Các trường Đại học làm thế nào để đảm bảo chất lượng đầu vào?

0
2597

Những gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 được báo chí đưa tin gần đây khiến dư luận lo ngại về chất lượng đầu vào của các trường đại học.

Các trường Đại học làm thế nào để đảm bảo chất lượng đầu vào?

Trong thời gian qua, dư luận đang rất quan tâm đến những thông tin liên quan đến việc gian lận sửa điểm thi THPT quốc gia năm 2018 tại một số tỉnh thành. Nhiều ý kiến lo ngại rằng liệu chất lượng đầu vào của các trường đại học có bị ảnh hưởng không?

Chất lượng đầu vào của các trường Đại học có bị ảnh hưởng?

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, ​​​​nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói: Các trường vẫn có thể lấy kết quả từ kỳ thi THPT Quốc gia. Bởi hiện nay, các trường đại học đã có quyền tự chủ. Vậy, tuyển sinh theo hình thức nào là quyền của các trường.

Thầy Nhĩ lý giải: “Chức năng của các trường đại học là sử dụng nguồn nguyên liệu để làm ra các sản phẩm cho xã hội. Cũng giống như các nhà máy tìm nguyên liệu liệu để sản xuất hàng hóa. Tôi tin, các trường đại học đều biết cách tìm cho mình được “nguyên liệu” tốt. Ngoài việc căn cứ vào điểm thi THPT Quốc gia, còn có thể căn cứ vào kết quả thí sinh học THPT, căn cứ vào việc trường đang ở top nào, chỉ tiêu tuyển sinh là bao nhiêu?”.

“Nếu chỉ tiêu là 1.000 sinh viên, trường có thể tuyển 1.200 và thực hiện sàng lọc qua các năm, chứ không nhất thiết phải áp dụng kỳ thi “3 chung” như trước đây. Đương nhiên, tuyển sinh cũng phải dựa trên sự giám sát của Bộ GD&ĐT để tránh tình trạng các trường top dưới tuyển sinh theo kiểu “vơ bèo, vặt tép”” – thầy Nhĩ nói.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cũng hiến kế: “Những năm tới, khi tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia, tôi nghĩ phải chú ý hoàn thiện qua từng năm, dựa vào 3 khâu.

Thứ nhất là khâu ra đề. Bộ GD&ĐT nên xem xét ra đề thế nào để phân loại được học sinh, đạt được phổ điểm chuẩn như quốc tế, đảm bảo có khoảng 10% học sinh xuất sắc, 25% giỏi, 25% khá, 30% trung bình, 10% yếu kém.

Thứ hai, tổ chức kỳ thi giao cho các địa phương nhưng phải có đánh giá qua các năm. Mạnh dạn giao cho các địa phương tuân thủ đúng quy chế thi, còn những địa phương đã có sai phạm thì tăng cường kiểm tra, giám sát. Không cần làm tràn lan, huy động nhiều lực lượng theo kiểu bình quân chung gây tốn kém cho xã hội.

Thứ ba, phải bảo quản một cách nghiêm ngặt bài thi, máy móc chấm thi, kể cả lựa chọn con người để bảo đảm bảo mật tốt nhất. Chấm tự luận cần có “ba-rem” chi tiết, không có kiểu người chấm thế này, người chấm thế kia để tránh thiệt thòi cho thí sinh”.

​​​Về vấn đề này, chính PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng khẳng định. Chất lượng đầu vào thí sinh của ĐH Bách Khoa không bị ảnh hưởng.

Bởi theo ông Sơn: Hiện nay, các trường đại học đang có quyền tự chủ tuyển sinh, nên trường nào muốn tuyển sinh, hay muốn xét tuyển đều có quyền tự quyết định. Có điều các trường có muốn tổ chức hay không?

“Còn việc những sai phạm trong kỳ thi vừa qua, có ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh vào các trường đại học hay không? Tôi khẳng định riêng ĐH Bách khoa không bị ảnh hưởng. Bởi ĐH Bách khoa Hà Nội có môi trường đào tạo, sàng lọc hết sức khắc nghiệt. Nếu bạn nào không có thực lực thì sau khi vào trường, học một thời gian sẽ bị đào thải” – ông Sơn khẳng định.

Điểm thi chỉ phản ánh một phần năng lực của thí sinh

Điểm thi chỉ phản ánh một phần năng lực của thí sinh.

Ông Sơn cũng lý giải: Các trường đại học không nhất thiết phải lấy kết quả thi THPT Quốc gia để tuyển sinh mà chỉ dựa vào điểm thi THPT làm cơ sở để tham khảo, xét tuyển, hoặc các trường cũng hoàn toàn có quyền đưa ra những hình thức bổ sung, để có thể có đầu vào tin cậy hơn.

Thực tế cho thấy, điểm thi chỉ là một phần, không thể hiện hết được năng lực của thí sinh, nên nếu trường đại học nào thấy không đáng tin cậy thì có thể tổ chức một kỳ thi sát hạch khác. Đó là quyền của các trường.

Ông Sơn đề xuất: “Mỗi năm, các trường đại học cần sàng lọc sinh viên. Tôi nghĩ, hiện tại nhiều trường đã làm tốt vấn đề này rồi nhưng chưa phải tất cả. Nếu trường nào cũng tổ chức tuyển sinh chặt chẽ, nghiêm túc, có sàng lọc tốt thì tự nhiên thi cử không còn nặng nề và tiêu cực trong thi cử chắc chắn cũng sẽ giảm đi”.