80% thí sinh chọn khối thi truyền thống

0
1706
Năm 2017, Bộ GD-ĐT cho phép các trường ĐH được mở rộng các tổ hợp xét tuyển. Tuy nhiên thực tế, lựa chọn của thí sinh vẫn chủ yếu dựa theo các tổ hợp truyền thống…

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng – vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, năm 2017 nếu các trường muốn thêm các tổ hợp bài thi/môn thi mới để xét tuyển thì cần đảm bảo nguyên tắc mỗi tổ hợp gồm ba môn thi/bài thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi toán, ngữ văn để xét tuyển.

Các trường không được sử dụng nhiều hơn bốn tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành.

Hơn 200 tổ hợp xét tuyển

Bằng quy tắc nói trên, cộng với việc xuất hiện bài thi tổ hợp chứa nhiều môn thi thành phần, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm nay việc xét tuyển ĐH có thể dựa vào hơn 150 tổ hợp thông thường gồm các môn cơ bản và hơn 50 tổ hợp các môn thi ngành năng khiếu.

Với nhiều tổ hợp mới, không ít phụ huynh, thí sinh hết sức lo lắng. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng quy định: riêng trong năm 2017, với những trường sử dụng tổ hợp các bài thi/môn thi mới ngoài các khối thi truyền thống (khối thi mà trường đã sử dụng từ năm 2014 trở về trước) để xét tuyển, bắt buộc phải dành ít nhất 25% chỉ tiêu của ngành đó để xét tuyển theo các khối thi truyền thống.

Ngay khi Bộ GD-ĐT “mở cửa” về khối xét tuyển, nhiều trường đã bung ra những tổ hợp mới với mục tiêu tăng thêm nguồn tuyển. Có trường tuyển ngành kế toán, điều dưỡng, ngôn ngữ Anh cũng tuyển theo tổ hợp… C00 (ngữ văn – lịch sử – địa lý, khối C cũ);

Ngành sư phạm hóa học xét cả tổ hợp không có môn hóa, sư phạm địa lý xét cả tổ hợp không có môn địa, ngành văn học và lịch sử cũng xét tuyển cả tổ hợp “thoát ly” hẳn các môn học đúng với tên ngành như tổ hợp toán – vật lý – hóa học…

Trước năm 2017, Trường ĐH Kinh tế quốc dân bổ sung tổ hợp toán – hóa học – sinh học bên cạnh các tổ hợp tuyển sinh lâu năm của trường. Khi thêm tổ hợp mới này, đã có không ít ý kiến băn khoăn tại sao trường kinh tế lại đi tuyển sinh khối B cũ, ít liên quan đến chương trình đào tạo kinh tế.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Bùi Đức Triệu – trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân – cho rằng việc bộ cho phép mở rộng tổ hợp xét tuyển đã giúp các trường tự chủ hơn trong việc tuyển sinh. Tuy nhiên theo ông Triệu, năm 2016 cũng chỉ có 6% thí sinh trúng tuyển theo kết quả thi của tổ hợp toán – hóa học – sinh học.

“Trường ĐH Kinh tế quốc dân xác định môn toán là môn trụ cột, tiếng Anh là môn ưu thế nhưng nhiều năm chỉ có thể loanh quanh với khối A, A1 cũ. Năm 2017, với 25 mã ngành tuyển sinh, trường đã sử dụng 5 tổ hợp xét tuyển, trong đó có tổ hợp mới D07 (toán – hóa học – tiếng Anh)” – ông Triệu nói.

Tổ hợp A00 dẫn đầu

Thế nhưng, kết quả thống kê của Bộ GD-ĐT ngày 18-4 cho thấy các tổ hợp xét tuyển truyền thống (tương đương khối A, A1, B, C, D1 cũ) vẫn chiếm tỉ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển cao nhất (trên 80% số nguyện vọng đăng ký xét tuyển) tính đến thời điểm này.

Trong đó, tổ hợp A00 (toán – vật lý – hóa học, khối A cũ) vẫn đạt tỉ lệ đăng ký cao nhất, chiếm 1/3 tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sư phạm. Sau tổ hợp A00 là tổ hợp D01 (toán – ngữ văn – tiếng Anh, khối D1 cũ), C00 (ngữ văn – lịch sử – địa lý, khối C cũ), A01 (toán – vật lý – tiếng Anh, khối A1 cũ), B00 (toán – hóa học – sinh học, khối B cũ).

