Chi tiền triệu mỗi buổi chạy đua thi IELTS: Lo ngại bất bình đẳng?

0
961

 Với xu hướng tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS, nhiều thí sinh chạy đua học và thi nhằm có trong tay chứng chỉ ngoại ngữ này.

Một vài năm qua, chỉ có một vài trường xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS, song đến năm 2021, qua thống kê, cả nước đã có khoảng hơn 60 cơ sở đào tạo sử dụng các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, SAT,… là tiêu chí để ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng.

Thậm chí, mùa tuyển sinh 2021 vừa qua, những trường đại học top trên có điểm chuẩn cao như Trường Đại học Y Hà Nội, Học viện An ninh Nhân dân,… cũng lần đầu tiên đưa tiêu chí trong xét tuyển.

Chia sẻ với Tiền Phong, Hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội cho hay, ngay tại trường mình, nhiều học sinh tập trung vào thi IELTS.

Tuy nhiên, theo vị hiệu trưởng này, cũng khó trách học sinh bởi năm nay các trường tâm lý thi gì, tuyển sinh bằng gì thì học nấy là tâm lý chung của xã hội.

Năm nay, chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT của nhiều cơ sở giáo dục đại học trong tuyển sinh đã rơi xuống đáy.

Mặt khác, thực tế, nhiều khóa trước nhiều học sinh được tuyển thẳng vì có chứng chỉ tiếng anh này.

Vì theo hiệu trưởng này, thực tế năm ngoái, nhiều thí sinh trong trường đạt 27-28 điểm của trường vẫn không có cơ hội đỗ vào những ngành hot của các trường top đầu.

Chị Nguyễn Quỳnh Hoa (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, vì năm ngoái ở trường con chị học, có học sinh 28,2 điểm vẫn trượt đại học nên năm nay con chị đặt vấn đề sẽ ôn thi chứng chỉ IELTS để “rộng đường” vào đại học.

Khi con nói thời gian còn ít, chỉ mấy tháng để học ôn luyện nên con chị đành chọn hình thức học giáo viên 1 kèm 1, tiền học phí lên tới 1,4 triệu/ buổi.

“Khi con nói tiền học phí thế cũng choáng nhưng nếu thi được chứng chỉ IELTS để rộng cửa hơn vào đại học của con thì tôi cũng cố đầu tư”- chị Hoa cho hay.

Cũng theo chị Thanh Dung (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, đã xác định cho con thi chứng chỉ IELTS để rộng cửa vào đại học. Vì thế, ngay từ lớp 10, chị đã cùng con tìm trung tâm luyện thi IELTS có uy tín.

“Mỗi năm tôi chi ra 80-90 triệu để kịp tăng tốc và cố gắng để đạt số điểm như kì vọng. Dù tốn kém nhưng còn hơn việc các năm trước đạt 27-28 điểm vẫn khóc ròng”- chị Dung cho hay.

Xét tuyển kết hợp IELTS có tạo ra bất bình đẳng?

Ông Đào Tuấn Đạt là giảng viên Vật lý đại cương tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, và phụ trách chuyên môn của trường THPT Anhxtanh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, năm 2021, 30 học sinh( chiếm 10%) học sinh lớp 12 của trường có chứng chỉ IELTS đủ để tuyển thẳng vào các trường.

Ông Đạt cho rằng, phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ giúp đại học có thêm lựa chọn tuyển sinh nhưng gây lo ngại về sự bất bình đẳng giữa thí sinh thành thị và nông thôn vì không phải học sinh nào cũng có điều kiện học được.

Về vấn đề này, thầy Vũ Khắc Ngọc, một giáo viên dạy Hóa của Hà Nội cho rằng, các trường Đại học được tự chủ tuyển sinh nên việc đưa thêm các phương thức tuyển sinh mới, trong đó có xét tuyển kết hợp bằng chứng chỉ IELTS là quyền của các trường.

Thầy Ngọc cho rằng, công bằng mà nói, 1 thí sinh có điểm IELTS cao “nhiều khả năng” sẽ có các yếu tố: có ý thức học tập (không lười), năng lực tiếp thu (không tồi), gia đình có điều kiện kinh tế (không nghèo). Một thí sinh có nền tảng như vậy thì việc học tập và cơ hội công việc sau khi ra trường sẽ không tệ. Có được những thí sinh như vậy rất có lợi cho trường

Tuy nhiên, theo thầy Ngọc, ở cấp độ vĩ mô, xét trên lợi ích chung của xã hội thì việc đổ xô đi học và thi chứng chỉ IELTS không hẳn có lợi. Nó có phần giống với cái “trend” du học tự túc quãng 5-10 năm trước. Lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc cộng gộp lại là rất khổng lồ. IELTS chỉ nên là 1 trong các tiêu chí để xét tuyển với tỷ lệ hạn chế và cho một số ngành học nhất định, có nhiều đặc điểm phù hợp, hơn là mở rộng một cách tràn lan.

“Nhìn rộng ra, không nên lấy năng lực tiếng Anh làm giới hạn cả đầu vào lẫn đầu ra của sinh viên. Nhiều trường hiện nâng chuẩn tiếng Anh đầu ra cho sinh viên lên cao dần. Sẽ có những sinh viên năng lực chuyên môn rất tốt nhưng hạn chế ngoại ngữ (vì nhiều lý do khác nhau) không thể ra trường. Như vậy là rất vô lý”- thầy Ngọc nêu quan điểm.

Cũng theo thầy Ngọc, trong thực tế cuộc sống, ở bất cứ ngành nghề nào, thậm chí là trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bạn sẽ thấy phần lớn mọi người vẫn thực hiện tốt công việc của mình mà không cần thường xuyên sử dụng ngoại ngữ ở trình độ cao.

“Hãy để thực tế nhu cầu sử dụng ngoại ngữ của xã hội điều tiết việc học ngoại ngữ, không nên dùng công cụ hành chính để áp đặt”- thầy Ngọc nói.

Theo Báo Tiền Phong