Phân tích và so sánh vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Tây Tiến – Quang Dũng và bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu.

0
44227

Đề 2:
Phân tích và so sánh vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Tây Tiến – Quang Dũng và bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu.

Vận dụng sơ đồ tư duy làm bài hoàn chỉnh

Mở bài
Trong chặng đường hành quân gian khổ, thiên nhiên có thể vừa là bạn vừa là đối thủ thử thách ý chí nghị lực của người lính. Cùng hoạt động trên địa bàn rừng núi Tây Bắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cuộc sống sinh hoạt và chiến đấu gắn bó mật thiết với thiên nhiên núi rừng nơi đây, nhưng mỗi người lính lại mang cảm hứng khác nhau tạo nên nét đẹp rất riêng, rất độc đáo trong Tây Tiến của Quang Dũng và Việt Bắc của Tố Hữu.

Thân bài:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
Quang Dũng (1921-1988) là nghệ sĩ đa tài, có hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa, đặc biệt khi ông viết về những người lính Tây Tiến và xứ Đoài quê mình. Tây Tiến là bài thơ xuất sắc nhất, tiêu biểu cho đời thơ, phong cách sáng tác của ông. Bài thơ bằng bút pháp lãng mạn, sự sáng tạo về hình ảnh, ngôn ngữ, giọng điệu đã bộc lộ một nỗi nhớ sâu sắc da diết của tác giả về những người lính Tây Tiến anh dũng hào hoa và núi rừng miền Tây hùng vĩ, Mỹ lệ.
Đường thơ, đường cách mạng của Tố Hữu gắn liền với các chặng đường của cách mạng Việt Nam. Bài thơ Việt Bắc được Tố Hữu sáng tác trong bối cảnh chia tay với Việt Bắc đầy lưu luyến. Cảnh và người Việt Bắc đã để lại nỗi nhớ không thể nào quên trong tâm hồn người cán bộ về xuôi. Không nỗi nhớ nào về thiên nhiên Việt Bắc lại thiếu hình ảnh về người Việt Bắc và không một nỗi nhớ nào về con người Việt Bắc lại theiéu nỗi nhớ về vẻ đẹp của núi rừng Việt Bắc. Bởi lẽ đơn giản con người Việt Bắc gắn bó với thiên nhiên, đến lượt mình người chiến sĩ cách mạng sống chan hòa với người Việt Bắc được che chở giữa đại ngàn núi rừng.

2. Phân tích.
2.1. Thiên nhiên Tây Tiến
2.1.1. Thiên nhiên dữ dội khắc nghiệt.
Tám câu thơ đầu trong bài thơ Tây Tiến đã thể hiện nỗi nhớ da diết của Quang Dũng qua việc miêu tả rừng núi miền Tây, nhắc nhở những kỷ niệm về các chặng đường hành quân gian khổ mà kiên cường, anh dũng:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi !
….
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Đối tượng đầu tiên trong nỗi nhớ của Quang Dũng là nhớ về rừng núi:
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Có lẽ bởi trong suốt cuộc hành quân cùng binh đoàn Tây Tiến, rừng núi chính là khung cảnh đặc trưng nhất, quen thuộc nhất đối với Quang Dũng và đồng đội. Rừng núi in đậm bao niềm vui nỗi buồn của người lính. Hơn ai hết, tác giả chính là người thấm thía nhất những khó khăn mình đã từng trải qua, cái nhìn về Tây Bắc là cái nhìn của một người trong cuộc đã từng tự mình thể nghiệm các cảm giác trèo đèo lội suối:
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mùa xa khơi.
