Chia sẻ về phương án thi THPT quốc gia mới, hiệu trưởng nhiều trường THPT ở TPHCM cho biết họ bất ngờ về phương án này.
Thay đổi lịch sử về thi THPT 2020: Những điểm mới đáng nói
Không còn kỳ thi THPT quốc gia: Trường ÐH, thí sinh có kịp trở tay?
“Chúng tôi đã chuẩn bị tâm lý cho việc Bộ GD&ĐT đưa ra quyết định thi hoặc không thi THPT quốc gia như mọi năm. Thế nhưng phương án vẫn thi nhưng chỉ để xét tốt nghiệp, còn tuyển sinh giao cho các trường ĐH, CĐ thì rõ ràng chúng tôi quá bất ngờ”, ông Độ nói.
Theo ông Độ, ngay từ đầu, Bộ GD&ĐT đã giảm tải nội dung, ra đề thi minh họa cho kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích gồm xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ. Theo lộ trình đã đề ra, học sinh hoàn toàn có đủ kiến thức để tham gia kỳ thi vào tháng 8, áp lực là có song cũng như mọi năm chứ không hề nặng nề gì.
Ông Nguyễn Ðình Ðộ, Hiệu trưởng THPT Thành Nhân (quận Tân Phú) cho biết, nhiều phụ huynh và thầy cô giáo đã gọi điện thoại cho ông để than phiền về sự thay đổi này.
“Tuy nhiên, với phương án thi mới này, rõ ràng đã gây áp lực lên học sinh và các trường rất nhiều bởi có khả năng, các trường sẽ phải tổ chức thêm kỳ thi để tuyển sinh. Như vậy, học sinh sẽ phải tham gia không chỉ một mà thậm chí là hai hoặc ba kỳ thi vào các trường khác nhau…”, ông Độ nói.
Đồng quan điểm, ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, cho rằng, phương án duy trì kỳ thi THPT quốc gia mới là không hợp lý trong tình hình này. Theo ông Thạch, nếu chỉ dùng kết quả của kỳ thi để xét tốt nghiệp thì có thể bỏ thi hẳn để giảm ngay áp lực cho học sinh từ thời điểm này. Theo đó, các địa phương sẽ có phương án công nhận tốt nghiệp khách quan, công bằng, Bộ GD&ĐT chỉ cần kiểm tra, giám sát nếu nghi ngờ kết quả. Việc xét tuyển thế nào để các trường ĐH, CĐ tự quyết định.
Tương tự, bà Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TPHCM) cho rằng, việc tổ chức một kỳ thi tầm quốc gia, trong tình hình ngành giáo dục và xã hội đang khó khăn do dịch bệnh chỉ để công nhận tốt nghiệp cho học sinh thì khó có sự đồng thuận của học sinh, phụ huynh và những người làm công tác giáo dục.
Em Nguyễn Quang Anh, học sinh lớp 12 một trường ở quận 12 cho biết, từ khi biết tin về phương án thi mới, em và gia đình trở nên lo lắng hơn. “Thời điểm này, chúng em chỉ mong kỳ thi ổn định chứ không muốn có bất kỳ thay đổi hay xáo trộn gì thêm nữa. Càng thay đổi chỉ làm cho chúng em càng thêm áp lực mà thôi”, Quang Anh nói.
Theo Báo Tiền Phong