Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: Trả bài đầu giờ chưa phù hợp đổi mới

0
179
dai-hoc-giam-xet-tuyen-hoc-ba-vi-lo-hoc-truc-tuyen-keo-dai

Việc Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu giáo viên không trả bài đầu giờ theo kiểu học thuộc lòng gây xôn xao dư luận. Tuổi Trẻ đã phỏng vấn ông Nguyễn Bảo Quốc, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM.

Học sinh Trường THCS Văn Lang (Q.1, TP.HCM) trong một tiết học tại căn cứ Biệt động Sài Gòn. Sau buổi học, các em sẽ làm bài thu hoạch và lấy điểm kiểm tra theo yêu cầu của giáo viên - Ảnh: H.HG

Học sinh Trường THCS Văn Lang (Q.1, TP.HCM) trong một tiết học tại căn cứ Biệt động Sài Gòn. Sau buổi học, các em sẽ làm bài thu hoạch và lấy điểm kiểm tra theo yêu cầu của giáo viên – Ảnh: H.HG

Ông Quốc nói: Về nguyên tắc, thầy cô giáo được quyền chủ động. Sở GD-ĐT không can thiệp sâu vào quá trình dạy học của giáo viên. Việc yêu cầu giáo viên không trả bài theo kiểu học thuộc lòng là nhắc nhở về một số phương pháp chưa phù hợp với tinh thần đổi mới hiện nay.

Ở TP.HCM, nhiều giáo viên đã rất sáng tạo khi thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy cũng như phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh. Tuy nhiên, vẫn còn một số giáo viên khi kiểm tra còn nặng về việc yêu cầu học sinh phải nhớ kiến thức một cách máy móc. Điển hình của hình thức này là kêu học sinh trả bài đầu giờ.

* Thưa ông, sự không phù hợp của hình thức trả bài đầu giờ cụ thể như thế nào?

– Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh. Nó giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông và biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống thực tế.

Vì vậy, việc đánh giá không chú trọng xem học sinh đã tiếp thu được bao nhiêu kiến thức như cách làm truyền thống lâu nay. Thay vào đó, nhà trường cần áp dụng linh hoạt các hình thức kiểm tra nhằm giúp học sinh phát triển năng lực, phẩm chất của mình.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, việc đánh giá học sinh có thường xuyên và định kỳ. Thường xuyên là đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt của chương trình. Quá trình này nhằm cung cấp thông tin phản hồi cho giáo viên, học sinh để kịp thời điều chỉnh trong quá trình dạy – học. Đánh giá thường xuyên nhằm hỗ trợ, thúc đẩy sự tiến bộ, xác nhận kết quả đạt được của học sinh…

Định kỳ là đánh giá kết quả rèn luyện và học tập sau một giai đoạn trong năm học. Từ đó, ta có thể thấy kiểm tra miệng là một trong các hình thức của quá trình đánh giá thường xuyên. Quá trình đánh giá thường xuyên được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau như hỏi – đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập…

* Nhiều giáo viên cho rằng không trả bài đầu giờ thì sẽ không kiểm tra được học sinh có nắm được bài cũ hay không. Chưa kể việc không trả bài sẽ khiến học sinh lười học, không chịu học bài. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

– Việc trả bài theo kiểu yêu cầu học sinh học thuộc lòng rồi nói lại, trên cơ sở đó giáo viên sẽ cho điểm là một hình thức kiểm tra nặng về kiểu dạy học theo lối truyền thụ kiến thức. Chưa kể cách trả bài này gây căng thẳng và áp lực cho học sinh. Nhất là thời điểm giáo viên mở sổ ra, dò từ trên xuống dưới hoặc từ dưới lên trên rồi bất ngờ kêu tên một học sinh nào đó lên trả bài.

