Cán bộ coi thi, chấm thi THPT quốc gia 2019 phải đạt tiêu chí nào?

0
1257

Theo quy định mới, năm nay các trường đại học sẽ cử cán bộ coi và chấm thi. Quy định này khiến nhiều người quan tâm tới tiêu chí để được làm cán bộ coi, chấm thi THPT quốc gia năm nay.

Chọn người có kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm cao

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, năm nay Bộ GDĐT giao cho trường coi và chấm thi tại tỉnh Thanh Hoá thay vì Hà Nội như năm ngoái.

“Trường Bách Khoa hiện có khoảng 1.100 giảng viên, tiêu chí để được chọn đi coi thi, chấm thi tại Thanh Hoá phải là giảng viên. Ngoài ra, người coi thi, chấm thi phải không có con dự kỳ thi năm nay; không trong thời gian đi công tác và không trong thời gian điều trị bệnh. Những người làm công việc hành chính tại trường nếu được điều động sẽ chỉ làm công việc trợ giúp, không tham gia coi và chấm thi”, PGS Tớp thông tin.

Phó Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa nhấn mạnh, ngoài việc đáp ứng những tiêu chuẩn theo quy định của Bộ, những người tham gia coi thi, chấm thi mà trường chọn bắt buộc phải là những người có tinh thần trách nhiệm cao.

PGS.TS Lưu Văn An – Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng cho biết, tiêu chí lựa chọn cán bộ coi thi, chấm thi năm nay đầu tiên phải là những người có tinh thần trách nhiệm cao và có kinh nghiệm trong việc coi thi, chấm thi.

“Năm 2018, trường được giao coi thi tại Lạng Sơn với khoảng 200 cán bộ. Năm nay, trường được giao coi và chấm thi tại Sơn La. Hiện vẫn chưa rõ số lượng cán bộ sẽ đi coi thi và chấm thi năm nay, nhưng trường đã cử người đi tập huấn để chuẩn bị”, PGS An thông tin.

“Chưa biết hay dở thế nào”

GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá việc để các trường đại học coi thi và chấm thi thay vì giao cho địa phương như năm ngoái, vẫn “chưa biết kết quả hay dở thế nào”.

Vì theo vị GS này, muốn biết kết quả hay dở thế nào, “trước tiên phải thử, ít nhất là 1 lần”, nếu kết quả các trường đại học coi và chấm thi tốt hơn để trường phổ thông chấm thì mới áp dụng, “tuy nhiên đây cũng không phải là biện pháp căn cơ để chống gian lận.

Ông Dong nhấn mạnh, để giải quyết được gian lận trong các kỳ thi thì “vấn đề cuối cùng nằm ở con người”. Có thể Bộ GDĐT đã có những biên pháp chống gian lận trong kỳ thi năm nay, nhưng nếu người thực hiện các khâu trong kỳ thi “vẫn còn lòng tham” thì không bao giờ hết được gian lận.

Theo PGS Dong, tất cả các biện pháp chống gian lận được đưa ra đều sẽ có cách đối phó, mà vấn đề con người tại thời điểm này “lại khó giải quyết”.