Bộ trưởng Công an: Gian lận thi THPT có thể đã diễn ra từ thời gian trước

0
2691
Theo Bộ trưởng Công an Tô Lâm, những thủ đoạn thi THPT mới được phát hiện ra trong năm 2018 rất tinh vi. Tuy nhiên, hành vi gian lận thi cử thì không phải là mới và không phải đến 2018 này mới có mà có thể đã diễn ra từ thời gian trước…

Chiều 13/8, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu ngắn gọn trước khi trực tiếp trả lời các câu hỏi, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khái quát, thời gian qua, công tác đảm bảo an ninh quốc gia đứng trước nhiều thách thức khi hoạt động chống phá có những biểu hiện mới, tinh vi, phức tạp hơn. Dù có một số vụ việc phức tạp gây mất an ninh trật tự ở địa phương nhưng theo Bộ trưởng, nhìn chung an ninh quốc gia được bảo đảm. Hầu hết các vụ trọng án đều được khám phá, điều tra (đạt tỷ lệ trên 95%).

Nhiệm vụ đảm bảo an ninh trong thời gian tới rất khó khăn, phức tạp, không cho phép lực lượng công an ngưng nghỉ. Bộ máy tinh gọn hơn nhưng nhiệm vụ không thay đổi, áp lực nặng nề hơn nên ngành mong nhận được sự ủng hộ để hoàn thành nhiệm vụ. Ngành công an cũng nhận thức rõ ràng bên cạnh những thành tích đạt được cũng còn những khuyết điểm, thách thức lớn đặt ra.

Đang nghiên cứu quy trình điều tra đặc biệt án xâm hại trẻ em

Chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm, đại biểu Bùi Huyền Mai (Hà Nội) yêu cầu cho biết đánh giá của bộ với tình trạng xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục thời gian qua. Tại sao chỉ khi có sự chỉ đạo giải quyết cũng như áp lực dư luận thì việc giải quyết các vụ án này mới rốt ráo?

Bộ trưởng Tô Lâm nhận định, năm 2017 phát hiện 1.700 vụ việc xâm hại trẻ em, tình hình đã giảm so với 2016 nhưng trong đó có 1.600 vụ là xâm hại tình dục (chiếm 84% số vụ). 80% nạn nhân các vụ xâm hại đều là các cháu gái. Các đối tượng gây ra các vụ việc thường chưa có tiền án tiền sự và phần lớn là những người quen thân với nạn nhân.

Bộ trưởng lưu ý, có những trường hợp thông tin về sự việc bị đẩy “vống” lên khiến gia đình nạn nhân hoang mang. Có nhiều vụ hướng xử lý ban đầu không hợp lý dẫn tới dư luận bức xúc, nghi ngờ lực lượng công an trong việc xử lý các vụ việc như vậy.

Hầu hết các vụ xâm hại không có nhân chứng, nạn nhân là trẻ em còn nhỏ nên tâm lý hoảng loạn, khai báo thiếu thống nhất hoặc khai theo lời hướng dẫn của gia đình, thân nhân, gây khó khăn cho việc điều tra, phá án.

Bộ đang chỉ đạo công an các địa phương để tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật trong người dân, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.

“Tất cả các vụ án đều được quan tâm chứ không phải chỉ khi có chỉ đạo, dư luận nhưng do loại án này phá có khó khăn như một số nguyên nhân đã chỉ ra nên thời gian bị kéo dài” – Bộ trưởng Tô Lâm đáp.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) bày tỏ sự chưa tán thành với câu trả lời của Bộ trưởng Công an với câu hỏi về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Ông muốn biết nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột biến loại tội phạm này (12%) trong 6 tháng qua.

Trả lời, Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý, con số về tội phạm này nêu ra là con số lực lượng công an khám phá, điều tra, còn số thực tế như nào thì cần đánh giá thêm. Vậy nên đánh giá số lượng án tăng thì có thể là do ngành mở đợt cao điểm đấu tranh với loại tội phạm này nên mới vậy.

Việc thành lập cơ quan điều tra chuyên trách trong lĩnh vực này thì Bộ Công an đã nhiều lần đề xuất để có thể có một quy trình điều tra đặc biệt, như mô hình tòa gia đình, tòa án thân thiện để xử lý những vụ việc này. Nếu có một quy định về trình tự đặc biệt thì sẽ tháo gỡ được những khó khăn, giúp sớm vạch trần được những loại tội phạm này.

Đại biểu Lê Thị Nga (Chủ nhiệm UB Tư pháp) trao đổi thêm về quy trình thủ tục đặc biệt điều tra án xâm hại tình dục trẻ em. Bà Nga cho biết, chính UB Tư pháp đề nghị Bộ Công an và VKSND tối cao phối hợp xây dựng quy trình và trình ra, nhưng cho đến giờ chưa thấy gửi tới Ủy ban Tư pháp.

Bộ trưởng Tô Lâm phân tích, quy trình điều tra đặc biệt là mô hình học tập ở nhiều nước đã áp dụng vì đây là án rất nhạy cảm, liên quan đến quyền lợi của trẻ em, nhất là khi nạn nhân ở vào độ tuổi tâm lý chưa ổn định, vững chắc.

“Chúng tôi đang nghiên cứu quy trình này trên cơ sở học tập kinh nghiệm từ nước ngoài. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện việc này để xin ý kiến các cơ quan chuyên môn”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.

“Bài học đắt giá với ngành công an”

Đề cập với Bộ trưởng Công an việc dư luận bức xúc vì ngành cấp hơn 500 biển số xe cho doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy – Ủy viên thường trực UB Các vấn đề xã hội muốn biết giải pháp xử lý việc này?

