Ấn tượng với lời phê tràn đầy yêu thương của cô giáo dạy toán

0
1933

Sáng 7.5, trên trang cá nhân của chuyên gia giáo dục Microsoft Tô Thụy Diễm Quyên chia sẻ những lời phê ấn tượng, vui nhộn của cô Nguyễn Thị Như Huyền, giáo viên Trường THCS Quang Trung (Bảo Lộc, Lâm Đồng) trong bài kiểm tra môn toán của học sinh.

Không còn là những điểm số, lời phê đơn điệu mà thay vào đó, với mỗi học sinh, cô Nguyễn Thị Như Huyền đưa ra những nhận xét khác nhau “vừa đúng, vừa trúng, vừa vui”.

Có những bài đạt điểm 10, cô Như Huyền phê rằng: “Oh yeah! Hôm nay có đứa cười rách miệng” và không quên vẽ biểu tượng mặt cười.

Hay với bài đạt điểm gần tối đa, cô giáo “vui nhộn” không quên “bỏ nhỏ”: “Đôi khi nhanh quá lại thiệt, cần đọc hướng dẫn kỹ trước khi hạ bút”, hoặc học sinh mắc lỗi tính toán thì cô nhắc và chỉ ra lỗi rằng: “Ôi bảng cửu chương ơi, mày đi đâu vậy”  hay “Chép nhầm đề, hờn cả thế giới!” hoặc khuyến khích học sinh bằng câu: “Sắp chạm đến đích rồi, cố lên”.

Riêng những học sinh chưa đạt kết quả cao, cô động viên bằng những lời phê như: “Đường chinh phục đỉnh cao luôn gặp chướng ngại vật. Cố gắng vượt qua nha, cô tin em làm được!” hay nhẹ nhàng: “Cô rất buồn, con vẫn chưa chú ý”…

Không chỉ chia sẻ những hình ảnh nói trên, bà Tô Thụy Diễm Quyên còn viết rằng: “Một cô giáo dạy toán có cách viết lời phê bài kiểm tra quá đáng yêu, tràn đầy cảm xúc và động lực. Tôi tin rằng những đứa trẻ được nhận xét như thế sẽ trưởng thành bằng nhân cách lẫn nghị lực.

Ngay dưới những dòng trạng thái mà bà Diễm Quyên chia sẻ, không ít giáo viên đã vào nhận xét: “Gần gũi và ý nghĩa quá”. Đặc biệt có bạn tên Tri Trung bày tỏ: “Một giáo viên đầy nhiệt huyết và sáng tạo. Và hơn hết đó là tình yêu dành cho học sinh”.

Chia sẻ về những lời phê đáng yêu nói trên với phóng viên Báo Thanh Niên, cô Nguyễn Thị Như Huyền nói: “Sự gần gũi, yêu mến học trò đã giúp tôi viết được lời phê như vậy, mỗi bài tôi phê theo tính cách của từng em”. Qua lời phê, cô Như Huyền hướng đến: “Học sinh khi nhận bài kiểm tra là nhận được thành quả học tập của mình và được giáo dục kỹ năng sống, để lại ấn tượng ghi nhớ kiến thức… Qua đó, tạo môi trường thân thiện, gắn kết yêu thương giữa thầy và trò, xóa bỏ khoảng cách cô giáo với học sinh…”.

Theo Tienphong