Bộ Giáo dục lưu ý tuyển sinh theo nhóm trường miền Bắc và miền Nam

0
1904

Việc các trường ĐH cùng tham gia vào nhóm tuyển sinh miền Bắc hay miền Nam sẽ góp phần sàng lọc thí sinh “ảo” và xác định điểm chuẩn phù hợp hơn.

Năm nay, việc tuyển sinh ĐH, CĐ được chia làm 2 nhóm: Nhóm tuyển sinh theo nhóm trường miền Bắc và tuyển sinh theo nhóm trường miền Nam.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga lý giải vì sao lại có tuyển sinh nhóm trường miền Bắc và tuyển sinh theo nhóm trường miền Nam cũng như lưu ý thí sinh khi đăng ký xét tuyển.

Đăng ký xét tuyển theo nhóm sẽ lọc được tối đa thí sinh “ảo”

PV: Thưa Thứ trưởng, việc tuyển sinh theo nhóm trường miền Bắc và nhóm trường miền Nam năm 2017 có tác dụng như thế nào?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 cho phép thí sinh có quyền đăng ký không giới hạn nguyện vọng nhưng dựa vào số điểm cao nhất, mỗi thí sinh chỉ được phép chọn 1 trường ĐH trúng tuyển trong số danh sách các trường đã đăng ký.

Nếu các trường ĐH, CĐ xét tuyển riêng lẻ thì rất khó xác định điểm chuẩn phù hợp với chỉ tiêu. Vì vậy, việc các trường ĐH cùng tham gia vào nhóm tuyển sinh miền Bắc hay miền Nam sẽ góp phần xác định điểm chuẩn phù hợp hơn.

Theo số liệu thí sinh đăng ký thi THPT Quốc gia để xét tuyển vào ĐH, CĐ có thể chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là thí sinh phía Nam từ tỉnh Quảng Bình trở vào và nhóm thứ 2 là thí sinh phía Bắc từ tỉnh Hà Tĩnh trở ra. Hai nhóm này cũng đã có sự phối hợp với nhau để thực hiện công tác xét tuyển nhằm sàng lọc thí sinh “ảo”.

Thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất

PV: Xin Thứ trưởng cho biết, khi tham gia tuyển sinh theo nhóm trường miền Bắc thì có ảnh hưởng gì tới quyền tự chủ của các trường ĐH hay không và quyền lợi của thí sinh khi xét tuyển theo nhóm này như thế nào?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Việc tham gia tuyển sinh theo nhóm trường miền Bắc không hề ảnh hưởng tới quyền tự chủ của các trường ĐH, CĐ. Việc tham gia vào nhóm này đều có lợi cho các trường và cả thí sinh. Bởi vì khi các trường tham gia nhóm có nghĩa là đã lọc được thí sinh “ảo” trước khi xác định được điểm chuẩn vào các ngành nên thí sinh không bị trượt oan.

Còn nếu các trường không xác định được điểm chuẩn thì số lượng thí sinh “ảo” sẽ rất lớn khiến việc tuyển sinh gặp khó khăn.

Khi các trường tuyển sinh theo nhóm trường miền Bắc và miền Nam lọc được thí sinh “ảo” thì sẽ đưa lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Sau đó, Bộ sẽ lọc thí sinh dịch chuyển từ phía Bắc sang phía Nam và ngược lại. Như vậy, việc lọc thí sinh “ảo” cũng rất ít và cũng sẽ ngăn được tình trạng thí sinh “ảo” rộng hơn trên phạm vi cả nước.

Đối với thí sinh, mặc dù được phép đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng trong đợt xét tuyển đầu tiên, thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng có điểm cao nhất nhằm đảm bảo cho các em trúng tuyển vào ngành yêu thích nhất. Quy định này cũng nhằm đảm bảo quyền lợi xét tuyển cho tất cả thí sinh và đảm bảo công tác tuyển sinh không lộn xộn.

Tuy nhiên, từ đợt đăng ký nguyện vọng bổ sung, thí sinh có thể nộp hồ sơ vào nhiều trường ĐH. Cũng từ đợt bổ sung này, Bộ GD-ĐT giao cho các trường ĐH, CĐ chủ động hoàn toàn trong tuyển sinh.

PV: Thưa Thứ trưởng, một số trường ĐH băn khoăn về thời gian xét tuyển chỉ có 3 ngày thì quá ngắn. Bộ GD-ĐT tiếp nhận ý kiến này như thế nào?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Việc xét tuyển theo nhóm và các trường thực hiện tuyển sinh độc lập diễn ra trong 3 ngày (từ 25-28/7). Sau đó, từ ngày 28-30/7 là thời gian Bộ GD-ĐT lọc thí sinh “ảo”. Như vậy, các trường có tổng thời gian là 6 ngày để đủ thực hiện công tác xét tuyển.

Trước 15/5, công bố đề thi minh họa cuối cùng

PV: Vừa qua, một số địa phương đã tổ chức thi thử kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kỳ thi thử này và có thể nói rõ hơn về đề thi minh họa sắp được Bộ GD-ĐT công bố?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Thực ra, Bộ GD-ĐT không khuyến khích các địa phương tổ chức thi thử kỳ thi THPT Quốc gia mà chỉ là việc kiểm tra định kỳ kiến thức của học sinh. Trong hướng dẫn các trường kết thúc năm học, Bộ cũng đề cập rất rõ quy trình cũng như những việc mà các địa phương cần phải làm cho học sinh lớp 12.

Trước ngày 15/5, Bộ GD-ĐT sẽ công bố đề thi minh họa cuối cùng giống như đề thi thật để thí sinh có thể hình dung được đề thi trong kỳ thi THPT Quốc gia sẽ như thế nào, các câu hỏi khó dễ ra sao.

Năm nay, kỳ thi THPT Quốc gia có thêm tổ hợp môn và nhiều môn thi theo hình thức trắc nghiệm nên với việc công bố đề thi minh họa sẽ góp phần giúp thí sinh, giáo viên dựa vào đó để chuẩn bị ôn tập và giảng dạy cho tốt hơn.

VOV