Từ trung học lên đại học, đây là những điều bạn cần phải thay đổi

0
2257

“Cố gắng học đi, lên đại học tha hồ mà chơi” – sự thật có phải như vậy? Lên đại học là tha hồ vui chơi, nhảy múa? Tất nhiên là không rồi bạn, dù là cấp 3 hay đại học thì việc học vẫn cứ tiếp tục, thậm chí còn nhiều áp lực hơn nữa, bạn phải chủ động trong việc học hành…

Cần chủ động trong việc học tập

Giảng đường đại học không quá bắt buộc phải đến lớp đầy đủ như cấp 3, ở giảng đường đại học giáo viên cũng sẽ không thông báo đến phụ huynh hôm nay bạn cúp học hay bỏ tiết vì số học sinh có thể lên đến hàng trăm… Vậy nên, nếu bạn không tự giác, không thấy được tầm quan trọng của việc học thì sẽ dễ dàng “tự cho phép” mình cúp tiết đôi khi không vì lý do gì cả! Dù là tân sinh viên hay sắp rời xa cánh cổng đại học, đừng bao giờ ngừng học hỏi nâng cao tri thức của bản thân để không phải hối tiếc rằng “Giá như trước kia mình chăm chỉ học hành hơn thì…”!
Từ trung học lên đại học, đây là những điều bạn cần phải thay đổi - Ảnh 1.

Đừng lười học hỏi hoặc chỉ thụ động trong việc học tập cũng như những vấn đề liên quan đến cuộc sống. Bạn có thể nâng cao kiến thức bằng cách học hỏi những bạn bè xung quanh, hoặc thay vì chỉ sử dụng internet để vào facebook, hay tìm kiếm những nguồn tài liệu để học thêm. Những điều này sẽ giúp bạn hiểu thêm nhiều điều, nền tảng kiến thức sẽ đa dạng phong phú hơn.

Phải tự biết cách quản lý chi tiêu

Khi còn là học sinh, thời gian của bạn hầu hết dành cho việc học là nhiều. Khoảng thời gian còn lại sẽ là những sinh hoạt hàng ngày ăn uống, vui chơi… Nhưng khi là sinh viên bạn có thể tự quản lý thời gian và sắp xếp các công việc học tập, giải trí cũng như chi tiêu. Là một học sinh, bạn có thể phụ thuộc toàn bộ vào gia đình và hầu như hiếm khi phải lo nghĩ về vấn đề này. Trái lại, tiền bạc trở thành một mối quan tâm thực sự trong trường đại học!

Nếu không cân đối chi tiêu hợp lý với khoản tiền từ gia đình cho bạn có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt tiền bạc thường xuyên, hoặc liên tục “làm bạn” với mì gói – việc này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập. Vậy nên sinh viên cần lên kế hoạch chi tiêu hợp lý và cách để quản lý tiền tốt nhất là lập bảng chi tiêu hàng tháng và cố gắng cân đối cho phù hợp. Càng ước đoán chi tiêu vào đầu mỗi tháng chính xác bao nhiêu thì số tiền tiết kiệm được càng nhiều. Hoặc bạn cũng có thể bắt đầu một công việc bán thời gian và tự kiếm được những đồng tiền đầu tiên và dần dần trở nên độc lập về tài chính. Tuy nhiên phải luôn nhé, việc học vẫn luôn được ưu tiên số 1!

Chịu trách nhiệm với sự “tự do”

Một trong những điều mà nhiều học sinh trung học mong muốn học đại học là tự do. Sống trong nhà trọ hoặc ký túc xá, bạn sẽ không phải lo xin phép cha mẹ mỗi khi đi ra ngoài hoặc mua sắm đồ gì đó. Tuy nhiên, tự do là quyền lợi và cũng là một trách nhiệm rất lớn.

Từ trung học lên đại học, đây là những điều bạn cần phải thay đổi - Ảnh 2.

Không chỉ là được chủ động làm những điều mình thích mà bạn còn phải chịu trách nhiệm với những quyết định, việc làm của bản thân. Khi đối diện với những vấn đề vướng mắc trong học tập, hay cuộc sống hàng ngày bạn phải đối mặt và tìm cách giải quyết, chứ không quá dựa dẫm vào ai. Sự tự do ở trường đại học gắn liền với việc bạn phải sống có trách nhiệm với chính bản thân mình và học cách nói “không” khi cần thiết.

K14