Quang Dũng không miêu tả thẳng những khó khăn gian khổ của người lính mà chỉ miêu tả cái hoang vu khắc nghiệt của một vùng rừng núi hoang dã; song đọc đoạn thơ ai cũng hiểu, cũng có thể tưởng tượng ra cuộc sống chiến đấu của người lính Tây Tiến. Những địa danh Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông xa lạ càng làm cho núi rừng trở nên xa ngái, hoang vu, mà ở đó, kỷ niệm ùa về đầu tiên trong nhà thơ chính là những cuộc hành quân:
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Câu thơ chùng xuống, đều đều, gợi lên sự mỏi mệt, bải hoải, nặng nề, khiến ta tưởng chừng như đoàn binh Tây Tiến sắp ngã xuống, sắp bị lấp chìm đi trong sương núi. Quang Dũng không đơn thuần đứng ngắm từ xa hay tưởng tượng để tả mà tác giả chuyển tải cảm nhận từng trải về thế giới núi rừng đó qua cách tạo hình, phối thanh điệu là sự kết hợp giữa thi ca, hội họa và âm nhạc:
Dốc lên khúc khủy dốc thăm thẳm
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống cũng giống câu thơ: Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm có nhịp ngắt 4/3 với điệp từ và hai vế đối đã bẻ gập câu thơ, vẽ nên trong không gian những đường gấp khúc của rừng núi Tây Bắc: lên cao ngút trời, sâu xuống vô cùng, hun hút không thấy đáy.
Hình ảnh khúc khuỷu hiện lên làm ta cảm giác con đường đi khó khăn, vất vả biết mấy. Dốc thăm thẳm lại làm cho những khó khăn ấy dài thêm ra, sâu hút xuống, và cũng như tôn vị trí người lính đang đứng lên cao vòi vọi, sau khi đã vượt lên những con đường ngoằn ngoèo, uốn khúc. Đọc câu thơ lên ta cảm nhận rất rõ những bước chân nặng nề gắng gượng, những hơi thở nặng nhọc của người lính khi vượt qua hết con dốc này đến con dốc khác, dốc chồng lên dốc, hết dốc lên cao lại dốc lao xuống vô cùng vô tận. Thiên nhiên, địa hình khắc nghiệt của Tây Bắc hiện lên rõ nét, sinh động qua nét bút bạo, khỏe, gân guốc, ngôn ngữ có tính chạm khắc với một loạt những từ láy khúc khuỷu, thăm thẳm.

2.1.2. Thiên nhiên thơ mộng trữ tình.
Song, dù thiên nhiên có khắc nghiệt đến đâu, chặng đường có gian khổ cách mấy thì trong con mắt lãng mạn của người lính vẫn ẩn chứa những nét thơ mộng trữ tình. Giữa không gian rừng núi hiểm trở với những thanh trắc xen lẫn nhưng câu thơ với âm điệu âm điệu bỗng trở nên nhẹ nhàng, bồng bềnh bởi một câu thơ nhiều thanh bằng:
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Đó là hương hoa đêm của núi rừng đưa hương ngào ngạt, hay là hình ảnh những ngọn đuốc hoa trên tay người lính cầm trong cuộc hành quân giữa đêm dài? Có lẽ hiểu theo nghĩa nào cũng đúng, hình ảnh nào cũng rất hay, rất đẹp, rất lãng mạn hiện lên trong một không gian mờ ảo, phiêu bồng đêm hơi. Câu thơ đã xóa tan đi sự mỏi mệt của đoàn quân Tây Tiến để đoàn quân bước tiếp, tiếp tục vượt qua những chặng đường gian khổ:
Heo hút cồn mây súng ngút trời
Giữa cái xa xôi, hiu hắt, vòi vọi của độ cao, nơi nguy hiểm chồng chất dựng lên thành dốc, thành cồn, người lính đứng đó, mái đầu và đầu súng như chạm vào mây trời, ngang tàng, hiên ngang và khí phách. Hình ảnh thơ tếu táo súng ngửi trời đã nhấn đậm thêm vào vẻ đẹp ấy của người lính. Ta thấy con người và cây súng đã làm chủ được thiên nhiên, làm chế ngự được những khắc nghiệt, thử thách gian lao của một vùng sơn cước u minh. Quang Dũng đã sử dụng một hình ảnh hết sức sáng tạo, và vô cùng đắc địa. Chỉ một từ ngửi đã nói lên được cái ngông, cái ngang tàng của người lính trẻ. Đó không phải là chạm trời, hay chọc trời mà cây súng ở đây lại ngửi trời. Bao nhiêu gian lao khi vượt dốc, băng đường, trở thành một việc vô cùng đơn giản, dễ dàng, cỏn con, chỉ để người lính ngửi xem trời như thế nào mà thôi.
