Các nước tính điểm ưu tiên thế nào?

0
1478

Quy định cộng điểm ưu tiên của Bộ GD-ĐT đang gây tranh cãi sau khi đợt xét tuyển ĐH vừa qua nhiều thí sinh điểm cao nhưng bị rớt vì không có điểm ưu tiên. Ở nước ngoài, chính sách điểm ưu tiên ra sao?

ĐH Quốc gia Úc (ANU) có chương trình cộng điểm ưu tiên cho những học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc gia, hoặc các thí sinh vượt khó. Số điểm cộng thêm cao nhất là 10 (5 điểm học thuật, 5 điểm hoàn cảnh) trên thang điểm 100.

Mỗi môn thi hoặc hoàn cảnh khó khăn tương ứng với số điểm cộng khác nhau.  Cụ thể: hóa học, vật lý: 2 điểm; âm nhạc: 5 điểm; ngoại ngữ: 5 điểm; toán: 5 điểm… Khó khăn tài chính: 2-5 điểm; lục đục gia đình: 5 điểm; người tị nạn: 5 điểm…

Tuy nhiên, để hưởng chính sách ưu tiên của ANU, ngoài việc đạt vị trí cao trong kỳ thi xếp hạng ATAR, thí sinh phải nộp đơn đăng ký và phỏng vấn thành công.

Điểm nổi bật của chính sách ưu tiên dân tộc ít người trong kỳ thi ĐH tại Trung Quốc (Gaokao) nằm ở chỗ: cả thí sinh thiểu số làm bài thi chữ Hán, và thí sinh người Hán làm bài thi sử dụng ngôn ngữ dân tộc đều được cộng điểm.

Theo quy định mới năm 2015, nếu có cha hoặc mẹ thuộc 11 cộng đồng thiểu số, bao gồm Mông Cổ, Cáp Tát Khắc và Duy Ngô Nhĩ, thí sinh sẽ được cộng 50 điểm.

Các thí sinh dân tộc ít người không thuộc danh sách 11 cộng đồng nói trên, khi làm bài thi ngữ văn Trung Hoa, được cộng 10 điểm (Gaokao sử dụng tổ hợp “3+X”, tổng điểm 750: ba môn bắt buộc văn, toán, ngoại ngữ chiếm 450 điểm, môn chuyên ngành tự chọn chiếm 300 điểm).

Để hưởng ưu tiên, thí sinh phải theo học và đăng ký thường trú ít nhất 3 năm tại 4 địa khu Vu Điền, Khách Thập, A Khắc Tô, Khắc Tư Lặc Tô thuộc khu tự trị Tân Cương.

Tại Mỹ, do được trao quyền tự chủ tuyển sinh, điểm khuyến khích của các trường ĐH không giống nhau. Tuy nhiên, mức độ ưu tiên sắc tộc thường được sắp xếp tương tự tiêu chuẩn ĐH Princeton như sau: người Mỹ gốc Phi – cộng 230 điểm; người gốc Tây Ban Nha – cộng 185 điểm trên tổng 1.600 điểm, theo thang điểm mới kỳ thi SAT từ sau tháng 1-2016.

Mặc dù không có chính sách ưu tiên rõ rệt, vào mùa tuyển sinh hằng năm, Thái Lan vẫn cho phép các trường nhận thí sinh cử tuyển. Trường hợp này thường là những học sinh vùng sâu vùng xa, thuộc cộng đồng người thiểu số, cần học cao để quay về đóng góp cho quê hương…

TTO