Bộ Giáo dục: ‘Chính sách cộng điểm ưu tiên vẫn cần thiết’

0
1875

Khi còn chênh lệch về điều kiện học tập giữa các vùng thì chính sách ưu tiên vẫn cần để đảm bảo công bằng xã hội, xét trên diện rộng.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đại học) trao đổi với VnExpress về việc xét tuyển đại học đợt 1.

– Đợt tuyển sinh đầu tiên năm 2017 đã kết thúc, bà đánh giá như thế nào về kết quả đạt được?

– Đợt 1 tuyển sinh đại học có 170 đơn vị tuyển đủ chỉ tiêu, nếu tính từ mức đạt 70% chỉ tiêu trở lên thì tới 234 đơn vị (chiếm 73% số đơn vị tuyển sinh). Con số này phản ánh công tác tuyển sinh 2017 đạt được tiêu chí nhanh gọn, thuận lợi, hiệu quả…, giảm được áp lực cho đợt tuyển sinh bổ sung.

Thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn nguyện vọng, sau khi có điểm thi THPT quốc gia, các em được điều chỉnh tiếp. Đây là quy định rất nhân văn bởi khi đăng ký xét tuyển lần đầu, thí sinh được thể hiện nguyện vọng và định hướng lựa chọn ngành nghề, nhưng do chưa biết điểm thi và tương quan điểm giữa những thí sinh cùng thi nên vẫn có rủi ro. Việc cho phép điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết kết quả thi giúp thí sinh xác định chính xác hơn khả năng của mình, qua đó có thể trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên cao nhất.

bo-giao-duc-chinh-sach-cong-diem-uu-tien-van-can-thiet

Vụ trưởng Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng.

Kỳ tuyển sinh 2017 đã áp dụng công nghệ thông tin triệt để hơn trong tất cả khâu đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng, xét tuyển… để đảm bảo tính khoa học, khách quan.

Tóm lại, phương thức tuyển sinh năm 2017 đã thể hiện tính khoa học, hợp lý, đảm bảo khách quan, công bằng đối với tất cả thí sinh và các trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục duy trì, hoàn thiện quy chế, quy trình… áp dụng cho những năm tiếp theo.

– Cơ chế cộng điểm khu vực, đối tượng ưu tiên vẫn bị cho rằng lạc hậu, gây bất công khi thí sinh có điểm thực thi cao ở KV3 bị trượt trường mong muốn nhưng thí sinh vùng miền điểm thực thi thấp hơn lại đỗ. Quan điểm của bà như thế nào về điều này?

– Quan niệm về bất công hay công bằng cần được đánh giá tổng thể. Công bằng phải xét trên điều kiện thực hiện quy định và hướng tới kết quả bình đẳng thực chất. Nếu áp dụng nguyên tắc xét tuyển như nhau cho các thí sinh có điều kiện khác nhau thì đó không phải là biểu hiện của sự công bằng. Nếu áp dụng quy định như nhau dẫn đến kết quả chênh lệch trong quá trình thực hiện cũng không phải là đã đạt được sự công bằng.

Khi còn có sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các thành phố, vùng nông thôn và đặc biệt là miền núi… và giữa các đối tượng thì chính sách ưu tiên còn cần thiết để đảm bảo công bằng xã hội, xét trên diện rộng. Chỉ khi nào có trải nghiệm cuộc sống ở những vùng khó khăn thì chúng ta mới cảm nhận được sự cần thiết của chính sách này.

Tất nhiên, chính sách ưu tiên cũng không phải là bất di bất dịch, có thể cũng thay đổi khi các điều kiện chênh lệch đã được thay đổi…

– Bà nghĩ sao khi các quốc gia phát triển giáo dục như Mỹ, Anh… không có chính sách cộng điểm ưu tiên khi tuyển sinh đại học?

