Chấm thi THPT quốc gia 2019: Nhanh nhưng không vội

0
1517
Với số lượng bài thi tự luận lớn nhất cả nước, mỗi giám khảo chấm tự luận ở Hà Nội sẽ phải hoàn thành chấm thi 60 bài/ngày. Thứ trưởng GD-ĐT lưu ý ‘không đặt mục tiêu chấm nhanh, mà đặt mục tiêu chấm chắc và đúng quy chế’.

Theo một số giáo viên tại Hà Nội, mỗi giám khảo chấm tự luận sẽ phải hoàn thành chấm thi 60 bài/ngày – Ảnh: VĨNH HÀ

Không đặt mục tiêu chấm nhanh, mà đặt mục tiêu chấm chắc và đúng quy chế. Phải đảm bảo quyền lợi cho thí sinh chứ không phải chấm nhanh cho xong khối lượng được “giao khoán”.

Hôm qua 30-6, hội đồng chấm thi THPT quốc gia ở nhiều địa phương trên cả nước bắt đầu ngày chấm đầu tiên với bài thi tự luận và tiến hành quét bài thi trắc nghiệm.

Theo ông Mai Văn Trinh – cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, năm nay cùng với việc hoàn thiện, nâng cao phần mềm chấm thi, quy trình chấm thi trắc nghiệm có những điều chỉnh.

Cụ thể, việc quét bài thi sẽ thực hiện theo từng lô, tương ứng với phòng thi. Cán bộ chấm thi sẽ làm cuốn chiếu xong lô nào, niêm phong bài thi gốc mới chuyển sang lô tiếp theo. Với cách làm này, các cán bộ chấm thi cho biết có thể lâu hơn so với năm trước, nhưng đảm bảo an toàn, chính xác.

Phải chắc và đúng

Theo ông Phạm Văn Đại – phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, trưởng ban chấm thi Hà Nội, để đảm bảo tiến độ chấm thi, Hà Nội huy động 519 cán bộ chấm của địa phương và trường ĐH, trong đó có 58 người thuộc tổ chấm kiểm tra dự kiến sau 7 ngày sẽ chấm xong bài thi tự luận.

Với số lượng bài thi tự luận lớn nhất cả nước, mỗi giám khảo chấm tự luận ở Hà Nội sẽ phải hoàn thành chấm thi 60 bài/ngày. Đây là áp lực lớn đối với giám khảo trong những ngày thời tiết nắng nóng nhất.

Ngày 30-6, hội đồng chấm thi tự luận tại Hà Nội đã tiến hành chấm chung vào buổi sáng. Những bài thi được rút ngẫu nhiên từ các túi bài thi sẽ được các giám khảo có kinh nghiệm chấm. Chiều 30-6, sau khi chấm chung xong, kết quả chấm vòng 1 và 2 được ghi lại để so sánh, hội đồng chấm tự luận sẽ thảo luận dựa trên kết quả chấm chung.

Việc thảo luận nhằm đi đến thống nhất hướng chấm, nhất là ở các câu, phần làm bài của thí sinh mà giám thị còn có quan điểm chấm khác nhau. Việc thảo luận cũng là một cách cụ thể hóa hướng dẫn chấm của Bộ GD-ĐT, giải đáp những thắc mắc của giám khảo khi nghiên cứu hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ và đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ GD-ĐT cũng có mặt tại buổi chấm chung của giám thị trong hội đồng chấm thi tự luận. Ông Độ lưu ý với hội đồng chấm thi Hà Nội “không đặt mục tiêu chấm nhanh, mà đặt mục tiêu chấm chắc và đúng quy chế”.

Ông Độ cũng nhắc nhở các tổ trưởng chấm thi tự luận cố gắng để hạn chế việc vênh điểm nhiều giữa hai giám khảo chấm hai vòng độc lập. Tuy nhiên, khi trường hợp này xảy ra thì bắt buộc phải đối thoại giữa hai giám khảo chấm, thống nhất trong tổ chấm thi để có kết quả sát với bài làm của thí sinh nhất.

