13% đăng ký 1 nguyện vọng, hứa hẹn lượng thí sinh ảo cực lớn

0
1887

Năm 2017, số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ tăng nhiều so với những năm trước, khiến các trường lại một lần nữa đau đầu với khả năng “ảo” ngày một cao trong tuyển sinh.

Khó lường trước được tỉ lệ ảo

Kết thúc hạn đăng ký xét tuyển, cả nước có 859.835 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia, trong đó thí sinh đăng ký xét tuyển là 643.151, chiếm khoảng 75%. So sánh với năm 2016, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học tăng mạnh hơn 40.000 thí sinh trong khi chỉ tiêu lại giảm 20%, vào khoảng 30.000 chỉ tiêu. Xét trên tổng thể, điều này sẽ tạo mức cạnh tranh cao hơn đối với các thí sinh dự tuyển vào đại học.

Có thể nói, việc tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017 tăng nhiều so với hai năm trước đây có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là việc Bộ GDĐT không giới hạn số nguyện vọng và số trường khi đăng ký xét tuyển.

Năm 2015, trong xét tuyển đợt 1, mỗi thí sinh chỉ có 1 nguyện vọng; năm 2016, mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 2 trường và mỗi trường 2 nguyện vọng thì năm nay, không còn có những giới hạn đó nữa.

Một nguyên nhân nữa cũng khiến số nguyện vọng đăng ký vào các trường tăng là do nhiều trường thêm tổ hợp xét tuyển mới. Thêm vào đó, việc cho thí sinh đăng ký xét tuyển trước khi có kết quả cũng làm nhiều thí sinh ảo tưởng chắc chắn sẽ đậu ĐH dù chưa biết kết  quả thi như thế nào, có đậu tốt nghiệp hay không.

Mặc dù số nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH năm nay tăng đột biến so với năm 2016, nhưng đây không phải là con số thực. Theo các chuyên gia tuyển sinh, nếu năm 2016 thí sinh ảo là 50% thì năm 2017 số thí sinh ảo sẽ lớn hơn nhiều.

Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy chỉ có 13% thí sinh đăng ký duy nhất 1 nguyện vọng, 30% thí sinh đăng ký 2 nguyện vọng. Số lượng lớn thí sinh còn lại đều đăng ký 4 đến 5 nguyện vọng. Cá biệt, thí sinh đăng ký nhiều nhất là 21 nguyện vọng xét tuyển đại học. Điều này càng khẳng định khả năng “ảo” trong khâu xét tuyển đại học năm nay sẽ rất lớn.

Khi có kết quả điểm thi và có điểm sàn, có một lượng thí sinh rất lớn sẽ bị loại và còn có tình trạng thay đổi nguyện vọng. Mặt khác, nếu thí sinh trúng tuyển mà không nhập học thì vẫn được tiếp tục xét các nguyện vọng tiếp theo ở các trường, đây cũng là một yếu tố ảo không thể bỏ qua. Do đó, nhiều trường dự báo việc xét tuyển ĐH năm 2017 sẽ rất khó lường.

Các trường tự cứu mình

Nhóm các trường ĐH phía Nam đã thành lập nhóm xét tuyển phía Nam và cùng đề ra nguyên tắc lọc ảo trong kỳ tuyển sinh năm nay.

Theo đó, Ban thường trực Nhóm lọc ảo phía Nam gồm PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, Trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH Quốc gia TP.HCM; TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, Thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh Bộ GĐT; PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh Bộ GD-ĐT.

Nguyên tắc lọc ảo được nhóm đưa ra sau khi thống nhất như sau: Các trường thực hiện xét tuyển độc lập gồm chủ động xác định điểm chuẩn trúng tuyển, số gọi nhập học cho các ngành của trường và tổng hợp danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển.

Các trường nạp danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển cho bộ phận thường trực nhóm lọc ảo: Chỉ bao gồm tên và số báo danh thí sinh và thứ tự nguyện vọng trúng tuyển, không bao gồm điểm thi, điểm chuẩn, ngành trúng tuyển.

Hệ thống lọc ảo sẽ đánh dấu các thí sinh đã trúng tuyển vào nguyện vọng có ưu tiên cao hơn vào các trường khác trong nhóm và trả danh sách cho các trường.Các trường tiếp tục xét tuyển và nạp danh sách trúng tuyển cập nhật. Quá trình này sẽ được thành lập nhiều lần trước khi tham gia hệ thống xét tuyển/lọc ảo của Bộ.

Hệ thống lọc ảo của nhóm không biết và không quan tâm tới đến điểm của thí sinh, điểm chuẩn của các trường trong nhóm. Bảo mật thông tin về dữ liệu trong quá trình phối hợp, trao đổi lọc ảo.

Dự kiến Nhóm lọc ảo sẽ phối hợp lọc ảo trong 4 đợt từ ngày 27/7 đến ngày 30/7. Hiện tại đã có 83 trường ĐH tham gia nhóm lọc ảo.

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GDĐT cho biết, những yêu cầu về lọc thí sinh “ảo”, phần mềm của Bộ GDĐT đều đáp ứng được. Đồng thời, Bộ GDĐT sẽ cung cấp tất cả dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh để các trường cân nhắc quyết định điểm chuẩn phù hợp nhất.

Sau khi có danh sách dự kiến, các trường cập nhật lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT. Phần mềm thống kê nguyện vọng sẽ loại bỏ những nguyện vọng thấp của thí sinh đã trúng tuyển nhiều nguyện vọng để đảm bảo mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất (nếu có) trong tất cả các danh sách mà các trường gửi lên. Tuy nhiên, Bộ GDĐT vẫn khuyến cáo để xử lý vấn đề thí sinh “ảo” hiệu quả, các trường nên phối hợp với nhau thành nhóm để xét tuyển.

infonet