Các trường sẽ chủ động hơn?
Nếu như trước đây, các trường CĐ xét tuyển trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến hết tháng 11 theo quy chế tuyển sinh do Bộ GD-ĐT ban hành thì tại dự thảo mới này, các trường CĐ có thể tổ chức một hoặc nhiều đợt tuyển sinh bắt đầu từ ngày 1.1 và kết thúc chậm nhất trước ngày 31.12 hằng năm.
Theo tiến sĩ Đào Khánh Dư, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, việc tuyển sinh quanh năm chỉ có ý nghĩa với một số trường khó tuyển sinh. Nhưng đối với một số trường có truyền thống tuyển sinh tốt trong nhiều năm qua, thì chỉ cần trong đợt tuyển sinh đầu tiên của tháng 8 là đã đủ vài ngàn chỉ tiêu.
Đối với các trường ngoài công lập, việc kéo dài tuyển sinh từ đầu năm đến cuối năm có thể sẽ tăng được một số chỉ tiêu nhưng sẽ rất khó khăn trong việc tổ chức chương trình học. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, cho biết: “Tuyển sinh quanh năm sẽ làm phân tán số lượng người học và chương trình học. Vẫn phải quy định một khoảng thời gian nhất định để tập trung người học, mới có thể tổ chức được khóa học, học kỳ. Nếu phân tán sẽ rất khó để mở lớp. Theo tôi, vẫn nên chỉ tập trung vào 2 đợt xét tuyển sau kỳ thi THPT quốc gia cho thống nhất và chặt chẽ”.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Lê Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề TP.HCM, việc này sẽ giúp các trường chủ động hơn. “Trường chúng tôi vẫn tuyển quanh năm và vẫn có cách để tổ chức lớp học. Khi nào học sinh cần, muốn học nghề là chúng tôi xét vào, đáp ứng nhu cầu của các em. Đặc thù của trường nghề là như vậy và nên như vậy”, ông Bình nhận định.
Nhiều phương thức xét tuyển
Về cơ bản, dự thảo quy chế tuyển sinh CĐ, trung cấp vẫn quy định các trường có thể tuyển sinh theo các phương thức xét kết quả THPT quốc gia, xét điểm học bạ hoặc tổ chức thi tuyển.
Đại diện một số trường cho biết để tránh xáo trộn, sẽ vẫn giữ phương thức tuyển sinh như năm 2016 và sẽ đảm bảo thực hiện đúng quy chế mới của Bộ LĐ-TB-XH. Tiến sĩ Đào Khánh Dư cho biết: “Trường sẽ vẫn xét tuyển theo kết quả THPT quốc gia như năm trước, vào thời điểm sau kỳ thi quốc gia. Riêng bậc trung cấp thì linh động hơn, có thể kéo dài thời gian tuyển sinh”. Đối với Trường CĐ nghề TP.HCM, trường tiếp tục xét tuyển điểm học bạ THPT và trường sẽ vẫn xét tuyển quanh năm.
Các trường có ngành năng khiếu sẽ xét tuyển kết hợp với thi.
Bà Trương Nguyễn Ánh Nga, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghệ thuật TP.HCM, cho hay trường tiếp tục vừa xét THPT quốc gia vừa kết hợp thi tuyển đối với các ngành năng khiếu. Ông Đàm Hoàng Long, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM, chia sẻ: “Trường sẽ tổ chức thi năng khiếu cho 4 ngành gồm: mỹ thuật, âm nhạc, mầm non và giáo dục đặc biệt. Tuy nhiên, có thể sang năm trường sẽ xây đựng đề án tuyển sinh riêng, theo đó có ngành xét 100% chỉ tiêu theo điểm THPT quốc gia, có ngành vừa xét học bạ vừa xét điểm quốc gia và kết hợp thi tuyển”.
Theo Mỹ Quyên
|