Ấy vậy mà khi vượt qua những chặng đường hành quân như vậy, dường như người lính lại chẳng hề mệt mỏi, bởi dường như bao nặng nhọc đã vơi đi hết bởi một câu thơ toàn thanh bằng độc đáo:
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Đó chính là cái tài ở thơ Quang Dũng. Câu thơ đã gợi lên cái phiêu diêu, chơi vơi, bay bổng nhẹ tênh của không gian rộng mở. Những mỏi mệt đã lùi hết về phía sau, vương lại nơi những khấp khểnh đường đi mà người lính đã vượt qua. Người lính bây giờ chỉ thấy khung cảnh trước mắt trải ra ngút ngàn: những ngôi nhà xa xôi, chìm khuất ẩn hiện trong màn mưa, gợi lên sự bâng khuâng và thoáng thầm lặng trong nỗi nhớ quê nhà.
Tám câu thơ mở đầu Tây Tiến đã gợi ra toàn cảnh những vất vả, gian lao, của chặng đường hành quân giữa thiên nhiên khắc nghiệt, rợn ngợp. Đó có lẽ là những ấn tượng sâu sắc và đậm nét nhất trong những kỷ niệm về Tây Tiến của nhà thơ. Xuyên suốt đoạn thơ, ta cảm nhận được nỗi nhớ khi dâng lên ào ạt, mãnh liệt, khi lại như tràn ra mênh mang sâu lắng qua từng câu thơ, vần bằng xen giữa những câu thơ vần trắc, âm hưởng thơ trùng điệp, khi lên bổng lúc xuống trầm, lãng mạn và cũng hào hùng khôn tả.
Đường Tây Tiến không chỉ hùng vĩ, đầy thử thách ác liệt mà còn có những cảnh núi sông thơ mộng:
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa .
Ngòi bút của Quang Dũng không tả mà chỉ gợi. Những hình ảnh chiều sương ấy, hồn lau, nẻo bến bờ, hoa đong đưa kết hợp với cách hỏi có thấy, có nhớ mở ra một khung cảnh buổi chiều sương trong kí ức. Sương mờ giăng mắc khắp không gian, bến bờ lặng lẽ hoang dại, trên sông xuất hiện một dáng người mềm mại, uyển chuyển của cô gái Thái trên chiếc thuyền độc mộc, những bông hoa rừng đong đưa làm duyên tronng dòng nước. Cảnh như có hồn, có sự thiêng liêng của núi rừng, đậm màu sắc cổ tích và huyền thoại. Qua những nét vẽ hư ảo trên, ta như thấy trước mắt mình một bức tranh sơn thuỷ hữu tình mang dấu ấn của một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, lãng mạn, tài hoa, vô cùng yêu mến, gắn bó với mảnh đất miền tây – tâm hồn Quang Dũng. Đồng thời ta cũng cảm nhận được tâm hồn rung động của các chiến sĩ Tây Tiến trước cái đẹp.

2.2. Thiên nhiên Việt Bắc
2.2.1. Thiên nhiên Việt Bắc hùng vĩ
Với Tố Hữu rừng núi Tây Bắc là nơi chôn bao lớp xác quân thù và cũng là người bạn đồng hành, chở che cho những anh lính trên đoạn đường hành quân đầy gian khổ:
Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội rừng vây quân thù
(Việt Bắc – Tố Hữu)
Trong những ngày đầu kháng chiến gian khổ của giai đoạn cầm cự, phòng ngự, bộ đội phải dựa vào dân, dựa vào núi rừng Việt Bắc hiểm trở để đánh địch. Trước giờ khắc quyết định của lịch sử, không chỉ nhân dân mà cả núi rừng cùng đều vùng lên, chung sức đánh Tây. Với cuộc kháng chiến đầy gian lao của quân và dân Việt Bắc, núi rừng cũng trở nên có chí, có tình người, đã trở thành những người bạn, những người đồng đội, những chiến sĩ anh hùng của toàn quân.