– Mỗi nước hình thành những căn cứ, điều kiện tuyển sinh khác nhau… phụ thuộc vào văn hóa, truyền thống, phương pháp đánh giá năng lực thí sinh của từng nước, từng trường.

Các nước nêu trên khi tuyển sinh không độc tôn điểm của một kỳ thi (như ở một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam) nên không có điểm trúng tuyển, điểm ưu tiên. Hầu hết đại học ở đây xét riêng đối với từng thí sinh sau khi đánh giá toàn diện để kết luận về việc tuyển hay không. Thí sinh cũng không có quyền thắc mắc về việc tại sao lấy người điểm thấp hơn mà không lấy người điểm cao vì điểm thi chỉ là một trong nhiều căn cứ tuyển sinh.

– Năm nay, khối trường lực lượng vũ trang đứng đầu về mức điểm chuẩn, ngành đặc thù như Sư phạm ở một số đại học địa phương lại chỉ lấy bằng sàn. Bà lý giải điều này như thế nào?

– Nhìn chung, trong những năm gần đây, khối trường lực lượng vũ trang vẫn đứng đầu về mức điểm trúng tuyển. Lý do cơ bản nhất là thí sinh trúng tuyển vào các trường này đồng nghĩa với việc được “vào biên chế” của ngành, được bao cấp về học phí, việc làm sau khi học…

Không chỉ ngành sư phạm, đối với hầu hết ngành thì điểm trúng tuyển của đại học địa phương vẫn thấp hơn điểm chuẩn các trường thuộc bộ ngành, trường tập trung ở các trung tâm đô thị lớn. Ngoài nguyên nhân về chất lượng đào tạo còn có do tâm lý xã hội, xu hướng, nhu cầu người học…

Ngành sư phạm đã có những ưu đãi nhất định để thu hút thí sinh giỏi như: miễn học phí, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nghề… nhưng có lẽ là chưa đủ mạnh để cạnh tranh với các ngành khác.

– Từ năm 2018, Bộ không quy định điểm sàn đại học chung mà giao các trường tự quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Trường sư phạm thiếu thí sinh có thể hạ mức chuẩn thấp, có thể gây ra nhiều hệ lụy. Bộ có tính đến một chuẩn đầu vào riêng với ngạch đặc biệt này?

– Chủ trương của Bộ là giao quyền tự chủ cho các trường ngày càng nhiều hơn, trong đó có tự chủ về tuyển sinh. Hội đồng trường, Hiệu trưởng, Hội đồng tuyển sinh trường sẽ phải cân nhắc để đảm bảo chất lượng đào tạo, khẳng định uy tín và thương hiệu của trường thông qua việc xây dựng các chuẩn đầu vào của trường.

Riêng đối với ngành sư phạm, nhìn chung sự tự chủ trong việc tuyển sinh vẫn được giới hạn ở mức độ hợp lý để đảm bảo tính kế hoạch, phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của ngành. Ví dụ, chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm do các trường xác định nhưng vẫn được phê duyệt chặt chẽ trước khi thông báo để cân đối về quy mô, cơ cấu… Chủ trương của Bộ là phải nâng cao chất lượng đầu vào của các trường sư phạm, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên.

Chính sách cộng điểm ưu tiên khu vực

Theo quy định, thí sinh học liên tục và tốt nghiệp trung học tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó.

– Khu vực 1 (KV1) gồm: Các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định hiện hành tương ứng với thời gian học THPT hoặc trung cấp của thí sinh; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 theo quy định của Thủ tướng.

– Khu vực 2 – nông thôn (KV2-NT) gồm các địa phương không thuộc KV1, KV2, KV3; Khu vực 2 (KV2) gồm các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã, huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc KV1);

– Khu vực 3 (KV3) gồm: Các quận nội thành của thành phố trực thuộc trung ương. Thí sinh thuộc KV3 không thuộc diện hưởng ưu tiên khu vực.

Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 (nửa điểm) tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điểm 10.

Vnexpress