Những tố chất đòi hỏi của người kiến trúc sư?

0
1834

Nhiều câu hỏi tư vấn liên tục gửi về. Quá nhiều băn khoăn thắc mắc lĩnh vực nghề nghiệp mà ở đó thí sinh chưa mường tượng hay nắm chắc được công việc cụ thể để tạo dựng cũng như hình dung sự nghiệp của mình trong tương lai.

Kiến trúc sư là những chuyên gia được đào tạo và cấp bằng về nghệ thuật và khoa học thiết kế các công trình xây dựng. Họ biến những nhu cầu của con người về nơi ở, sinh hoạt, vui chơi, làm việc v.v… thành hình ảnh và đồ án của các công trình mà sau đó sẽ xây dựng bởi người khác.

Công việc chính của kiến trúc sư

Quy trình chung để một công trình được xây dựng gồm các bước:

Hoạch định dự án, thiết kế công trình, đấu thầu xây dựng, triển khai thi công, nghiệm thu và bàn giao công trình.

Nhiệm vụ chủ yếu của kiến trúc sư là ở phần việc đầu tiên: làm dự án, thiết kế kiến trúc, quy hoạch và thường là người chủ trì công trình. Họ hợp tác với các kỹ sư, chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau, chủ yếu về xây dựng, để đưa ra thiết kế hợp lý nhất cho công trình.

Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp

Kiến trúc sư thường làm việc tại văn phòng tư vấn và thiết kế, xưởng thiết kế. Công trường cũng là một địa chỉ gắn bó với kiến trúc sư khi họ phải đi khảo sát thực tế hay điều hành dự án.

Kiến trúc sư chủ yếu làm việc tại các văn phòng tư vấn, trong các xưởng thiết kế khá tiện nghi. Đôi khi
họ phải đi thực tế, giám sát thi công. Công việc này vất vả nhưng lại rất thú vị. Làm việc trong nghề này nghĩa là bạn chấp nhận áp lực công việc lớn, có thể nhiều đêm phải thức trắng để hoàn thành thiết kế kịp thời gian. Cũng như nghề thiết kế, nhiều kiến trúc sư làm việc độc lập hoặc cùng một số đồng nghiệp lập ra xưởng, công ty kiến trúc của mình.

Những tố chất của người kiến trúc sư.

Kiến trúc sư cần có tư chất của một nghệ sĩ, một nhà khoa học – kỹ thuật, một người làm công tác văn hóa – xã hội. Người ta nói nghề kiến trúc là nghề kết hợp khoa học, kỹ thuật và nghệ thuật là như vậy.
Năng lực tư duy thẫm mỹ trong không gian, nhận thức và tạo dựng cái đẹp
Khao khát sáng tạo, đam mê hình khối, háo hức tạo dựng công trình
Kiên trì, sáng tạo, ham học hỏi
Có bản lĩnh, kiên định
Đặc điểm về giới cũng đáng lưu ý. Những đòi hỏi về khả năng làm việc cường độ cao, áp lực công việc nặng khiến tỉ lệ nữ làm việc trong ngành này không cao.
Một số địa chỉ đào tạo

Tùy vào từng trường mà có yếu cầu thi riêng.

Bạn có thể học ngành này tại: Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Kiến trúc Tp. Hồ Chí
Minh, Trường Đại học Xạy dựng, Trường Đại học Dân lập Đông Đô, Trường Đại học Dân lập Phương Đông v.v…

MỘT SỐ NGHỀ NGHIỆP TRONG NGÀNH KIẾN TRÚC

QUY HOẠCH XÂY DỰNG

Bao gồm các lĩnh vực:

Quy hoạch vùng: Dựa vào “ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội” của vùng được phê duyệt, kiến trúc sư quy hoạch xây dựng hệ thống phân bố dân cư, hệ thống các đô thị chính, khu công nghiệp, nông lâm nghiệp, các khu kinh tế đặc thù v.v… Kiến trúc sư quy hoạch vùng thiên về tư duy hệ thống, tư duy phân tích và dự đoán, ít tính tạo hình.

Quy hoạch đô thị: Kiến trúc sư bố trí, sắp đặt, tổ chức hệ thống không gian đô thị như: nơi ở, nơi làm việc, hệ thống đường giao thông, bến tàu, bến cảng v.v…
Thiết kế đô thị và thiết kế cảnh quan: Họ chính là các kiến trúc sư thiết kế “nội thất cho đô thị”. Tư duy thiên về tạo hình vật thể với tỷ lệ, vật liệu, màu sắc, hướng vận động và ý nghĩa của tất cả các yếu tố vật thể như: hình dáng công trình kiến trúc, khoảng trống, vật liệu nền hè, đường đi bộ, biển chỉ đường v.v…

THIẾT KẾ CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC

Đây là công việc thu hút đông đảo kiến trúc sư nhất. Nếu thiết kế quy hoạch cần nhiều lao động tập thể thì thiết kế công trình lại đề cao năng lực cá nhân. Hình thức kiến trúc công trình phản ánh rõ tính cách, năng lực và gu thẩm mỹ của tác giả.

Từ nhu cầu, hoạt động của người sử dụng, kiến trúc sư vẽ ra sơ đồ công năng tổ chức các không gian tương ứng với hoạt động, rồi chọn bộ khung phù hợp cho không gian đó.

Kiến trúc sư công trình còn phải liên tưởng và vẽ ra mặt đứng của công trình, lựa chọn hình khối, vật liệu xây dựng cho công trình, cũng như hình dung và vẽ ra hình ảnh tương lai cho nó. Trong chuyên môn, người ta gọi là vẽ phối cảnh.

THIẾT KẾ NỘI THẤT

Là trang trí bên trong công trình, thiết kế, lực chọn và bố trí không gian, vật dụng trong công trình. Kiến trúc sư nội thất có thẩm cảm tinh tế, khéo tay, tư duy với những đối tượng cụ thể. Kiến trúc sư nội thất đòi hỏi rất am hiểu tâm lý, sở thích, tính cách, thói quen của chủ nhà, từ đó tìm ra phong cách nội thất phù hợp

Tổng hợp (ST)