Những kì thi chuyển cấp dù là lên Đại học hay chỉ là lên cấp 3 cũng đều mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, chính bởi vậy không chỉ là bản thân sĩ tử mà người nhà sĩ tử cũng phải trải qua nhiều cảm xúc lo lắng, hồi hộp, thấp thỏm. Mùa thi năm nào cũng như năm nào, vẫn những câu chuyện cũ như đề dễ đề khó, làm được bài hay không làm được bài, vẫn những hình ảnh mùa thi nào cũng gặp như thí sinh đi muộn, thí sinh ra sớm, phụ huynh vất vả đứng chờ con…
Thi cử là chuyện của thí sinh nhưng thực tế thì những người phải suy nghĩ nhiều nhất lại là các bậc phụ huynh. Người ta vẫn nói, nếu ai muốn hiểu lòng cha mẹ, hãy cứ đến cổng trường vào những ngày thi. Đến rồi bạn sẽ biết trong lúc các sĩ tử đang đấu trí trong phòng thi, cân não với từng con số, từng câu văn, vượt qua kì thi quan trọng của cuộc đời thì ở ngoài kia, giữa thời tiết dở dở ương ương của mùa hè, lúc thì nắng như đổ lửa khi lại rầm rì đổ mưa ào ào có những ông bố bà mẹ cũng đang thấp thỏm chờ mong, ngồi đếm từng giây thời gian trôi qua.
Thậm chí còn chẳng cần đến một lời nói, chỉ cần nhìn vào những ánh mắt ngóng về phía trường thi, những giọt mồ hôi ướt đẫm trên trán, nét mặt lo lắng của các bậc phụ huynh có con đang tham gia vào các kì thi là đủ hiểu tình yêu thương của cha mẹ lớn lao tới cỡ nào. Và khi những nỗi lòng được nói ra, dù chỉ là đôi ba câu nói không hoa mỹ, bạn sẽ càng thấm thía hơn thứ tình cảm thiêng liêng ấy.
Chú Chính (Ba Đình) lại lo lắng cho các bạn học sinh vì áp lực các bạn phải chịu đựng. Các bạn đều đang ở độ tuổi mới lớn, còn chưa đủ mạnh mẽ để đối diện với vất vả, áp lực…
“Tôi không hy vọng con tôi trở thành nhân tài, tôi chỉ muốn con tôi có thể làm tốt một việc nào đấy theo ước mơ của con.”
“Được khỏe mạnh, được làm việc theo đúng nghề mà con yêu thích, đam mê.”
“Không cần làm ông to bà lớn gì cả, con cứ sống vui vẻ, có năng lực tự lo cho mình, bố mẹ cần có thế thôi.”
Theo Kênh 14