Ngành Luật đang “hot” nhất hiện nay?

0
4061

Nhu cầu xã hội đối với ngành Luật hiện nay không còn bó hẹp trong phạm vi các cơ quan tư pháp, chính vì thế mà đầu ra của sinh viên luật đang rộng mở.

Đại học Luật có phải là lựa chọn sáng suốt đối với những người chuẩn bị tốt nghiệp phổ thông? Cơ hội việc làm dành cho sinh viên đại học luật có đang rộng mở?

Theo Thầy Đoàn Đức Lương (Hiệu trưởng Đại học Luật – Đại học Huế), ngành Luật đang ngày càng được nhiều người quan tâm hơn. Xã hội hiện đại làm việc trên cơ sở pháp luật nên nhu cầu nguồn nhân lực ngành Luật cao hơn ngày xưa nhiều.

Bên cạnh đào tạo ngành Luật để làm Luật sư hay làm ở các cơ quan Tư pháp, nhu cầu của xã hội trong những lĩnh vực khác như các doanh nghiệp, hoạt động tư vấn pháp luật, kinh tế, các tổ chức phi chính phủ cũng rất cần nhân lực ngành Luật.

Nhu cầu xã hội đối với ngành Luật hiện nay không còn bó hẹp trong phạm vi các cơ quan tư pháp, chính vì thế mà đầu ra của sinh viên Luật đang rộng mở.

Trong khối ngành nghề hoạt động về Luật, cơ quan Tư pháp được hưởng chế độ lương bổng của nhà nước; khối ngành nghề hoạt động tự do như luật sư, công chứng thu nhập cũng khá cao.

Với người làm hoạt động trong khối kinh tế, ngoài lương cơ bản, họ còn được hưởng doanh thu của doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều người học Luật có xu thế ít tham gia vào khối nhà nước mà chủ yếu muốn làm ở khối tự do hay khối kinh tế.

Nhu cầu các khối cơ quan nhà nước, Hội đồng nhân dân, các Văn phòng đại biểu quốc hội, Ủy ban nhân dân đều cần người học ngành Luật. Theo khảo sát, tới 80% sinh viên ra trường đáp ứng được các nhu cầu đó, được làm ở các khối chuẩn đầu ra của trường.

Luật sư Hà Huy Phong (Gíam đốc Công ty Luật Inteco, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, có thể thấy một bức tranh khá tươi sáng và nhiều triển vọng đối với ngành Luật. Trong bối cảnh xã hội phát triển, quan hệ dân sự giữa con người và con người càng mở rộng, phức tạp, đan xen thì vai trò của những người trung gian như Luật sư hay cán bộ pháp chế hết sức quan trọng.

Ngay trong bản thân các cơ quan Nhà nước, vai trò của những người có hiểu biết về pháp luật cũng đang được củng cố và phát triển. Điều đó không chỉ xuất phát từ việc sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, mà còn nằm ở kỹ năng xử lý tình huống và giải quyết các vấn đề phát sinh trong nội bộ cơ quan,giữa cơ quan với bên ngoài một cách khéo léo, phù hợp, hiệu quả.

Kinh tế càng phát triển, nhu cầu xã hội đối với đội ngũ Luật sư và cán bộ pháp chế càng tăng. Ở các nước phát triển, mỗi người dân đều có liên hệ hoặc thuê Luật sư riêng, mỗi doanh nghiệp đều ký hợp đồng với một hoặc một số hãng luật nhất định để đại diện cho họ về mặt pháp luật.

Các nhà quản lý thường tham vấn ý kiến của Luật sư và đội ngũ trợ lý pháp chế trước khi đưa ra quyết định hoặc hoàn thiện một bản đề án, kế hoạch kinh doanh. Phí thuê luật sư ở các nước tiên tiến như Mỹ, Singapore… rất đắt và Luật sư là một trong những nghề cực kỳ danh giá, được xã hội tôn trọng. Ở Singapore, có những cửa hàng chỉ dành riêng cho Luật sư và Bác sỹ.

Việt Nam đang đi những bước đầu tiên trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế. Mức độ phát triển của nền kinh tế còn chưa đạt được kỳ vọng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân về sự thiếu hụt đội ngũ Luật sư và người tư vấn pháp lý.

Hiện nay, tâm lý và thói quen sử dụng Luật sư và đội ngũ cố vấn pháp lý trong các doanh nghiệp đã được hình thành và có xu hướng phát triển tốt, chắc chắn trong tương lai gần, vị thế của Luật sư và người làm công tác pháp luật sẽ được đề cao và có giá trị hơn nữa.

Tuy nhiên, thử thách không hề nhỏ, vì ngành Luật yêu cầu khả năng làm việc gắn chặt với năng lực, kỹ năng và kinh nghiệm, chứ không phụ thuộc vào các mối quan hệ kiểu con cha cháu ông hay thân quen.

Hiện Việt Nam có khoảng 600.000 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này luôn cần sự hỗ trợ pháp lý rất lớn trong hoạt động điều hành và kinh doanh. Bên cạnh đó, nhu cầu tư vấn và hỗ trợ pháp lý của người dân ngày càng gia tăng. Cơ hội việc làm đang chờ đón những sinh viên Luật.

Thầy Nguyễn Hồng Sơn (Trưởng phòng đào tạo ĐH Luật – ĐH Huế) cho biết, đối với ngành Tư pháp như Viện kiểm sát, Tòa án, Thi hành án…, nguồn cán bộ chủ yếu là từ cử nhân luật. Các cơ quan điều tra như CAND, CSND… hàng năm cũng tuyển lượng cử nhân luật rất lớn.

Hệ thống cơ quan hành chính công cũng đang không ngừng tăng cường pháp chế, áp dụng luật vào quản lý điều hành. Việc tuyển dụng cử nhân luật đang cần thiết.Trường Luật đang làm tốt việc đào tạo lý thuyết và thực tiễn, qua đó giúp sinh viên trang bị những kiến thức khá chắc chắn trước khi ra trường và đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Theo ông Sơn, cơ hội việc làm là câu hỏi khó không chỉ đối với sinh viên ngành Luật mà với cả hệ thống giáo dục đại học của nước ta hiện nay. Tuy nhiên, cơ hội việc làm đối vơi sinh viên ngành Luật vẫn có nhiều điểm sáng và đang rộng mở.

24h