Chỉ với bốn câu thơ, chữ rừng và núi được lặp đi lặp lại đến năm lần, nó rải kín câu thơ, rải kín đất Việt Bắc tạo lên thế hiểm của trường thành của lũy thép vây bọc quân thù. Nhớ về lúc kháng chiến, khi giặc đánh giặc lùng, cũng là khi quân ta đang khó khăn xoay sở tình thế, ta biết địch mạnh hơn ta rất nhiều, nhưng trên trận địa quen thuộc nói là thua địch cũng không phải là dễ. Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây, bằng phép nhân hóa, rừng bạt ngàn cây, với núi bao la đá để rồi trên dưới một lòng cùng con người đánh đuổi quân xâm lược. Đồng thời thể hiện tình cảm giữa con người kháng chiến và thiên nhiên núi rừng Việt Bắc rất tha thiết, bao la.
Ở cặp lục bát thứ hai ta sẽ thấy rõ hơn công việc của thiên nhiên núi rừng Việt Bắc. Núi thì giăng thành lũy, rừng thì đảm nhận hai công việc. Như một người mẹ che chở cho con mình, rừng bao bọc cho bộ đội trước mặt kẻ thù cướp nước. Rừng trở nên kiên quyết đến dữ dằn cùng với việc vây quân thù để tiêu diệt, cái trùng trùng điệp điệp của rừng, cái khí thế hiên nagng kiêu hùng của những vách núi đã làm cho biết bao kẻ thù khiếp sợ và bất lực. Quả thật Việt Bắc đã trở thành địa linh nhân kiệt kể từ đó. Qua đó càng làm sáng tỏ thêm nhận định: Việt Bắc là cái nôi của cách mạng dân tộc ta.

2.2.2. Thiên nhiên thơ mộng trữ tình
Trong Việt Bắc có những đoạn thơ như một khúc ca êm ái, ngọt ngào, chứa chan tình cảm với lời thơ mở đầu:
Nhớ gì như nhớ người yêu
Nỗi nhớ người yêu là nỗi nhớ mà chỉ có những người từng trải qua cảm giác yêu rồi mới có thể hiểu rõ được. Tố Hữu đã từng tâm sự với Moselle Gansel – một nhà nghiên cứu văn học người Pháp, rằng ông đã phải lòng đất nước mình, vậy cho nên ông nhớ đất nước mình, yêu đất nước mình như nhớ, như yêu hai người đàn bà trong trái tim ông. Chính vì thế mà Tố Hữu mới có thể viết ra một câu thơ lãng mạn đến vậy để miêu tả nỗi nhớ về Việt Bắc Nhớ gì như nhớ người yêu. Đó là nét riêng trong sáng tạo, một hình ảnh thơ mà chỉ có Tố Hữu mới hiểu rõ và viết ra đầy tình cảm khiến ta liên tưởng đến câu ca dao:
Nhớ ai bổi hổi bồi hồi”
Như đứng đống lửa như ngồi đống than
Đó là nỗi nhớ về những khung cảnh thơ mộng đầy thi vị của vùng Tây Bắc
Trăng lên đầu núi, trăng chiều lưng nương
Hai vế câu thơ là chỉ thời gian đôi lứa hò hẹn nhau. Người Việt Bắc cần mẫn, lam lũ, nên thời gian nghỉ ngơi trong ngày là rất ít, những chàng trai cô gái chỉ có thể gặp gỡ nhau khi trăng đã lên ngang tầm đỉnh núi, hoàng hôn đã buông lưng chừng nương rẫy mà thôi. Có lẽ bởi vậy cho nên khung cảnh khi đó mới là đẹp nhất, lãng mạn nhất trong ngày, nên đã để lại ấn tượng trong Tố Hữu một cách rõ nét và sâu sắc hơn cả.
