Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, đề thi THPT quốc gia năm 2018 sẽ xuất hiện những câu hỏi mang tính định hướng thí nghiệm, thực hành của học sinh. Do đó những trường nào bỏ phần này, thí sinh sẽ khó khăn hơn khi thi.
Ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, khác với năm 2017, đề thi năm nay được mở rộng ra khi có thêm phần nội dung ở chương trình lớp 11.
“Theo như hướng dẫn ngay từ đầu, nội dung sẽ nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 nhưng chủ yếu vẫn là lớp 12. Nếu căn cứ theo đề thi tham khảo thì khoảng 20% kiến thức lớp 11, còn lại 80% là của lớp 12.
Ông Hồng cho hay, việc Bộ công bố đề tham khảo nhằm mục đích giúp các học sinh định hướng nội dung ôn tập. “Nhưng không thể nói bỏ phần nào, học phần nào. Còn nếu khó khăn thì khó khăn chung, công bằng với tất cả thí sinh, chứ phải chỉ một nhóm nào có lợi thế cả”.
Cùng đó, cũng để Bộ tiếp nhận những phản hồi từ phía các giáo viên, học sinh để xây dựng đề thi chính thức được phù hợp nhất. “Hiện, Cục Quản lý chất lượng đang triển khai thử nghiệm chọn mẫu, định cỡ các câu hỏi thi để làm nguồn cho hội đồng ra đề thi khi cách ly sử dụng. Trước đây cũng có nguồn ngân hàng câu hỏi thi nhưng chưa có phần thử nghiệm chuẩn hóa và định cỡ. Giờ có phần chọn mẫu giữa các trường THPT trên cả nước để làm sao các câu hỏi thi sát thực với năng lực của các em, tức độ khó – dễ đảm bảo hơn”, ông Hồng nói.
“Tôi cũng nhận được thông tin từ một số hiệu trưởng cho rằng đề minh họa khó quá, do đó Bộ cũng sẽ có tính toán xem mức độ như thế nào, nếu cần thì điều chỉnh phù hợp”.
Bộ đang trong quá trình hoàn thiện để có đề thi sát thực với các em.
“Về đề bài thi Khoa học Tự nhiên, gồm Vật lý, Sinh học và Hóa học, những câu khó là sẽ rơi vào về bản chất, hiện tượng, chứ không khó hay nặng về tính toán”, ông Hồng khẳng định.
Ngoài ra, sẽ bắt đầu xuất hiện những câu hỏi mang tính định hướng thí nghiệm, thực hành để tiệm cần dần với chương trình phổ thông mới tới đây. “Chúng tôi định hướng phần kiểm tra, đánh giá sẽ quay trở lại và tác động lại phần dạy học. Nếu các nhà trường nào bỏ qua phần thí nghiệm của các em, thì đi thi sẽ khó khăn hơn với các em. Bắt đầu xuất hiện nhưng cũng không phải là quá nhiều, bởi nếu nhiều quá học sinh cũng chưa quen. Như môn Toán chẳng hạn, chúng tôi cũng quan điểm là cũng không thể học theo kiểu chỉ thuộc các bước để giải toán, cứ bước một là chuyển vế, bước hai đổi dấu, bước ba là ra kết quả,.., Nên sẽ có những câu hỏi hỏi về lý thuyết toán, tức phải hiểu bản chất về nội dung đó để làm. Nhưng sẽ không phải là đổi hết ngay và có lộ trình dần dần để hướng tới đánh giá thực sự năng lực của học sinh”, ông Hồng cho biết.
Theo Vietnamnet