Chương trình mới nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Các bài học được thiết kế theo từng chủ đề. Mỗi chủ đề có thể dạy trong nhiều tiết học. Khi đánh giá thường xuyên, thầy cô giáo có thể áp dụng hình thức hỏi – đáp. Nhưng thay vì trả bài thì có thể tổ chức các hoạt động mang tính vận dụng kiến thức vào thực tế. Hoặc giáo viên cũng có thể giao nhiệm vụ cho học sinh về nhà tìm hiểu từ môi trường xung quanh, tài liệu để viết nhận xét, bày tỏ quan điểm về một việc cụ thể liên quan tới môn học.

Giáo viên cũng có thể tổ chức cho học sinh thuyết trình, thực hành, thí nghiệm. Hoặc trong quá trình giảng dạy bài mới, thầy cô giáo cũng có thể lồng ghép nội dung bài cũ để giúp học sinh ôn tập…

* Ông nhận định thế nào về quá trình đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh ở TP.HCM hiện nay? Theo ông, thử thách lớn nhất đối với ngành GD-ĐT TP.HCM trong quá trình đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh là gì?

– Tôi cho rằng thách thức lớn nhất của quá trình đổi mới giáo dục nói chung và đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá học sinh nói riêng là việc nâng cao nhận thức và chuyển biến nhận thức đó thành hành động của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.

Ngoài những quy định của Bộ GD-ĐT, từ nhiều năm nay TP.HCM đã kiên trì thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá học sinh. Điều này thể hiện rất rõ trong nội dung đề thi tuyển sinh vào lớp 10. Trong đó đa số các câu hỏi đều yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học để giải quyết vấn đề thực tế chứ không phải học thuộc lòng.

Đến thời điểm này, đa số giáo viên ở nhà trường THCS, THPT đều đã thực hiện đổi mới với nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, có một số giáo viên đã rất sáng tạo và đạt được những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên tôi cũng thừa nhận vẫn còn một số giáo viên chưa thực hiện nhuần nhuyễn tinh thần đổi mới cách kiểm tra, đánh giá học sinh.

Do đó, chúng tôi đã xác định thay đổi phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục TP.HCM trong năm học 2023 – 2024. Hiện nay, Sở GD-ĐT TP.HCM đã chỉ đạo các trường THCS, THPT xây dựng kế hoạch kiểm tra đánh giá học sinh với thời gian, hình thức, nội dung… cụ thể. Trong đó, sở khuyến khích nhà trường đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá, đồng thời phổ biến kế hoạch trên đến tất cả học sinh.

Việc nhắc nhở giáo viên không trả bài theo kiểu học thuộc lòng là một trong những cách giúp giáo viên hiểu sâu hơn, chắc hơn về tinh thần của đổi mới. Thời gian tới chúng tôi sẽ có thêm một số hoạt động hỗ trợ thầy cô giáo như tập huấn các phương pháp đánh giá học sinh. Ví dụ như giao nhiệm vụ học tập như thế nào, đánh giá thông qua sản phẩm học tập ra sao, vận dụng linh hoạt các hình thức đánh giá sao cho hiệu quả…

Ngoài ra Sở cũng sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn cấp tổ, cấp trường, cấp liên trường về đổi mới phương pháp đánh giá học sinh. Cái chính là giúp giáo viên hiểu rõ, hiểu sâu và tự tin thực hiện.

Bạn đọc tranh luận

Câu chuyện “Giáo viên TP.HCM không được yêu cầu học sinh trả bài bất ngờ?” trên Tuổi Trẻ Online tạo nên sự tranh luận của bạn đọc.

Có bạn đọc ủng hộ vì “không có nước phát triển nào trả bài đầu giờ, tập là tập cho học sinh ý thức, chứ ép buộc càng ngày càng tệ thôi”. Bạn đọc khác cũng cho rằng “kiểm tra đánh đố cực chẳng đã không mấy hiệu quả, vậy thôi đi cho các em nhẹ bớt chút”.

Ngược lại, nhiều bạn đọc không đồng tình, cho rằng: “Theo tôi vẫn nên kiểm tra đầu giờ. Bởi như vậy học sinh mới có ý thức tự giác học hơn, không có gì là áp lực cả”.