Nằm bình yên giữa núi cao và nương rẫy là những bản làng người dân tộc vùng cao. Khói bếp thổi cơm đưa lên hòa cùng với sương sớm và sương chiều buông phủ xa mờ, tạo nên một bức tranh nên thơ, lãng mạn mơ màng:
Nhớ từng bản khói cùng sương
Trong những ngồi nhà chìm khuất trong khói sương ấy là hình ảnh cô thôn nữ tảo tần
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về
Thế nhưng hai hình ảnh này được đặt trong không gian đặc trưng của Việt Bắc lại mang vẻ đẹp rất riêng, gợi ra cái thơ mộng cùng vẻ hoang dã của rừng núi. Đây cũng là thời gian hò hẹn của lứa đôi. Bóng dáng những chàng trai và những cô gái e ấp, hẹn hò đôi lứa tự bao giờ đã trở thành một phẩm chất của cảnh Việt Bắc thanh bình, là ký ức không thể quên của những cán bộ cách mạng khi về xuôi chia tay Việt Bắc. Họ ra đi mang theo dư âm của khung cảnh thi vị và mang theo cả hình ảnh bản làng chìm khuất giữa khói sương hư ảo. Việt Bắc có những vùng bạt ngàn tre nứa, mang đầy sức sống và cũng mang bóng dáng của con người nơi đây và những vẻ đẹp giản dị, mộc mạc mà ngay thẳng, kiên cường bất khuất. Tác giả nhớ về rừng tre nứa cũng là nhớ phẩm chất của con người nơi đây:
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Nhớ từ những bản làng, người cán bộ đưa tầm nhìn của nỗi nhớ rộng sang những rừng tre nứa, rồi những con suối, dòng sông len lỏi giữa núi rừng:
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê rơi đầy
Hai chữ vơi đầy không chỉ miêu tả dòng nước mà còn để chỉ sự ấm áp của nghĩa tình gắn bó giữa cán bộ Cách mạng và người dân Việt Bắc suốt mười lăm năm dài kháng chiến.

2.2.3. Thiên nhiên gắn bó với đời sống con người
Có thể nói rằng điểm sáng của cả bài thơ toát lên từ bức tranh tứ bình tuyệt đẹp của núi rừng Việt Bắc qua giọng thơ dìu dặt, trầm bổng của Tố Hữu. Người đọc sẽ được chìm đắm trong khung cảnh hữu tình, nên thơ của rừng núi Tây Bắc. Khổ thơ được mào đầu bằng câu đối đáp nhẹ nhàng giữa ta – mình:
Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Thật khéo léo và tinh tế khi Tố Hữu truyền đạt tình cảm một cách kín đáo như thế này. Ngôn ngữ gần gũi, cách diễn tả nhẹ nhàng cũng đã khiến người đọc thấy rất thấm. Tố Hữu hỏi người nhưng thực ra là hỏi mình và câu trả lời nằm ngay trong câu hỏi. Lời mào đầu sâu sắc này sẽ dẫn người đọc lần lượt khám phá nét đặc trưng của núi rừng Việt Bắc trải dọc theo bốn mùa.
Dẫn dắt người đọc cùng tham quan cảnh tiên nơi Việt Bắc, Tố Hữu đã vẽ lên một bức tranh mùa đông ấm áp, tràn đầy tin yêu:
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Người đọc ngẩn ngơ trước mùa đông nơi vùng cao Tây Bắc với vẻ đẹp đặc trưng của nó. Phải nói rằng tuy là mùa đông nhưng qua thơ Tố Hữu, cảnh sắc không buồn, không trầm lắng, mà người lại rất sáng, rất ấm áp qua hình ảnh hoa chuối đỏ tươi. Màu đỏ của hoa chuối chính là nét điểm xuyết, là ánh sáng làm bừng lên khung cảnh rừng núi mùa đông Việt Bắc. Đây được xem là nghệ thuật chấm phá rất đắc điệu của Tố Hữu giúp người đọc thấy ấm lòng khi nhớ về Việt Bắc. Ánh nắng hiếm hoi của mùa đông hắt vào con dao mang theo bên người của người dân nơi đây bất chợt giúp người đọc thấu được đời sống sinh hoạt và lao động của họ. Màu đỏ của hoa chuối quyện với màu vàng của nắng trên đèo cảo đã tạo thành một bức trang mùa đông rạng rớ, đầy hi vọng.
