Bộ GD-ĐT đứng ra tổ chức thi ĐH là vi phạm luật

0
1786

“Cách nói kỳ thi “2 trong 1” là cách nói nôm, tắt và không trọn ý nghĩa mục đích, bản chất của kỳ thi THPT quốc gia. Tôi không gọi kỳ thi “2 trong 1” dù nói thế nó không sai nhưng chưa đủ và mong rằng sau này đừng nói là kỳ thi “2 trong 1”.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT khẳng định như thế tại buổi trao đổi với báo chí do Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP.Vũng Tàu ngày 29/9.

Bộ GD-ĐT đứng ra tổ chức thi ĐH là vi phạm luật

Theo ông Mai Văn Trinh, kỳ thi THPT quốc gia được xây dựng trên cơ sở của Nghị quyết 29, trong đó nêu rõ “đổi mới thi xét tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực, giảm tốn kém nhưng đảm bảo độ trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh. Lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT đồng thời làm cơ sở để tuyển sinh ĐH và giáo dục nghề nghiệp”.

“Tại sao để xét tốt nghiệp THPT bởi vì luật giáo dục quy định rằng học sinh học hết 12 năm phải dự một kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT. Còn luật giáo dục cũng nêu “các trường ĐH tự chủ trong tuyển sinh” nên Bộ đứng ra tổ chức một kỳ thi ĐH là không đúng luật.

Chúng tôi bám theo tinh thần trong Nghị quyết 29 và cụ thể hóa trong Nghị quyết 44 “tiến tới tổ chức kỳ thi chung lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh”. Cho nên việc sử dụng xét tốt nghiệp THPT là quy định trong luật giáo dục”, ông Trinh chia sẻ.

Còn việc tại sao xét tốt nghiệp THPT còn kết hợp kết quả điểm học bạ, thì điều này tiếp cận thông lệ quốc tế. Theo ông Trinh, trong Nghị quyết 29 cũng nói rõ là “kết hợp việc đánh giá trong quá trình cuối kỳ, cuối năm học”. “Nếu phân tích sâu thì sẽ thấy rất hay, ở chỗ để làm sao kết quả học tập của học sinh là một quá trình liên tục chứ không phải thong thả chơi đến lúc thi mới lo tập trung học rồi sau khi thi xong lại quên hết kiến thức. Chúng tôi lấy kết quả đấy để thấy rằng đó là quá trình cố gắng liên tục.

Điểm thứ 2 cũng rất nhân văn ở chỗ chẳng hạn bình thường học sinh học rất giỏi nhưng chẳng may trong quá trình thi thì bị bệnh nên kết quả thi kém, nếu chỉ lấy điểm thi thì sẽ thiệt thòi cho thí sinh. Do đó, việc lấy kết quả học bạ để thấy rằng đó là một quá trình “chạy” liên tục từ lúc xuất phát đến lúc về đích”, ông Trinh nói.

Ông Trinh cũng cho rằng, để làm căn cứ tuyển sinh ĐH,CĐ thì rõ ràng kỳ thi này còn đủ bảo đảm độ tin cậy, vẫn phân hóa được thì hơn 300 trường ĐH và các trường CĐ có thể sử dụng trong tuyển sinh. Hiện nay việc sử dụng kết quả này rất đa dạng, có trường dùng để xét tuyển trực tiếp nhưng cũng có trường dùng để sơ tuyển, kết hợp cả kiểm tra, phỏng vấn năng lực. Như vậy, điều đó hoàn toàn đúng như nội dung nghị quyết nêu.

Tuy nhiên mục đích kỳ thi này vẫn chưa dừng lại ở đó mà điều quan trọng chính là điều chỉnh lại quá trình dạy học. Do đó, không thể nào gọi kỳ thi này là “2 trong 1” được.

Ông Trinh khẳng định: “nếu không thi như kỳ thi THPT Quốc gia thì tôi khẳng định chất lượng các môn Lịch sử và GDCD không được như các năm vừa rồi”. Đồng thời, ông nhấn mạnh kỳ thi này giúp điều chỉnh lại cả quá trình dạy học, giảm học tủ, học lệch và nhân văn hơn chính là không còn tình trạng môn chính, môn phụ.

Ông Mai Văn Trinh khẳng định vai trò của các trường ĐH tham gia trong tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 sẽ tăng lên

Vai trò của các trường ĐH trong kỳ thi THPT quốc gia sẽ tăng lên

Về giải pháp thi THPT Quốc gia sắp tới, ông Trinh khẳng định sẽ quy định rõ hơn trách nhiệm của trưởng ban chỉ đạo, của chủ tịch hội đồng, phó trưởng ban đến từ trường ĐH như thế nào và của thanh tra cụ thể rõ hơn nữa.

Đồng thời, quy định cụ thể, chi tiết hơn nữa về phòng chứa đề thi, bài thi… hay phần mềm chấm thi sẽ có nhiều lớp bảo mật hơn. Chúng tôi sẽ nghiên cứu các kỹ thuật để mã hóa dữ liệu sau khi đã quét bài thi của thí sinh để muốn cũng không gian lận được…Hoặc về cách tổ chức thi theo cụm, thành lập hội đồng như thế nào, bao nhiêu cụm, ai chủ trì… nhưng tất nhiên vai trò của các trường ĐH sẽ tăng lên.

Kết quả thi THPT quốc gia để sử dụng xét tốt nghiệp THPT nên đề thi của kỳ thi này đáp ứng mục tiêu mức độ học vấn THPT là cơ bản, nó không phải là đề thi tuyển sinh ĐH, càng không phải là kỳ thi học sinh giỏi. Do đó một trong những điều được đánh giá kỳ thi năm 2018 chưa được chính là đề thi có một số câu hỏi quá khó, không phù hợp với sứ mệnh lịch sử của kỳ thi. Năm 2019 sẽ điều chỉnh điều này.

Các ĐH phải tham gia kỳ thi này và vai trò mỗi năm đều có điều chỉnh. Chẳng hạn như lần đầu tiên năm 2018 đưa vào quy định “niêm phong túi đựng bài thi phải sử dụng tem mỏng dễ rách dùng 1 lần, trên đó ngoài chữ ký của hai cán bộ coi thi phải có chữ ký họ tên của phó trưởng điểm thi đến từ trường ĐH”. Ông Trinh bật mí rằng chính nhờ quy định đó mà Bộ đã xử lý vấn đề ở các địa phương có xảy ra tiêu cực. Kỳ thi này là trách nhiệm chung của toàn hệ thống giáo dục, nên các trường ĐH không đứng ngoài cuộc được.

Cục trưởng Cục quản lý chất lượng của Bộ GD-ĐT cũng khẳng định rằng “không thể vì sai phạm của một vài cá nhân cá biệt ở một vài địa phương mà nghi ngờ các địa phương. Tuy nhiên, sự vào cuộc sâu hơn của các trường ĐH là cần thiết, ít nhất là tăng cường vai trò giám sát. Một số khâu cũng sẽ quy định rõ hơn vai trò đến từ trường ĐH so với năm 2017, 2018 để phân rõ trách nhiệm.

Bộ đang trong quá trình hoạch định, sửa đổi quy chế để cố gắng sớm hơn. Tuy nhiên cũng nhấn mạnh kỳ thi THPT Quốc gia 2019, 2020 căn bản vẫn ổn định như năm 2018, không ảnh hưởng đến thí sinh. Nếu có thay đổi chỉ là sẽ vất vả hơn cho các thầy cô để kỳ thi nghiêm túc, an toàn hơn”.