Cao 1,50m mới được làm thầy, giáo viên chứ đâu phải diễn viên?

0
1443

Cần có những giải pháp gì hay hơn để thu hút nhân tài chứ không phải nâng cao hình ảnh của nghề giáo là chọn dàn chân dài vào đứng lớp’.

Đó là ý kiến của cô giáo Huỳnh Thị Trang – giáo viên đang công tác tại một trường THCS ở TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam ngay sau khi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM công bố quy định nữ cao 1,50m, nam 1,55m trở lên mới được xét tuyển vào sư phạm trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2019.

Học sinh tham dự Ngày mở tư vấn hướng nghiệp – tuyển sinh năm 2019 tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – Ảnh: TRẦN HUỲNH

“Tuyển giáo viên mà chọn ngoại hình là thua rồi!”

Theo cô giáo Huỳnh Thị Trang, quy định thí sinh phải có chiều cao mới được xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên là vô lý. Cô Trang cho biết thêm không riêng cô mà nhiều giáo viên khác khi biết thông tin này cũng bất ngờ và chỉ biết “cười”.

“Giáo viên chứ đâu phải diễn viên, quân đội, công an gì đâu mà đưa ra yêu cầu phải đạt chuẩn chiều cao? Dĩ nhiên thầy cô giáo đẹp cũng là một ưu thế khi đứng lớp nhưng đó không phải là điều kiện cần.

Hình ảnh người giáo viên là ở bài giảng, ở phẩm chất đạo đức. Thật sự, bản thân tôi tự thấy mình xấu hoắc nhưng tôi luôn tự tin với năng lực của mình. 32 năm đứng lớp tôi vẫn có nhiều ấn tượng với nhiều thế hệ học sinh”, cô Trang nói.

Đồng thời, cô giáo Trang còn cho rằng: “Hình ảnh của người giáo viên nhân dân cần được hiểu theo nghĩa ẩn dụ. Đẹp người chưa hẳn đẹp nết đâu. Xưa nay, nghề giáo vừa nghèo vừa khó. Chỉ có những người có tâm mới đến với nghề.

Thiết nghĩ xã hội phải có những giải pháp gì hay hơn để thu hút nhân tài chứ không phải nâng cao hình ảnh của nghề giáo là chọn dàn chân dài vào đứng lớp”.

Cùng quan điểm với cô Trang, thầy giáo Lưu Văn Tùng – giáo viên một trường THPT ở Quảng Nam, cũng cho rằng đối với nghề giáo, việc đưa ra yêu cầu ngoại hình là không cần thiết.

“Thực tế hiện nay có không ít giáo viên không đủ điều kiện về chiều cao như quy định của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vừa công bố nhưng họ là những giáo viên có năng lực, được học trò yêu mến”, thầy Tùng nói.

Ở góc độ phụ huynh, bà Bùi Thị Nhàn, TP Quảng Ngãi, cũng không ủng hộ việc quy định điều kiện về chiều cao trong xét tuyển vào ngành đào tạo giáo viên.

“Con gái tôi năm nay thi đại học và cháu có nguyện vọng vào ngành sư phạm văn. Tuy nhiên, hôm qua đến nay cháu rất buồn khi đọc được thông tin về điều kiện tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM… vì không đủ điều kiện về chiều cao.

Theo tôi, tuyển sinh vào ngành giáo viên chỉ cần tuyển chọn được những thí sinh yêu thích nghề giáo, học giỏi là đủ rồi”, bà Nhàn bày tỏ.

Học sinh… buồn

Trong khi đó, nhiều học sinh ở TP.HCM tỏ ra không quan tâm nhiều đến điều kiện chiều cao của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, mà chỉ cho rằng việc nhà trường công bố điều kiện trên khi chỉ còn hơn một tháng nữa là nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển là chưa hợp lý. Nếu nhà trường công bố sớm hơn các quy định này này trước 1-2 năm sẽ phù hợp hơn.

Mỹ Dung – học sinh Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM, nói: “Theo em biết nhiều bạn cùng khóa không chọn ngành sư phạm mà chọn những ngành khác hấp dẫn hơn. Hơn nữa, các bạn trong trường em cũng như phần lớn bạn ở các trường khác ở TP.HCM hiện đều không thấp… thậm chí có bạn khá cao, không hiếm bạn nữ cao từ 1,65m, nên tụi em cũng không quan tâm đến tiêu chí này”.

Một nhóm học sinh Trường THPT Hùng Vương (TP.HCM) thì cười nói: “Hiện nay, bạn nào học lớp 12 ở thành phố mà chiều cao chưa tới 1,5m là thuộc dáng quý hiếm rồi…”.

Tuy nhiên, nhiều học sinh ở các tỉnh lại tỏ ra lo lắng và thất vọng với quy định trên của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Học sinh Hoàng Mai Trúc ở Quảng Trị chia sẻ: “Năm nay em thi và dự tính đăng ký vào ngành sư phạm lý. Hôm qua đọc thấy thông tin tuyển sinh sư phạm yêu cầu về chiều cao được nhiều bạn chia sẻ trên Facebook mà thấy lo quá.

Em dự tính đăng ký vào Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế, nhưng không biết trường này có quy định như vậy không. Không chỉ riêng em mà rất nhiều bạn cùng trường yêu thích nghề sư phạm cũng lo vì không đủ chiều cao”.

Nữ sinh Lê Ái Mỹ, tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết đang có nguyện vọng xét tuyển vào ngành giáo dục tiểu học của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhưng với quy định trên của nhà trường, em phải đổi ngành khác.

Theo Ái Mỹ, hiện nay mặc dù điều kiện kinh tế của đất nước đã phát triển hơn trước, đặc biệt ở các thành phố lớn, dinh dưỡng đã tốt hơn trước, nhiều học sinh có chiều cao tốt hơn. Nhưng ở nhiều vùng quê nghèo thể chất của học sinh vẫn còn thấp bé.

“Hiện có nhiều học sinh nghèo yêu và chọn ngành sư phạm. Hầu hết các học sinh này đều học rất giỏi nhưng với quy định đủ chiều cao mới được vào sư phạm thực sự dập tắt ước mơ của các bạn này”, Ái Mỹ nói.

Theo Tuổi Trẻ