Cần tính đến phương án dừng thi THPT

0
2845

“Tinh giản chương trình là không được cắt cơ học; dạy học trên truyền hình, dạy học trực tuyến vẫn không thể thay thế được dạy học trực tiếp đối với bậc phổ thông; Bộ GD&ĐT cần tính đến phương án không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường”.

Không tinh giản bằng cách cắt cơ học chương trình

Ông Thắng nói: “Trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay, tinh giản chương trình là việc bất khả kháng, không thể tránh, vì chưa biết chính xác khi nào học sinh có thể quay lại trường để học bình thường. Điều này buộc ngành giáo dục nói riêng và cả xã hội phải có thích ứng kịp thời”.

Theo ông, vậy tinh giản thế nào?

Hiện có 2 quan điểm. Thứ nhất là cắt cơ học một số môn hoặc một số phần kiến thức mỗi môn. Học gì thi đấy. Thứ hai là dựa vào chương trình tổng thể, cắt giảm những phần bổ trợ, phần phụ hoặc những môn có thể cắt. Những môn chính phải tổ chức lại cách dạy để đảm bảo được yêu cầu học sinh có đủ trình độ để lĩnh hội kiến thức ở kỳ học sau.

Quan điểm cá nhân, tôi ủng hộ phương án 2 hơn. Vì khi thiết kế chương trình bất cứ môn học nào đều có tính liên tục, nối tiếp giữa lớp trước với lớp sau. Nếu cắt một cách cơ học thì rõ ràng có những phần kiến thức bị mất gây khó khăn cho học sinh khi lĩnh hội kiến thức ở phần sau. Tuy nhiên, việc tinh giản tốt nhất vẫn là dung hòa cả hai phương án. Những môn chung, không phải là kiến thức phổ thông nền tảng thì có thể bỏ ở học kỳ này. Đến năm học sau có thể tích hợp lại dạy cho học sinh để đảm bảo kiến thức có tính tổng thể. Còn những môn cơ bản, nhất là đối với lớp 12, phải tinh giản và tích hợp. Tinh giản là lược bỏ bớt những nội dung có thể tinh giản.

Tích hợp ở đây được hiểu là trong mỗi môn, có thể tích hợp kiến thức một phần, một chương lại để hướng dẫn học sinh nắm được những vấn đề cơ bản nhất của phần, chương đó. Việc này phải đảm bảo 2 yêu cầu: đủ kiến thức nền tảng để có thể học phần sau; học sinh lớp 12 tham gia kỳ thi THPT quốc gia sẽ không bị hổng kiến thức. Cách làm này sẽ không mất quá nhiều thời gian; đồng thời, phù hợp với tình hình thực tế khi có thể thời gian học tập trung của học kỳ 2 sẽ còn rất ít.

Giải pháp được Bộ GD&ĐT đưa ra hiện nay là học trực tuyến, học trên truyền hình. Ông có cho rằng điều này sẽ giải quyết được vấn đề trang bị đủ kiến thức cho học sinh trong khi thời gian học tập trung còn quá ít?

Tôi cho rằng, thời gian còn lại của học kỳ II vẫn phải tổ chức cho học sinh học tập trung. Vì điều kiện kinh tế xã hội hiện nay của các vùng miền, địa phương không giống nhau. Việc học trực tuyến, thậm chí học qua phương tiện nghe nhìn cũng không thể thực hiện được 100% các trường trên toàn quốc. Có những trường, điểm trường thậm chí chưa có điện, không có sóng truyền hình, không có internet thì kể cả việc học trên truyền hình cũng không thực hiện được. Học trực tuyến là một xu hướng tất yếu nhưng xu thế này chỉ áp dụng được ở phạm vi nhất định, chủ yếu là các vùng đô thị. Các vùng khó buộc vẫn phải học trực tiếp. Ở những vùng này, trong bối cảnh hiện nay phải tính toán có được chương trình tối giản nhất.

Nguyên tắc chung vẫn là học gì thi nấy và chương trình, kiến thức phổ thông là đồng đều. Trên cơ sở giảm tải tổng thể ở phạm vi cả nước, dù học sinh ở vùng khó hay thuận lợi đều được học như nhau, phải đạt được một chuẩn chung như nhau; địa bàn thuận lợi thì học sinh được mở rộng kiến thức. Do đó, có thể nói vùng khó, học sinh có bị ảnh hưởng tới tiếp nhận kiến thức, nhưng không quá nhiều. Thầy cô ở vùng này nên hướng dẫn học sinh tự học.

Có thể tính đến xét tốt nghiệp

Trước diễn biến của dịch COVID-19 như hiện nay, có ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT không nên tổ chức thi THPT quốc gia năm 2020? Quan điểm của ông thế nào?

Hiện nay, theo luật là phải thi. Nhưng trong điều kiện bất khả kháng, Chính phủ có thể đề nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội riêng năm nay có thể không thi; có thể xét tốt nghiệp THPT dựa trên kết quả cả quá trình học của học sinh. Bộ GD&ĐT cũng phải tính đến phương án này. Về cơ bản, nếu làm đồng đều thì tính liên tục đồng nhất trong hệ thống vẫn được đảm bảo. Hiện nay, phần lớn các trường ĐH, CĐ căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển. Giả sử xét tốt nghiệp thì đây cũng là một căn cứ để các trường xét tuyển sinh.

Nếu không thi THPT quốc gia, giả sử các trường có phương án thi riêng, liệu có xảy ra tình trạng “vỡ trận” không?

Đặt vấn đề như thế cũng có yếu tố hợp lý. Nhưng ở khía cạnh khác thì đây là cơ hội để các trường thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh. Quyền tự chủ này đã được trao lâu rồi nhưng dường như các trường vẫn chưa phát huy được hết quyền chủ động tuyển sinh.

Với tình hình dịch bệnh thì cả trường ĐH và thí sinh đều bị động. Nhưng bối cảnh hiện nay là bất khả kháng. Vấn đề là chọn giải pháp nào để cả hệ thống vẫn vận hành và giảm thiểu rủi ro cho thí sinh. Tôi nghĩ có khi các trường cũng chưa có phương án. Nên các trường cũng không chủ động hơn thí sinh bao nhiêu. Nhưng khi áp dụng đồng loạt một phương thức nào đó thì cơ bản vẫn đảm bảo công bằng giữa tất cả các thí sinh cùng thi năm nay. Dù sao thì các trường và ngành giáo dục phải cân nhắc điều này.

Cảm ơn ông!

Theo Báo Tiền Phong