Để đưa ra quyết định điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đòi hỏi thí sinh phải cân nhắc cẩn trọng vì chỉ có một cơ hội điều chỉnh duy nhất. Vì vậy, dù điểm chuẩn ĐH năm nay dự báo sẽ tăng nhưng có cần điều chỉnh nguyện vọng?
Tra cứu điểm thi THPT quốc gia 2019 TẠI ĐÂY (thí sinh chọn Sở GD-ĐT, nhập số báo danh để xem điểm)
Năm 2019, mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển một lần và chỉ được sử dụng một trong hai phương thức: trực tuyến hoặc bằng phiếu đăng ký xét tuyển. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm nay có 2.575.305 lượt nguyện vọng ĐH.
Đúng ngành, đúng trường thì không cần thay đổi
Theo Bộ GD-ĐT, năm 2018 gần 50% thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. ThS Hoàng Thúy Nga, chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD-ĐT, lý giải nguyên nhân của việc này là do thí sinh chọn ngành không đúng, chọn đại, không tìm hiểu kỹ ngành học nên sau khi thi xong nghĩ lại thấy ngành “lạ” quá nên muốn thay đổi.
“Thí sinh hiện đã biết điểm mình, nên cần suy nghĩ cẩn trọng, coi lần điều chỉnh nguyện vọng này là đăng ký xét tuyển lại. Như vậy thí sinh có thêm thời gian cân nhắc kỹ việc điều chỉnh nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển phù hợp với sở thích của mình.
Thí sinh cần đối sánh điểm của mình với điểm chuẩn năm trước xem mình có cần phải điều chỉnh nguyện vọng hay không. Còn nếu đã xác định đúng ngành, trường mình yêu thích như đã đăng ký trước đây thì không cần điều chỉnh nữa” – bà Nga khuyên.
ThS Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD-ĐT, lưu ý: “Dù không khống chế số lượng nguyện vọng nhưng thí sinh cần sắp xếp thứ tự nguyện vọng các ngành yêu thích lên trước.
Nếu trúng tuyển ở nguyện vọng nào thì thí sinh sẽ phải dừng ở nguyện vọng đó, không có quyền xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo”. (Ví dụ đã trúng tuyển tại nguyện vọng 1 thì không còn nguyện vọng 2, 3; trúng tuyển nguyện vọng 4 thì không có nguyện vọng 5, 6… – PV).
PGS.TS Bùi Hoài Thắng – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho biết nguyên tắc xét tuyển là các nguyện vọng được xét bình đẳng. Vì thế, dù điểm thi khó trúng tuyển vào trường có nguyện vọng cao nhất nhưng không nhất thiết phải đổi nguyện vọng bởi thí sinh sẽ được trường ở nguyện vọng 2 tự động xét tuyển – bình đẳng như thí sinh có nguyện vọng 1, 3, 4… ở trường này.
“Nếu thí sinh đã chọn ngành, trường yêu thích nhất ở nguyện vọng cao nhất thì việc thay đổi nguyện vọng là không cần thiết” – ông Thắng nhấn mạnh.
Chỉ cần đăng ký 4 – 6 nguyện vọng là đủ
Theo ThS Hứa Minh Tuấn – phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – marketing, việc chọn môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia và những ngành nghề để đăng ký phù hợp là điều rất quan trọng với thí sinh.
“Thực tế có thí sinh đăng ký dự thi tổ hợp môn khối C nhưng lại đăng ký xét tuyển vào ngành nghề xét tuyển khối A. Như vậy khả năng trúng tuyển của thí sinh này không cao và sức cạnh tranh sẽ không tốt bằng thí sinh đăng ký tổ hợp môn thi khối A. Vì vậy thí sinh phải xác định rõ thế mạnh, sức học và sở thích của mình để đăng ký dự thi cho phù hợp”, ông Tuấn lưu ý.
Giải thích thêm về quy định trong đăng ký xét tuyển, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM – cho hay thực tế nhiều thí sinh nghĩ rằng cứ đăng ký “thả phanh” nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển.
Tuy nhiên ông Khôi khuyên: “Thí sinh không nên chọn quá nhiều nguyện vọng, chỉ cần 4 – 6 nguyện vọng là đủ. Thí sinh yên tâm chọn những ngành nghề mình thật sự yêu thích để có thể trúng tuyển vào những trường mình mong muốn phù hợp với năng lực của mình”.
Chọn để đậu hay chọn để học?
TS Hồ Thu Hiền – giám đốc Phân hiệu ĐH Quốc gia TP.HCM tại tỉnh Bến Tre – cho rằng nếu chỉ cố để có cơ hội đậu, thí sinh sẽ đăng ký nhiều nguyện vọng, mỗi nguyện vọng vào một ngành khác nhau thì định hướng nghề nghiệp của các bạn sẽ phân tán.
Có thể các bạn sẽ trúng tuyển vào một ngành nào đó nhưng lại không chọn được nghề phù hợp và sớm muộn sẽ thất vọng.Vì thế, trước hết hãy chọn một ngành, nhóm ngành phù hợp với mình và đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhóm ngành đó.