Là học sinh giỏi nhiều năm liền, nộp hồ sơ thi vào các đại học danh tiếng nhưng nhiều em vẫn canh cánh nỗi lo trượt tốt nghiệp THPT.
Chỉ còn 3 tuần nữa, các em học sinh sẽ bắt đầu thi THPT quốc gia năm 2017 – một cột mốc quan trọng đánh giá 12 năm đèn sách. Hồ sơ đến giờ phút này đã hoàn thành, dự định cũng đã vạch ra, thế nhưng trong giai đoạn nước rút không ít em vẫn canh cánh trong đầu nhiều mối lo. Vấn đề chung trong số đó chính là áp lực về điểm số, về kết quả và về cả kì vọng của gia đình.
Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các trường THPT trên địa bàn cả nước đã tổng kết năm học 2016 – 2017. Thậm chí từ một tháng trước, chương trình học của lớp 12 đã kết thúc để các em nhanh chóng bắt tay vào ôn luyện cho kì thi THPT bắt đầu vào cuối tháng 6 sắp tới.
Các bậc phụ huynh và cả giáo viên thường nhắn nhủ với các em câu nói “điểm số không quan trọng, kiến thức mới quan trọng”. Điều này hoàn toàn đúng với định hướng chống tiêu cực trong học đường và cụ thể hơn là xem trọng điểm số và bệnh thành tích. Thế nhưng, thực tế có hoàn toàn đúng với nhận định trên?
Cũng là một teen chuẩn bị bước vào kì thi quan trọng nhất trong 12 năm đèn sách, em Bùi Huyền Trang – học sinh 12 của một trường THPT Hàn Thuyên không tránh khỏi hoang mang: “Dẫu gia đình không thúc ép việc học của em mà chỉ động viên nhắc nhở, nhưng mình vẫn không tránh khỏi áp lực vì thời gian đã đến rất gần rồi mà mình vẫn chưa nhồi nhét hết những thứ phải học vào đâu. Đôi lúc cảm thấy hoảng loạn vì có cảm giác chẳng kịp để học nữa rồi”.
Huyền Trang cũng cho hay thêm, trong năm học 12 vừa qua, em đạt học lực khá (điểm trung bình cả năm học là 7,4 điểm) và dự định sẽ thi tuyển vào ngành kinh tế đối ngoại, trường Đại học Ngoại thương – một trường đại học thuộc vào top đầu và có điểm thi tuyển thuộc hàng cao nhất. Về quyết định này, em cũng thẳng thắn thừa nhận: “Em thật sự không mấy tự tin về quyết định này. Em xác định là rớt nhưng cứ thử sức thôi”.
Khi được hỏi về lí do có phải đã được “hứa hẹn” về một cơ hội việc làm sau khi ra trường, em né tránh câu trả lời mà chỉ cho rằng: “mình muốn sau này được làm việc tại quê nhà”.
Đạt thành tích khá tốt trong năm học 12 vừa qua, cô nữ sinh lớp 12C201 (một trường THPT Thuận Thành – Bắc Ninh) – Bảo Hà cũng thẳng thắng chia sẻ: “Kể ra, mình đã đạt danh hiệu học sinh giỏi 7 năm trong tổng số 12 năm học. Riêng trong trong năm cuối cấp này mình đạt danh hiệu học sinh giỏi với trung bình cả năm học 8,3 điểm, nổi bật nhất có lẽ là môn hóa. Với thế mạnh khối tự nhiên, nên mình dự định chọn ngành quản trị kinh doanh là đích đến”.
Thế nhưng, khi được hỏi đến áp lực trong kì thi quan trọng sắp đến, cô nữ sinh không giấu được nổi băn khoăn: “Em sợ rớt Tốt nghiệp với Đại học. Nói chung bây giờ thì em có hơi lo”. Khi được gặng hỏi thêm về lí do e dè: dẫu được đánh giá học lực giỏi ở lớp nhưng lại thiếu tự tin với kì thi xét tốt nghiệp (thi cùng với những thí sinh học hệ Giáo dục thường xuyên), em cũng thật thà cho hay: “Học lực giỏi thì giỏi nhưng chắc gì có thể qua được kì thi. Đôi khi học tài thi phận mà”.
Mọi người vẫn truyền tai nhau câu nói: “Đại học không phải là cánh cửa duy nhất”, thế nhưng chẳng ai có thể phủ nhận Đại học mở ra ngưỡng cửa tương lai tươi sáng mà không ít người mơ ước chạm đến. Với bản thân các em 12, đại học là thành tựu đầu đời, với bậc phụ huynh đại học là cả một niềm tự hào để hãnh diện với bà con chòm xóm. Dần dần điều này trở thành một áp lực không hề nhỏ, khiến các em thường thủ thỉ nhau rằng: đậu là cuộc sống nở hoa, còn rớt là cuộc đời bế tắc.
Những câu chuyện mùa thi muôn hình vạn trạng chứ không hề dừng lại ở một vài điển hình trên đây. Và liệu rằng bạn đậu đại học thì có nghĩa tương lai sẽ “chói lòa”? Dĩ nhiên, tấm bằng tốt nghiệp, bằng cao đẳng/ đại học vẫn có “sức mạnh” riêng của nó, nhưng chưa chắc đó là lựa chọn tốt nhất dành cho bạn hay là đánh giá tốt nhất của số đông.
Một lời khuyên dành cho những sĩ tử chuẩn bị bước vào kì thi THPT 2017: Hãy vượt vũ môn theo cách chinh phục thử thách chứ không phải là “cuộc chiến” tranh nhau tấm vé sống còn.
thiquocgia