10 trải nghiệm thí sinh nên thực hiện khi bước chân vào Đại học

0
1468

Nếu như bạn không muốn quãng thời gian trên giảng đường Đại học trở nên tẻ nhạt, nhàm chán hãy thực hiện ngay 10 trải nghiệm dưới đây.

Lên đại học nên trau dồi một loại ngôn ngữ nào đó

Lên đại học nên trau dồi một loại ngôn ngữ nào đó

Học một ngoại ngữ nào đó

Nếu muốn khám phá nhiều nơi, muốn có cho mình một “nguồn” tìm kiếm tài liệu phong phú thì một yếu tố không thể thiếu đó là giỏi ngoại ngữ. Vì lẽ này, ít nhất hãy học tốt một ngoại ngữ nào đó, đây là hành trang không thể thiếu của học sinh sinh viên trong xã hội ngày nay. Chưa kể, có khả năng ngoại ngữ, bạn sẽ xin việc dễ dàng hơn, tự tin hơn trước đám đông.

Bởi thế mới nói, muốn bắt kịp xu thế hiện đại, sự tiến bộ và phát triển của thế giới… hãy trau dồi ngoại ngữ dù bạn ở độ tuổi nào.

Thể hiện những năng khiếu của bản thân

Đôi khi chúng ta tự hỏi “Mình giỏi cái gì/Mình thật sự có khả năng về lĩnh vực nào?” và cho rằng bản thân không có gì nổi bật, luôn nhạt nhòa giữa đám đông…

Những lúc như này, còn gì tuyệt vời hơn khi bạn phát hiện bản thân cũng có những năng khiếu nhất định, rằng mình cũng có những tài lẻ, khả năng trong một lĩnh vực gì đó… Điều này không những giúp bạn phát huy được tài năng, mà còn sẽ trở nên tự tin, năng động hơn rất nhiều. Vậy nên, nếu có năng khiếu về bất kỳ lĩnh vực nào, đừng ngại thể hiện.

Đọc sách nhiều để hiểu biết nhiều hơn

Tuổi trẻ, nếu chưa có cơ hội đi nhiều thì hãy đọc sách nhiều hơn. Hãy tạo cho mình thói quen đọc sách hàng ngày, điều này giúp bạn mở mang và nâng tầm kiến thức của mình đa dạng hơn. Sách ở đây không chỉ là những cuốn giáo trình phục vụ môn học của bạn, những cuốn sách về du lịch, về kỹ năng sống… cũng là một gợi ý hay ho. Đừng chỉ đọc một vài thứ bạn biết, cố gắng tìm tòi những kiến thức từ những cuốn sách khác nhau. Bạn sẽ bất ngờ về lượng kiến thức mà mình nhận được đấy!

Đi nhiều nơi nhất có thể để trải nghiệm

“Học đi đôi với hành” là câu nói đúng trong mọi thời điểm, dù bạn đang còn là học sinh sinh viên hay đã rời ghế nhà trường bắt đầu tìm kiếm cho mình một công việc. Đừng để kiến thức học được nằm một chỗ hay chỉ chăm chăm học chỉ để ôn thi, xong để đấy. Nếu có thể, hãy đi thực tế để trải nghiệm để bạn có thể hiểu rõ hơn và kiến thức sẽ sâu hơn so với việc chỉ học trên sách vở.

Tham gia các hoạt động tình nguyện

Thạm gia các hoạt động tình nguyện giúp sinh viên có nhiều trải nghiệm

Thạm gia các hoạt động tình nguyện giúp sinh viên có nhiều trải nghiệm

Sinh viên mới ra trường thì lấy đâu ra kinh nghiệm? Đây là thắc mắc của rất nhiều sinh viên mới “chân ướt chân ráo” trên bước đường tìm việc. Nhưng các bạn cần hiểu rõ rằng, kinh nghiệm không nhất thiết phải là bạn đã từng làm ngành nghề này ở một nơi nào khác, trong một khoảng thời gian nào đó… Kinh nghiệm còn có thể là những gì bạn đã trải qua và đúc rút được từ thực tiễn cuộc sống, trên giảng đường hay các hoạt động xã hội…

Bạn từng nằm trong thành phần BTC hội trường, từng tham gia tình nguyện, kêu gọi một chương trình từ thiện…  Hãy cứ tự tin giới thiệu bản thân và những hoạt động bạn đã trải nghiệm. Bởi các nhà tuyển dụng sẽ rất quan tâm và đánh giá cao những điều này, vì nó cho thấy sự năng động, tìm tòi, khám phá và phát triển bản thân của chính bạn.

