Mức điểm ưu tiên tối đa 3,5 điểm của kỳ thi tuyển sinh ĐH để áp vào kỳ thi THPT quốc gia như những năm qua, theo nhiều người là rất phi lý.
Bởi kỳ thi tuyển sinh ĐH, độ phân hóa để xét tuyển rải dài trong khung 10 điểm/môn thi trong khi đó độ phân hóa để xét tuyển ĐH của đề thi THPT quốc gia chỉ ở trong dải 4 điểm/môn thi do đề có 60% có mục đích thi tốt nghiệp.
Trước thực tế này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhận xét: Quy định cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực trong tuyển sinh đã được thực hiện từ rất nhiều năm nay. Quy định này cụ thể hóa các chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước đối với người có công, con em dân tộc, thí sinh (TS) sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn… có điều kiện sống, điều kiện học tập khó khăn hơn rất nhiều so với TS sống ở thành phố. Khi bắt đầu thực hiện đổi mới thi/tuyển sinh năm 2015, Bộ cũng đã đưa ra thảo luận về quy định cộng điểm ưu tiên cho hợp lý với cấu trúc đề thi mới vừa phục vụ xét tốt nghiệp THPT, vừa để tuyển sinh ĐH.
“Khi thi “3 chung”, toàn bộ đề thi dùng để phân loại TS, nghĩa là dải điểm để phân loại từ 0 đến 30 điểm đối với tổ hợp 3 môn thi. Khi tổ chức kỳ thi 2 mục đích, cấu trúc đề thi mới thường có 60% thuộc kiến thức cơ bản, 40% thuộc kiến thức nâng cao để phân loại TS. Phần dải điểm để phân loại TS phục vụ xét tuyển ĐH bị thu hẹp. Do đó, nếu mức điểm ưu tiên không thay đổi thì tỷ trọng điểm ưu tiên trong xét tuyển ĐH hiện nay cao hơn khi thi “3 chung” nên TS được cộng điểm ưu tiên có lợi hơn so với trước”, ông Ga nhận định.
Năm 2015, việc cộng điểm ưu tiên đã được thảo luận rộng rãi, Báo Thanh Niên đã có nhiều bài viết về nội dung này. Tuy nhiên, do vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, xã hội chưa đồng thuận nên quy chế tuyển sinh vẫn chưa thay đổi chế độ ưu tiên. Đến thời điểm hiện nay, ưu tiên theo đối tượng chưa thay đổi gì. Đối với ưu tiên theo khu vực, Bộ đã điều chỉnh theo quy định mới của Chính phủ về các xã có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn vì thế điểm ưu tiên theo khu vực đã giảm đối với khá nhiều TS.
Ông Ga cho rằng cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh cần phải được duy trì để đảm bảo công bằng xã hội. Việc điều chỉnh mức điểm ưu tiên (nếu có) cho phù hợp với cấu trúc đề thi của kỳ thi 2 mục đích cần được nghiên cứu kỹ càng, khoa học dựa trên phân tích kết quả kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 3 năm đổi mới vừa qua. Cần có kết quả nghiên cứu đánh giá tác động đến các đối tượng TS được hưởng ưu tiên, thống kê tỷ lệ TS ở các khu vực, thuộc các đối tượng khác nhau trúng tuyển vào các trường ĐH. Việc điều chỉnh điểm ưu tiên liên quan đến chính sách xã hội nên cần có sự thảo luận rộng rãi, tham khảo ý kiến của các cơ quan liên quan: Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, Bộ LĐ-TB-XH…
TNO