Hội đồng chấm thi trắc nghiệm của Hà Nội năm nay huy động 70 người – gấp đôi năm 2018, bao gồm người chấm, bộ phận thanh tra, giám sát, an ninh. Ngày 30-6, hội đồng chấm thi trắc nghiệm của Hà Nội bắt đầu triển khai quét bài thi, dự kiến hôm nay 1-7 quét bài xong.

Đảm bảo quyền lợi thí sinh, không phải “giao khoán”

Chấm thi THPT quốc gia 2019: Nhanh nhưng không vội - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ trao đổi với hội đồng chấm thi tại Hà Nội – Ảnh: VĨNH HÀ

Từ ngày 29-6 đến hết tuần đầu tiên của tháng 7, lãnh đạo Bộ GD-ĐT và lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT lần lượt đi kiểm tra trực tiếp việc chấm thi ở nhiều địa phương. Trong ngày 29-6, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và Cục trưởng Mai Văn Trinh cũng đã đi kiểm tra tại Thái Bình.

Theo trưởng ban chấm thi tự luận ở Thái Bình, Sở GD-ĐT huy động 160 giáo viên chấm thi cho trên 18.000 bài thi ngữ văn. Như vậy, mỗi giám khảo sẽ chấm khoảng 200 bài thi trong cả đợt. Tiến độ chấm thi tự luận dự kiến trong 7 ngày. Ngày 30-6, giám khảo chấm tự luận ở Thái Bình cũng tiến hành chấm chung, thảo luận trước khi vào chấm chính thức.

Theo một số giám khảo, năm nay họ lo lắng nhiều hơn vì tinh thần siết chặt việc thực hiện quy chế của Bộ GD-ĐT. Một giám khảo ở Thái Bình cho biết 1-2 ngày đầu sẽ chấm chậm hơn vì có thể có những tình huống trong bài làm của thí sinh cần xin ý kiến thống nhất.

Trong buổi khai mạc hội đồng chấm thi tự luận ở Thái Bình vào ngày 29-6, ông Nguyễn Hữu Độ cũng nhấn mạnh việc “nhanh nhưng không vội”, có nghĩa mục tiêu số 1 đặt ra với giám khảo là chấm chính xác, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh chứ không phải chấm nhanh cho xong khối lượng được “giao khoán”.

Ông Mai Văn Trinh đặc biệt lưu ý chung các hội đồng chấm thi tự luận việc thực hiện cách ly bộ phận làm phách, quy trình chấm 2 vòng độc lập, trong đó lưu ý từng quy định nhỏ trong nhiệm vụ của giám thị 1, giám thị 2, việc đối thoại, thống nhất kết quả chấm thi hai vòng, đối chiếu kết quả chấm và dữ liệu nhập lên hệ thống để tránh sai sót.

An tâm hơn với chấm thi trắc nghiệm

Việc chấm trắc nghiệm năm nay giao cho các trường ĐH là một giải pháp mạnh mang lại sự yên tâm cho xã hội. Hiện bộ phận chấm thi của các trường ĐH đã làm việc ở các địa phương. Trường ĐH Hà Nội chấm thi cho Hòa Bình đã cử cán bộ đến từ trước khi kỳ thi diễn ra để rà soát về kỹ thuật với các thiết bị máy móc, đảm bảo không có trục trặc sự cố. Việc bàn giao bài thi, bảo quản và quy trình thực hiện mỗi ngày chấm được tiến hành chặt chẽ hơn so với năm 2018.

Tại Thái Bình, theo bà Đào Thị Thu Giang – phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, trưởng ban chấm thi trắc nghiệm thì ngày 30-6 hội đồng chấm bắt đầu quét bài thi. Dự kiến ngày 5-7 sẽ chấm xong bài thi trắc nghiệm ở tỉnh này.