Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Học để làm người, để chung sống với nhau

0
2066

Theo Bộ trưởng GD-ĐT, trước đây, tư duy của chúng ta nặng về học để đỗ đạt, làm quan… Nhưng bây giờ chuyển căn bản sang học để làm người, để chung sống với nhau.

Tại hội nghị báo cáo viên do Ban Tuyên giáo TƯ tổ chức sáng nay, Bộ trưởng GD-ĐT cho hay, bên cạnh những kết quả đạt được thì hệ thống giáo dục vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập về nội dung, mục tiêu, phương pháp… Vấn đề này không chỉ có ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng vậy.

“Giáo dục phổ thông thì nhồi nhanh kiến thức, chạy đua theo thành tích đến bây giờ vẫn chưa chữa được nhiều”, ông Nhạ nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh, chuyện quay cóp, gian lận trong thi cử không phải không có, không phải bây giờ mới có mà trước đó đã có rất nhiều, điển hình như vụ ở Đồi Ngô (Bắc Giang).

Chính vì vậy, nghị quyết 29 của TƯ đã đặt ra vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Theo tư lệnh ngành GD-ĐT, đổi mới lần này sẽ chuyển từ phương pháp dạy chữ sang phát triển phẩm chất đạo đức, chú trọng dạy người. Dạy để kết thúc từng cấp học, để người học học được gì chứ không phải chỉ hết chương trình học.

“Trước đó, tư duy của chúng ta nặng về học để biết, học để đỗ đạt, thậm chí học để làm quan… Nhưng bây giờ chúng ta chuyển căn bản sang học để phát triển toàn diện đối với phổ thông, còn đối với bậc đại học là chuyên sâu và học để làm người, để chung sống với nhau, để phát triển”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết, phương pháp kiểm tra đánh giá trước kia là theo “điểm”, tạo ra áp lực rất lớn với học sinh, đặc biệt với cấp tiểu học, nhưng giờ chuyển dần sang đánh giá theo sự tiến bộ của người học.

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ

Rà soát để chuẩn bị tốt kỳ thi THPT quốc gia

Với vấn đề thi cử, theo ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD-ĐT đã chuyển dần từ thi tự luận sang trắc nghiệm.

“Thi trắc nghiệm có thuận lợi là đánh giá khách quan, minh bạch”, Bộ trưởng Nhạ nói và nhấn mạnh, chính nhờ có phương thức này mà những tiêu cực ở các địa phương vừa qua được phát hiện, xử lý.

Cũng theo Bộ trưởng, rút kinh nghiệm từ vụ tiêu cực thi cử 2018, vừa qua Bộ cùng với các Sở GD-ĐT địa phương rà soát kỹ lưỡng các vấn đề có liên quan, từ xây dựng bộ câu hỏi chuẩn hóa, đến các yếu tố kỹ thuật như phần mềm quản lý thi, đội ngũ tham gia làm đề thi, trách nhiệm của địa phương và Bộ GD-ĐT.

Báo cáo của Bộ GD-ĐT về tình trạng vi phạm trong thi cử cho thấy, tại Sơn La, có 44 thí sinh được nâng điểm. Ở Hòa Bình là 64 thí sinh. Trong 108 thí sinh ở 2 địa phương trên, có 1 thí sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp THPT, 13 thí sinh không có tên trong danh sách trúng tuyển đại học, cao đẳng, còn lại 1 thí sinh đã nhập học vào Học viện An ninh năm 2017.

Hiện có 82 thí sinh đã nhập học vào trường đại học, cơ sở giáo dục trong cả nước sau khi chấm thẩm định đã bị các trường buộc thôi học. Riêng 12 thí sinh có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển đang được các trường cho tiếp tục theo học.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, sau chấm thẩm định, tại Hà Giang, có 39 thí sinh đã nhập học và hiện đang học tại các trường đại học, cao đẳng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định, khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu người nào trong số các sinh viên đang học tại các trường đại học, cao đẳng trên tham gia vào quá trình gian lận thi cử là sẽ xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Ngay cả những người làm trong ngành giáo dục nếu có liên quan đến vi phạm cũng sẽ xử lý nghiêm để làm gương.

“Khi cơ quan điều tra có kết luận thì căn cứ vào đó để xử lý theo quy định, nhưng trước hết phải đưa ra khỏi ngành”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ.

Theo VietNam net