Trung Quốc: Trường quốc tế sẽ phải quay số để tuyển học sinh

0
1311

Sự gia tăng mạnh mẽ các trường tư thục và quốc tế tại Trung Quốc đã buộc chính phủ nước này gấp rút đưa ra các quy định để kiểm soát quá trình tuyển sinh.

Trong những năm gần đây, tại Trung Quốc, số lượng trường học quốc tế đang gia tăng mạnh mẽ theo cấp số nhân, đặc biệt là từ các trường có trụ sở tại Anh.

Nguyên nhân là do các quy định giáo dục trong nước được nới lỏng và trẻ em Trung Quốc được phép đăng ký vào học tại các trường thuộc sở hữu nước ngoài.

Ngày càng nhiều phụ huynh từ tầng lớp trung lưu đang lên ở Trung Quốc có ý định gửi con học tại các trường quốc tế trước khi ra nước ngoài học.

Nhận thấy một thị trường mới đầy tiềm năng ở Trung Quốc, một số trường tư thục và quốc tế thuộc sở hữu của Anh bắt đầu mở chi nhánh hoặc liên kết đào tạo tại đất nước này.

Theo báo cáo gần đây, dự kiến khoảng 46 trường học quốc tế sẽ chính thức tuyển sinh vào năm học tới, nhiều hơn gấp đôi so với hai năm trước.

Theo Forbes, một số trường tư thục có uy tín, đặc biệt là trường học Anh quốc, đã tìm cách tận dụng thương hiệu của họ để mở chi nhánh tại Trung Quốc trong những năm gần đây như các chi nhánh của Trường King (King’s School), Canterbury và trường Shrewsbury.

Với số lượng trường quốc tế ngày một nhiều, chính phủ nước này gấp rút đưa ra các quy định để kiểm soát quá trình tuyển sinh bởi nhiều ý kiến cho rằng những trường với cơ sở hiện đại, triết lý giáo dục và phương pháp giảng dạy tiên tiến đang cạnh tranh mạnh mẽ, trực tiếp với các trường công lập và dần thu hút hết những học sinh giỏi nhất.

Ngày càng nhiều trường quốc tế tới đặt chi nhánh tại Trung Quốc.

Trước tình hình đó, mới đây, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc Zheng Fuzhi, đã công bố một số biện pháp mới để cải thiện tình hình tuyển sinh.

Theo đó, “cả trường công lập và tư thục trong hệ thống giáo dục bắt buộc phải thực hiện tuyển sinh của họ cùng một lúc và trong trường hợp số lượng đơn ứng tuyển nhiều hơn con số được phép tuyển, các trường tư thục phải chọn học sinh thông qua hệ thống quay số chọn ngẫu nhiên”, trang SixthOne đưa tin.

Không ít phụ huynh ủng hộ phương án tuyển sinh này vì họ tin rằng điều này sẽ giảm áp lực cho con cái họ để được học tại các trường tư thục danh tiếng.

Theo SixthOne, Qin Yue, một phụ huynh ở Thượng Hải, cho biết chính sách mới này sẽ giúp phụ huynh không phải chi tiêu tốn kém vào việc chạy đua kiến thức và học sinh không phải quá vất vả để ôn luyện phỏng vấn cũng như vượt qua các bài kiểm tra “khắc nghiệt cả về độ khó lẫn tính cạnh tranh” tại các trường tư.

Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng trước chính sách mới này. Cheng Lina, một phụ huynh dự định đăng ký cho đứa con 5 tuổi của mình vào một trường tiểu học tư thục vào năm tới, cho biết: “Hệ thống quay chọn ngẫu nhiên có nghĩa là, cho dù bạn chuẩn bị cho con tốt như thế nào, việc trúng tuyển chỉ dựa vào may mắn. Đó không phải là một thực tế công bằng”.

Một số người còn cho rằng, hệ thống quay chọn ngẫu nhiên vi phạm quyền của các gia đình được chọn một hệ thống giáo dục phù hợp cho con em của họ.

Tuy nhiên, từ góc độ của bộ Giáo dục nước này, họ khẳng định chính sách này nhằm đảm bảo nguyên tắc tuyển sinh cấp dưới không dựa vào bài kiểm tra hay phân cấp trình độ.

Theo Dantri