học hành, thi cử, tuyển sinh. Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi đến email [email protected] để được các chuyên gia tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp của Báo Tuổi Trẻ trả lời.
Theo Báo Tuổi Trẻ