Những ngày này, các trường ĐH trên cả nước liên tục thông tin về các phương án tuyển sinh năm 2020. Đáng chú ý, số phương thức tuyển sinh của các trường có xu hướng năm sau nhiều hơn năm trước.
Nếu như năm trước, một trường có số phương thức tuyển sinh là 6 được xem là “đỉnh” thì năm nay, số trường có số lượng phương thức tuyển sinh “đỉnh” kiểu này đã nhiều hơn.
Ước tính, có khoảng hơn 10 phương thức tuyển sinh khác nhau được các trường áp dụng. Không chỉ xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia, xét tuyển học bạ… nhiều trường còn sử dụng các phương thức kết hợp khác, trong đó đáng chú ý là tổ chức thi riêng, đánh giá năng lực.
Nhiều phương thức tuyển sinh tạo thuận lợi cho thí sinh vì sẽ có thêm nhiều cơ hội trúng tuyển, giúp trường có cơ hội lựa chọn thí sinh phù hợp với chương trình đào tạo của mình. Về mặt lý thuyết là thế, tuy nhiên thực tế cho thấy, mục tiêu chính của đa dạng phương thức tuyển sinh ở không ít trường vẫn là … giúp các trường “tận thu” nguồn tuyển.
Từ mùa tuyển sinh năm ngoái, số trường sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực rộ lên khá nhiều. Ước tính số lượt thí sinh tham gia dự thi và xét tuyển theo phương thức này đứng thứ ba sau hai phương thức xét tuyển phổ biến nhất là dựa trên kết quả thi THPT quốc gia và xét học bạ.
Nhiều chuyên gia về tuyển sinh bày tỏ nghi ngại một số trường sử dụng kết quả hoặc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực nhằm “lách rào” để tận dụng nguồn tuyển, nhất là đối với khối ngành sức khỏe. Bởi hiện nay, đối với phương thức xét kết quả Kỳ thi THPT quốc gia, điểm sàn xét tuyển vẫn áp dụng với khối ngành sư phạm và sức khỏe; xét tuyển bằng kết quả học bạ cũng có sàn riêng. Nhưng, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực hiện chưa có mức sàn nào!
Dĩ nhiên tuyển đủ thí sinh là nhiệm vụ rất quan trọng với các trường đại học, bởi nếu không đạt đủ chỉ tiêu tuyển, bài toán tài chính của các trường sẽ rất khó cân đối. Tuy vậy, bên cạnh việc tuyển đủ, câu chuyện tuyển đúng cần phải tính toán cặn kẽ. Bởi nếu không tuyển đúng, việc thí sinh không theo kịp chương trình, bỏ dở dang việc học giữa chừng sẽ gây lãng phí thời gian, tiền bạc rất nhiều, cho cả thí sinh, nhà trường và xã hội.
Mặt khác, mặc dù việc ĐH xét tuyển đầu vào rộng rãi theo hình thức ghi danh, quan tâm quá trình đào tạo và xiết đầu ra đã được nhiều nước áp dụng và đang được quan tâm ở Việt Nam, thì chí ít với các ngành nghề đặc thù như y dược, kiến trúc sư, sư phạm…, các trường ĐH định hướng nghiên cứu, vẫn cần tuyển đúng.
Đặt nặng phần tuyển đủ hơn tuyển đúng, điều này có thể giải quyết yêu cầu trước mắt, tháo gỡ bài toán thu học phí cho các trường. Thế nhưng, theo các chuyên gia giáo dục ĐH, cách làm này rất không có lợi cho quá trình phát triển.
Thực tế cho thấy có một số trường dù đưa ra rất nhiều phương thức tuyển sinh để vét thí sinh, thì cũng chỉ tuyển được dưới 50% chỉ tiêu, bởi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển chỉ có vài trăm hoặc vài chục thí sinh đăng ký. Điều này cho thấy không phải cứ nhiều phương thức tuyển sinh là “vét” được thí sinh, mà căn cốt vẫn là chất lượng đào tạo, uy tín của nhà trường. Bởi thí sinh hiện đã thông minh hơn rất nhiều!