Đặc biệt trong danh sách này, tổ hợp văn – sử – địa cũng đạt 15% lượng đăng ký xét tuyển, nhỉnh hơn một vài năm trước.

Còn lại, trong hàng trăm tổ hợp xét tuyển mới, đứng ở vị trí dẫn đầu về lượng đăng ký xét tuyển là tổ hợp C03 (ngữ văn – toán – lịch sử), tiếp đến là các tổ hợp C04 (ngữ văn – toán – địa lý), C01 (ngữ văn – toán – vật lý), D14 (ngữ văn – lịch sử – tiếng Anh). Tuy nhiên, ngay cả tổ hợp có lượng đăng ký xét tuyển cao nhất trong số các tổ hợp mới là C03 cũng chỉ đạt chưa đến 5% lượng đăng ký xét tuyển.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng việc thí sinh vẫn chủ yếu chọn các khối thi truyền thống cho thấy thí sinh rất chủ động với lựa chọn của mình, phù hợp với định hướng học tập từ trước của các em – thường bắt đầu từ khi bước vào cấp học THPT.

“Việc mở rộng tổ hợp nhằm tăng cơ hội cho thí sinh. Các em có thể phát huy hết năng lực của mình ở nhiều tổ hợp xét tuyển, có thể đăng ký vào một ngành bằng nhiều tổ hợp để tăng cơ hội trúng tuyển” – ông Ga nói.

Theo ông Ga, trong các tổ hợp mới có lượng đăng ký xét tuyển cao, xuất hiện nhiều tổ hợp có các môn khoa học xã hội như lịch sử, địa lý. Điều này cho thấy quy định mở rộng tổ hợp môn xét tuyển đã tạo thuận lợi cho các môn xã hội được xuất hiện trong nhiều tổ hợp, làm tăng lượng đăng ký xét tuyển ở các tổ hợp này.

Ông Bùi Đức Triệu – trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân – cũng cho rằng thống kê này cho thấy thí sinh có xu hướng và mong muốn chọn lựa những tổ hợp có tính ổn định, lâu dài.

“Việc thay đổi chính sách tuyển sinh chỉ trong phạm vi một trường cũng tác động lớn đến thí sinh có nguyện vọng vào trường. Vì thế, trước mắt trường không thay đổi nhiều về tổ hợp xét tuyển” – ông Triệu nói.

Hơn 800.000 hồ sơ nhập lên hệ thống

Tính đến 18h ngày 18-4 đã có hơn 800.000 hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia được nhập lên hệ thống thông tin quản lý thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm. Nhiều địa phương đã hoàn tất việc nhập dữ liệu. Trong đó có 75% thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sư phạm.

Theo lịch tuyển sinh năm 2017, từ ngày 10-5 đến 30-5, các trường ĐH, CĐ sẽ tải dữ liệu thí sinh đăng ký xét tuyển từ Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT về để tham khảo. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất từ Bộ GD-ĐT, có thể bộ sẽ cho phép các trường được tải dữ liệu về sớm hơn để chủ động trong việc tuyển sinh. N.Hà

Học sinh Hà Nội cũng chuộng 
tổ hợp cũ

Theo ông Ngô Văn Chất – trưởng phòng khảo thí Sở GD-ĐT Hà Nội, tính tới ngày 18-4 đã có gần 70.000 hồ sơ đăng ký dự thi được nhập vào hệ thống.

Theo hiệu trưởng các trường THPT Việt Đức, Yên Hòa, Kim Liên, Hà Nội thì số thí sinh đăng ký nguyện vọng theo tổ hợp truyền thống vẫn chiếm đa số.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, cho biết đa số thí sinh đăng ký các tổ hợp toán, lý, hóa; toán, lý, Anh; toán, văn, Anh. “Đây là các tổ hợp học sinh đã có định hướng ôn tập từ trước” – thầy 
Bình cho biết.Vĩnh Hà

Tuổi trẻ