Bức tranh mùa xuân ở núi rừng Việt Bắc hiện lên thật trữ tinh, thơ mộng như tiên cảnh:
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Đọc hai câu thơ này, người đọc dường như mường tượng ra khung cảnh mùa xuân nơi núi rừng thật hiền hòa, dịu êm, ấm áp. Màu trắng của mơ gợi lên một bức tranh nên thơ trên cái nền dịu nhẹ của màu sắc. Hoa mơ được xem là loài hoa báo hiệu mùa xuân ở Tây bắc, cứ vào độ xuân thì, chúng ta sẽ bắt gặp trên những con đường màu sắc ấy. Mùa xuân Tây Bắc, Tố Hữu nhớ đến hình ảnh người đan nón với động tác chuốt từng sợi giang thật gần gũi. Động từ chuốt được dùng rất khéo và tinh tế khi diễn tả về hành động chuốt giang mềm mại, tỉ mỉ của người đan nón. Phải thật sâu sắc và am hiểu thì Tố Hữu mới nhận ra được điều này. Chữ chuốt như thổi hồn vào bức tranh mùa xuân ở Việt Bắc, tạo nên sự hòa hợp thiên nhiên và con người.
Bức tranh mùa hè sôi động dưới ngòi bút của Tố Hữu:
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Tiếng ve kêu vàng giữa rừng phách đã làm nên cái động giữa muôn vàn cái tĩnh. Màu vàng của rừng phách là đặc trưng báo hiệu mùa hè về trên xử sở vùng cao. Tiếng ve như xé tan sự yên tĩnh của núi rừng, đánh thức sự bình yên nơi đây. Từ đổ dùng rất đắc điệu, là động từ mạnh, diễn tả sự chuyển biến quyết liệt, lôi cuốn của màu sắc. Bức trang mùa hè chợt bừng sáng, đầy sức sống với màu vàng rực của rừng phách. Ở mỗi bức trang thiên nhiên, người đọc đều thấy thấp thoáng bóng dáng con người. Có thể nói đây chính là sự tài tình của Tố Hữu khi gắn kết mối tâm giao giữa thiên nhiên và con người. Giữa rúi bao la, thấp thoáng bóng dáng cô gái hái măng tuyệt đẹp đã khiến cho thiên nhiên có sức sống hơn.
Và cuối cùng chính là bức tranh mùa thu nhẹ nhàng:
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung
Mùa thu về trên Tây Bắc với hình ảnh ánh trăng dịu, mát lành. Thiên nhiên dường như rất ưu ái cho mùa thu xứ bắc với sự tròn đầy, viên mãn của ánh trăng. Không phải là ánh trăng bình thường, mà trăng nơi đây là trăng của hòa bình, ánh trăng tri kỉ rọi chiếu những năm tháng chiến tranh gian khổ. Chính ánh trăng ấy đã mang đến vẻ đẹp riêng của mùa thu Việt bắc. Tố Hữu nhìn trăng, nhớ người, nhớ tiếng hát gợi nhắc ân tình và thủy chung.
Với bốn cặp thơ lục bát ngắn gọn, bốn mùa của thiên nhiên Việt Bắc được gợi tả sắc nét, tràn đầy sức sống. Tác giả thật tài tình, khéo léo, vốn hiểu biết rộng cũng như tình cảm sâu nặng đối với mảnh đất này mới có thể thổi hồn vào thơ. Bức tranh tứ bình này sẽ khiến cho người đọc thêm yêu, thêm hiểu hơn cảnh vật và con người nơi đây.

3. So sánh
Hai đoạn thơ đều viết về một giai đoạn hào hùng của dân tộc: 1945 – 1954 giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Cả hai tác giả đều có dụng ý xây dựng bức tranh thiên nhiên như làm bức phông nền rộng lớn cho hành trình của lao động, sinh hoạt và chiến đấu của người lính. Thiên nhiên núi rừng đều hùng vĩ rộng lớn núi cao vực sâu. Nếu ở Tây Tiến là những đèo dốc khúc khuỷu, thăm thẳm, cao, xuống thì ở Việt Bắc là những đèo cao nắng ánh là núi cao thành lũy là rừng vây bốn mặt. Khi phác họa bức tranh trữ tình bức tranh thiên nhiên được bao phủ bởi màn sương khói hư ảo mênh mang gợi nhiều kí ức hoài niệm trong nỗi nhớ chơi vơi. Thiên nhiên với hai đối cực như cân bằng cảm xúc trong tâm hồn người lính. Thiên nhiên dữ dội thử thách lòng người thiên nhiên thơ mộng trữ tình làm khơi dậy vẻ đẹp lãng mạn lạc quan giàu yêu thương của người lính.