Trả lời, Thượng tướng Tô Lâm nói, Bộ Công an có thông tư quy định việc quản lý giao thông đường bộ, phân cấp về việc cấp biển số xe. Thời gian qua, Bộ công an đã phát hiện một số biển số xe cấp sai quy định thì thấy trong 500 biển số hầu hết đều cấp đúng quy trình nhưng thực tế, đó là sự vận dụng, “lách” luật nên đã thu hồi. Đến thời điểm này đã thu hồi gần hết 500 biển số này, chỉ còn khoảng 20 biển chưa thu hồi được do doanh nghiệp giải thể hoặc xe đã hết niên hạn lưu hành.

Bộ Công an đã tiến hành kiểm điểm việc này và từ nay sẽ đảm bảo việc cấp biển số theo đúng quy định.

“Việc cấp biển số xe cho các đơn vị này không đúng nhưng vẫn phù hợp với quy định trên thực tế là Bộ trưởng Công an có thẩm quyền cấp biển cho một số trường hợp. Hầu hết các xe được cấp biển đều có sự đồng ý của lãnh đạo Bộ. Vậy nên chúng tôi đã chủ động sửa thông tư này khi thấy quy định chưa phù hợp” – Bộ trưởng công an đáp lại câu hỏi thêm sau đó của đại biểu Kim Thúy.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) quan tâm những vụ án có liên quan, có sự tham gia của sỹ quan, tướng lĩnh trong ngành công an bộc lộ thời gian qua khiến dư luận bức xúc. Ông Nhưỡng dẫn chứng vụ Vũ “nhôm”- tiêu biểu của cài cắm nhân sĩ để hoạt động. Sau vụ Vũ “nhôm”, Bộ Công an có rà soát việc này và có giải pháp để chống những Vũ “nhôm” xuất hiện tiếp không?

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, những tội phạm có tổ chức liên quan đến các tướng lĩnh trong lực lượng công an như đại biểu đề cập liên quan đến 5 vụ án đã được khởi tố, điều tra. Thượng tướng Tô Lâm nhắc tới nhiều tướng công an đã bị điều tra, xử lý, trong đó có 2 người là lãnh đạo bộ.

“Đây cũng là bài học rất đắt giá với ngành và tới đây chúng tôi chắc chắn sẽ không còn để tình trạng lợi dụng các tổ chức này để hoạt động và sẽ không để những vụ tương tự liên quan đến nội bộ ngành như vụ Vũ “nhôm” nữa. Chúng tôi đã chấn chỉnh lực lượng sau các vụ việc này” – Bộ trưởng Công an khẳng định.

Đại biểu Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) nhắc tới tình trạng tội phạm công nghệ cao, tình trạng giả dạng công an để lừa đảo tăng cao. Giải pháp trọng tâm để chống hiệu quả loại tội phạm này trong thời gian tới?

Về việc lừa đảo thông qua hình thức gọi điện (Voice IP), Bộ Công an vừa qua đã phối hợp với nhiều nước như Trung Quốc, Đài Loan để phát hiện. Thường các đối tượng nhắm tới người nhẹ dạ cả tin và có dính dáng gì tới pháp luật để lừa đảo, khiến nạn nhân gửi tiền và nhanh chóng chuyển tiền đó ra nước ngoài. Bộ Công an đã tiến hành đấu tranh với một số băng nhóm tội phạm trong nước để ngăn chặn tình trạng này.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (ủy viên UB Tư pháp) đề cập vụ 2 hiệp sĩ đường phố bị cướp đâm chết thời gian qua. Bà Hoa muốn biết quan điểm của Bộ Công an về hoạt động của các nhóm hiệp sĩ đường phố như thế?

Bộ trưởng Công an xác nhận tình hình phức tạp của tội phạm cướp giật, nhất là tại TPHCM. Các tội phạm khác như tội phạm ma túy (tội phạm của các loại tội phạm), tội phạm tín dụng đen thậm chí đơn giản như game bắn cá… cũng dẫn tới hành vi trộm cướp trên đường phố.

Tại TPHCM, lực lượng công an đủ sức để đấu tranh với loại tội phạm này. Lực lượng sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát mật phục trên đường, tập trung triệt phá các băng nhóm cướp, cướp giật trên đường phố.

Đề cập việc kỳ thi THPT quốc gia đã xảy ra gian lận khiến công an phải vào cuộc, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt câu hỏi, đây là loại tội phạm gì, có phải mới không, những năm trước liệu có xảy ra không?

Nói về việc điều tra gian lận thi cử, Bộ trưởng Công an cho biết ngành đã khởi tối 3 vụ án về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với những người có chức trách quản lý bài thi của thi sinh.

“Đây là những thủ đoạn mới được phát hiện ra trong năm 2018 này, các thủ đoạn rất tinh vi. Tuy nhiên, hành vi gian lận thi cử thì không phải là mới và không phải đến 2018 này mới có mà có thể đã diễn ra từ thời gian trước. Chúng tôi có khảo sát một số cháu đỗ đại học với điểm số rất cao nhưng quá trình học thì không theo được chương trình” – Bộ trưởng Công an đáp.

Để phòng chống những thủ đoạn này thì cần tiếp tục có sự phối hợp với Bộ Giáo dục để quản lý việc ra đề, chấm thi, công bố điểm… sao cho thành khâu khép kín để không thể can thiệp được, nhất là bằng các biện pháp khoa học kỹ thuật hiện đại. Đây cũng là thách thức rất lớn với các cơ quan bảo vệ pháp luật thời gian tới.

Theo Dantri