Trong thời kì hội nhập và phát triển ở Việt Nam hiện nay, công nghệ thông tin không còn là một thuật ngữ xa lạ mà hơn thế, công nghệ thông tin còn là một ngành học được nhiều bạn trẻ cân nhắc bởi ưu thế việc làm từ nó.
Chúng ta thường nghe nhiều về công nghệ thông tin thế nhưng cụ thể học công nghệ thông tin là bao gồm học những gì? Sau khi tốt nghiệp sinh viên công nghệ thông tin có cơ hội việc làm như thế nào? Đó luôn là những nghi vấn mà mỗi bạn học sinh luôn đắn đo trước khi quyết định cho mình ngành học trong tương lai.
Công nghệ thông tin là một ngành kỹ thuật hiện đại
Theo cách hiểu đơn giản, Công nghệ thông tin là một ngành sử dụng hệ thống các phương tiện và công cụ kỹ thuật hiện đại chủ yếu là máy tính và viễn thông, bao gồm phần cứng và phần mềm máy tính, nhằm khai thác và sử dụng một cách có hiệu quả đối với các nguồn tài nguyên công nghệ cao trong mọi lĩnh vực, cung cấp giải pháp xử lý thông tin cho các cá nhân hay tổ chức có yêu cầu.
Công nghệ thông tin được phân chia thành 5 chuyên ngành: Khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, hệ thống thông tin, mạng máy tính truyền thông, kỹ thuật phần mềm. Vì vậy bạn có thể cân nhắc lựa chọn chuyên ngành phù hợp với bản thân và định hướng việc làm tương lai của bạn.
Theo thống kê của Bộ Thông tin – Truyền thông, đến năm 2020, Việt Nam cần một triệu lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhu cầu nhân lực ngành này tang 13% mỗi năm, và thực tế cho thấy, công nghệ thông tin là một trong những ngành ít chịu ảnh nhất trong các cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây.
Bạn có ngại học công nghệ thông tin?
Bạn có biết, theo một nguồn tin thú vị thì có “91% sinh viên cho rằng Công nghệ thông tin là một lựa chọn nghề nghiệp tốt cho họ và 97% sinh viên không hài lòng nếu cho rằng công nghệ thông tin chỉ dành cho nam giới” – Trích dẫn trong sự kiện “Chúng ta cùng lập trình” (#WeSpeakCode) 2015 của Microsoft.
Một số bạn học là nữ giới thường hay e ngại và đắn đo trong việc lựa chọn công nghệ thông tin làm ngành học chính cho mình vì cho rằng điều đó không phù hợp. Điều đó là không có căn cứ, không phù hợp với nhu cầu phát triển ngày nay. Chỉ cần bạn có tư duy nhạy bén, logic, sáng tạo, có đam mê với công việc, bạn có đủ điều kiện trở thành một sinh viên ngành công nghệ thông tin. Không vì bạn là ai, bạn như thế nào mà ảnh hưởng đến sự lựa chọn ngành nghề của bạn.
Học công nghệ thông tin, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức nền tảng về khoa học tự nhiên, kiến thức cơ bản về mạng máy tính, an toàn và bảo mật hệ thống thông tin, lập trình, phần mềm… Bên cạnh đó, sinh viên sẽ được chọn học các chuyên ngành phù hợp với năng lực và sở thích.
Là một ngành mũi nhọn hướng đến sự phát triển của công nghệ và khoa học kỹ thuật trong thời đại số hóa ngày nay, Công nghệ thông tin mang đến cho sinh viên những cơ hội việc làm hấp dẫn. Sinh viên sau khi tốt nghiệp với những kiến thức nền tảng đã được trang bị đầy đủ có thể phát triển khả năng cài đặt, sửa chữa, xây dựng và bảo trì các phần cứng của máy tính cũng như nghiên cứu phát triển các ứng dụng phần mềm. Ngoài ra, sinh viên còn có thể đảm nhận công việc của một lập trình viên, một chuyên gia IT tự do, hoặc tham gia vào lĩnh vực bảo vệ an toàn thông tin mạng đang rất được chú trọng hiện nay. Bạn có thể làm việc cho bất cứ cơ quan, tổ chức nào và nếu có đủ điều kiện bạn có thể thành lập công ty của riêng mình.
Trở thành sinh viên công nghệ thông tin, bạn cần phải chuẩn bị cho mình tinh thần thoải mái khi tiếp cận với những thông tin khô khan đặc thù và có khả năng tiếp nhận công nghệ mới, thay đổi mỗi ngày theo sự phát triển của kỹ thuật công nghệ. Và với vốn kiến thức nền tảng vững chắc cho một thời đại số hóa phát triển sẽ đem đến cho bạn những cơ hội việc làm đa dạng, một nghề nghiệp đáng tự hào trong tương lai.
Bạn cần cân nhắc kỹ càng rằng mình yêu thích và phù hợp với công việc như thế nào, từ đó lựa chọn cho mình một ngành nghề, một trường đại học phù hợp, vì đó là nhân tố quyết định tương lai của bạn, là công việc mà bạn sẽ theo đuổi vì hoài bão của mình.
Theo kenh14