Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021-2025 được xác định cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2020, tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ và chú trọng xây dựng, phát triển ngân hàng câu hỏi thi.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến ngành giáo dục toàn quốc năm 2020 diễn ra hôm nay (31/10).
Thông tin về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm giai đoạn 2021-2025, Bộ GD-ĐT cho biết, nhìn lại 6 năm đổi mới kỳ thi THPT (2015-2020) cho thấy, việc đổi mới kỳ thi THPT quốc gia và tốt nghiệp THPT đã khắc phục rõ rệt tình trạng học tủ, học lệch, luyện thi tràn lan diễn ra trong nhiều năm, thực hiện đúng phương châm “học gì thi nấy”, yêu cầu học sinh phải học toàn diện.
Đồng thời, công tác tổ chức thi gọn nhẹ hơn, thí sinh không phải lên các thành phố lớn dự thi nhiều đợt, thay vào đó chỉ phải dự thi một lần, ngay tại địa phương, giúp giảm áp lực, giảm tốn kém cho gia đình, học sinh và xã hội.
Bên cạnh đó, việc tổ chức bài thi trắc nghiệm và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chấm thi đã làm giảm đáng kể sự can thiệp của con người vào kết quả thi, tạo sự minh bạch, công bằng, giúp các trường đại học, cao đẳng yên tâm khi sử dụng kết quả thi để tuyển sinh.
Từ kết quả của giai đoạn 2015-2020, Bộ GD-ĐT cho biết, định hướng kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021-2025 được xác định cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2020, tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ và chú trọng xây dựng, phát triển ngân hàng câu hỏi thi đảm bảo chất lượng, phong phú, phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.
Phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm giai đoạn 2021-2025 cũng cơ bản giữ ổn định như năm nay, trong đó tăng cường tính tự chủ, tự trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học; từng bước tiếp cận xu hướng tuyển sinh của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin, chủ động tiếp cận những thành tựu khoa học công nghệ trong giáo dục (đặc biệt là về đo lường, đánh giá).
Đánh giá về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm những năm gần đây, Bộ GD-ĐT cho rằng, tuyển sinh đã nền nếp, chất lượng hơn, giảm nhiều áp lực, tốn kém cho thí sinh và các trường so với trước đây.
Các trường đại học, cao đẳng sư phạm đã phát huy tốt tinh thần tự chủ, mở rộng các phương thức tuyển sinh ngoài phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, như xét học bạ, xét tuyển thẳng, thi đánh giá năng lực… qua đó góp phần nâng cao chất lượng đầu vào của các trường. Đồng thời, việc cho phép thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng, được sự hỗ trợ của công nghệ “lọc ảo”, là việc làm nhân văn giúp thí sinh giảm nỗi lo điểm cao vẫn trượt đại học như trước đây. Bên cạnh đó, các trường đã chủ động, linh hoạt thay đổi phương án tuyển sinh để phù hợp với tình hình dịch Covid-19.
Năm nay, cả nước có 528.038 chỉ tiêu tuyển sinh, tăng 7,84% so với năm 2019. Số thí sinh đăng ký xét tuyển là 642.945, giảm 1,46% so với năm 2019. Tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển là 2.494.210, giảm 3,14% so với năm 2019. Cập nhật đến hết ngày 27/9, có tổng số 275.530 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, tỷ lệ điều chỉnh đạt 42,49%.
Bộ GD-ĐT tiếp tục xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với một số ngành đào tạo đặc thù. Ở nhóm ngành đào tạo giáo viên, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ 16,5- 18,5 điểm (tăng 0,5 điểm so với năm 2019).
Ở nhóm ngành đào tạo sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ 19-22 điểm (tăng 1 điểm so với năm 2019). Việc quy định “điểm sàn” đối với 2 nhóm ngành này là để kiểm soát chất lượng đầu vào, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sư phạm và y tế. Đến thời điểm này, công tác tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm cơ bản ổn định, chất lượng được đảm bảo.
Theo Báo Tiền Phong