Trò chuyện kết bạn với nhiều người hơn

Giảng đường đại học mang đến một môi trường mới mẻ với rất nhiều người bạn. Mỗi người trong đó đều có sự thú vị riêng, xung quanh họ lại có rất nhiều mối quan hệ lý thú. Bạn hãy xóa bỏ thói quen thu mình trong vỏ ốc như ở trường trung học, thay vào đó, bạn cần mạnh dạn bắt chuyện với bất kỳ ai. Không những có thêm bạn bè và những kỷ niệm khó quên, điều đó còn mang đến cho bạn những cơ hội bất ngờ trong tương lai.

Thực tập kỳ cuối rất quan trọng

Năm cuối, sinh viên sẽ có kỳ thực tập nhưng dường như sinh viên đang xem nhẹ, hời hợt với việc thực tập và chỉ làm cho có hình thức. Chính vì lý do này sinh viên đã bỏ qua cơ hội học việc, áp dụng những điều đã học vào công việc đúng chuyên ngành của mình. Bởi vậy các bạn cần đánh giá đúng tầm quan trọng, sự cần thiết của việc thực tập. Đây được xem là cầu nối giữa việc lựa chọn nghề nghiệp và trải nghiệm việc làm trong môi trường thực tế.

Trong chuyên mục hỏi đáp Giáo dục đa số ý kiến cho rằng sinh viên nên chủ động liên hệ với các công ty hoặc bộ phận nhân sự của công ty nơi mình cảm thấy phù hợp để xin thực tập tại đó. Và các bạn nên có kế hoạch trước khi đến công ty thực tập để quan sát, học hỏi những người có kinh nghiệm trong nghề cũng như nắm rõ đặc điểm môi trường làm việc. Tất cả những điều này đều sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong quá trình xin việc sau này!

Đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập

Đi làm thêm vừa kiếm thêm thu nhập lại vừa tích lũy được kinh nghiệm

Đi làm thêm vừa kiếm thêm thu nhập lại vừa tích lũy được kinh nghiệm

Một công việc làm thêm phù hợp với ngành học hoặc sở thích sẽ giúp bạn học hỏi nhiều điều, có thêm kinh nghiệm trong quá trình làm việc thực tế, tăng khả năng giao tiếp. Và tất nhiên, bạn cũng có cho mình một khoản thu nhập nhất định hàng tháng để có thể tự trang trải cuộc sống mà không phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ từ gia đình. Không chỉ thế, đây cũng chính là yếu tố giúp bạn “tạo ấn tượng tốt” trước nhà tuyển dụng.

Dành ra mỗi ngày 2, 3 tiếng đi dạy thêm, làm hướng dẫn viên vào cuối tuần, hay làm cộng tác viên cho một tờ báo… Dù là việc gì bạn cũng sẽ có cho mình những bài học, trong quá trình làm việc không tránh được những “va chạm” bạn sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm để xử lý những tình huống. Không chỉ thế, sau này ra trường, những kinh nghiệm này sẽ làm “đẹp” CV của bạn trước nhà tuyển dụng đấy!

Nên biết nấu ăn

Không những giúp các bạn tân sinh viên tiết kiệm được khoản chi phí đáng kể, tự nấu nướng còn là cách thể hiện tính tự lập và khả năng tự chăm sóc bản thân. Bạn sẽ dễ dàng tính toán lượng calo phù hợp cần nạp vào cơ thể, kiểm soát tốt chất lượng bữa ăn. Ngoài ra, nấu ăn tập thể còn là khoảng thời gian thú vị để cùng chuyện trò với những người bạn mới. Việc thử nghiệm các công thức nấu ăn mới sẽ kích thích tính sáng tạo của bạn, giúp bạn xả stress sau những tiết học.

Trải qua ít nhất 1 một mối tình

Nếu như ở các cấp học dưới việc yêu đương đang còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi thì bước vào môi trường đại học, chuyện tình của những cô cậu sinh viên sẽ thoải mái hơn nhiều. Và đây cũng là một trong những trải nghiệm tuyệt vời khi còn ngồi trên giảng đường đại học. Bởi tình yêu thời sinh viên không quá ngây ngô, bồng bột cũng chẳng dính dáng đến vật chất, những tính toán của người lớn.