Nhưng bên cạnh chủ đề khác nhau còn được thể hiện theo hai phong cách nghệ thuật khác nhau. Một bên lãng mạn, tinh tế, một bên đậm đà tình dân tộc với khuynh hướng thơ trữ tình chính trị. Sự khác nhau giữa hai phong cách là do Tố Hữu luôn song hành cùng các giai đoạn đấu tranh cách mạng của dân tộc, lại là một con người yêu nước gắn bó với cách mạng. Vì vậy mà thơ Tố Hữu đậm tính dân tộc và khuynh hướng thơ trữ tình chính trị. Còn Quang Dũng vốn là một nhà thơ mang ngòi bút với vẻ đẹp hào hoa, thanh lịch, lại từng trực tiếp tham gia vào đoàn binh Tây Tiến nên những kỉ niệm được khắc họa lại vô cùng chân thực. Quang Dũng đã cực tả sự hiểm trở, dữ dội của thiên nhiên với dụng ý tạo đối lập: con người chỉ anh hùng khi vượt qua những thủ thách khốc liệt. Nhà thơ không mỹ lệ hóa rừng núi, tức không mỹ hóa cuộc chiến tranh; nhà thơ nhìn thẳng vào hiện thực của mất mát, hi sinh, điều mà có thể nhiều người né tránh khi viết về chiến tranh. Thiên nhiên trong chiến tranh không phải cuộc dạo chơi. Đã có những đồng đội kiệt sức trên bước đường tiến quân:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Còn với Tố Hữu thiên nhiên như một người bạn đồng hành, trong sinh hoạt thì con người xuất hiện trong tư thế làm chủ thiên nhiên, hài hòa với vẻ đẹp thiên nhiên, trong chiến đấu núi rừng lại cùng chung mối thù cùng chiến đấu dưới một chiến tuyến đoàn kết dưới một góc trời:
Mênh mông bốn mặt sương mù
Đất trời ta cả chiến khu một lòng
Thiên nhiên và con người cùng chung ý chí, cùng chung tấm lòng tạo nên sức mạnh chiến đấu.
Khi miêu tả bức tranh thiên nhiên sông nước thơ mộng trữ tình, Quang Dũng có dụng ý nói về vẻ đẹp tâm hồn lãng mạn hào hoa của người lính Tây Tiến trẻ trung, tràn đầy sức sống. Xuyên qua cảnh vật là một hoài niệm tinh tế mà sâu nặng, bâng khuâng một tình yêu không nói hết của người lính với một vùng đất gắn bó thiết tha trong đời lính.
Khác với bài thơ Tây Tiến, đoạn trích trong Việt Bắc sử dụng ngôn từ mộc mạc, giản dị, ít mang giá trị tạo hình. Thể thơ truyền thống và cách so sánh, diễn đạt trong ca dao dâm ca khiến bài thơ trở nên quen thuộc, dễ gần gũi với độc giả. Điều này cũng mang nét tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Tố Hữu, đậm đà tính dân tộc. Trong nỗi nhớ về quá khứ, ta thấy được cả hơi ấm của tình người, tình đời mà quân dân dành cho nhau suốt mười lăm năm trường kì kháng chiến. Trên hết là sự gắn bó thủy chung không tách rời của tình quân dân và tình yêu tổ quốc. Để rồi khi trở về xuôi, người cán bộ đau đáu nỗi niềm:
Mình về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người.
Kết bài:
Thông qua nỗi nhớ của người lính và người cán bộ cách mạng về xuôi đã ghi lại khung cảnh thiên nhiên trên chặng đường hành quân gian khổ. Đó là một Tây Bắc trù phú, dữ dội nhưng cũng rất lãng mạn. Nhưng các nhà thơ không dừng lại ở cảnh. Tác giả muốn diễn đạt tâm hồn, cảm xúc của những người lính trên chiến trường đó là tình cảm lãng mạn hào hoa với những bóng dáng người trong mộng, đó là tình quân dân mặn mà ấm áp. Bởi vậy khi nhớ tới thiên nhiên người ta nhớ tới người thủy chung và gắn bó.
Học Văn – Văn Học