Chiến lược làm bài thi THPT quốc gia: Bỏ qua câu hỏi nếu 2 phút không xử lý xong

0
1343

Để giúp thí sinh tự tin trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới và đạt kết quả như mong muốn, các giáo viên có kinh nghiệm đưa ra những lưu ý và hướng dẫn cách làm bài trong phòng thi

Những điều nên tránh khi làm bài

Với môn toán, thầy Trần Văn Toàn, Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), lưu ý những điều nên tránh khi bắt đầu bước vào làm bài như: đọc không kỹ đề hoặc nhầm lẫn giữa các khái niệm. Đem kết quả trong trường hợp đặc biệt để kết luận cho trường hợp tổng quát là không đúng. Không đặt điều kiện hoặc đặt điều kiện không đúng dẫn đến thừa hoặc thiếu đáp số.

Về kỹ năng làm bài, theo thầy Toàn, trong 30 câu đầu của đề thi, cần học cách suy luận nhanh để thấy ngay phương án đúng hoặc biết đánh giá câu dẫn để loại bỏ phương án sai. Phần khó rơi vào 20 câu cuối, phần này nên làm thành nhiều lượt và không nên dừng quá lâu cho một câu hỏi nào. Trong quá trình làm bài, nếu không nhận ra phương án đúng thì nên sử dụng phương pháp loại trừ để chỉ ra chỗ không hợp lý nếu có trong mỗi phương án.
Thầy Trần Ngọc Anh, tổ địa lý Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), hướng dẫn khi nhận đề, các em đọc qua hết tất cả các câu, câu nào dễ và chắc chắn đúng thì trả lời luôn. Câu nào hỏi về Atlat thì nhanh chóng sử dụng Atlat để trả lời ngay. Thường các câu sẽ có đáp án nhiễu (đáp án gần đúng – đánh lừa) nên thật chú ý, đọc kỹ đề yêu cầu và loại trừ đáp án sai.

Phân bổ thời gian hợp lý

Để làm tốt bài thi, ngoài chuẩn bị thật tốt về mặt kiến thức, sức khỏe, tâm lý thì bí quyết phòng thi cũng rất quan trọng, không được sa đà vào một câu nào đó, sẽ mất thời gian.
Thạc sĩ Võ Thanh Bình, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), khuyên các thí sinh cần xử lý được hết các thông tin ở câu hỏi. Nếu có thông tin mà mất 2 phút vẫn không xử lý được thì nên bỏ qua câu đó, khi nào còn thời gian mới quay lại. Ngoài ra, giáo viên này lưu ý, có những câu hỏi mà các đáp án lựa chọn có một số ý nằm ngoài chương trình học thường là những ý gây nhiễu, thí sinh nên cho qua những ý này và chỉ quan tâm đến nội dung có trong chương trình ở mỗi câu.
Đề thi không chỉ phục vụ cho việc xét tốt nghiệp THPT mà còn dùng để xét vào nhiều ngành khác nhau của các trường ĐH nên tính phân hóa cao. Do vậy theo thầy Bình, 10 câu cuối là những câu khó, để phân hóa thí sinh, cần có quá trình ôn tập khoa học, tư duy tốt mới làm được. Do đó, thí sinh cần xác định làm càng nhiều càng tốt, đừng đặt nặng phải làm hết 10 câu này. Thí sinh có thể làm trong 15 phút các câu này, 5 phút còn lại tô nhanh, đậm, kín vào phiếu trả lời trắc nghiệm của mình, khi nào còn thời gian thì quay lại một số câu còn lại.

Để giữ vững tâm lý khi thi

Chỉ còn ít thời gian nữa học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Bên cạnh việc chuẩn bị kiến thức, sức khỏe…, học sinh (HS) còn phải quan tâm đến yếu tố tâm lý. Chúng tôi xin chia sẻ vài mẹo nhỏ sau:
Khi ôn tập không nên học nhồi nhét, cố nhớ thật nhiều kiến thức trước khi bước vào kỳ thi. Học như vậy thường không đem lại hiệu quả cao mà ngược lại, làm cho đầu óc trở nên căng thẳng, chất lượng ôn tập không cao.
Khi vào phòng thi, HS nên giữ tâm lý thoải mái. Hầu hết HS, kể cả khá giỏi, đều có tâm lý lo lắng, hồi hộp, hoang mang, thậm chí rối loạn, nhất là khi sắp hết giờ mà chưa làm bài xong hoặc chưa tìm ra câu trả lời. Tâm lý nôn nóng, vội vã khi làm bài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cách trình bày bài viết và chọn phương án đúng.
Khi có đề thi trong tay, phải hết sức bình tĩnh để không bị tình trạng quên cục bộ ngay lúc ấy, sau đó xem xét đề thi.
Nên đi thi đúng giờ, tốt nhất là đi sớm hơn so với quy định để ôn lại bài và chuẩn bị tinh thần bước vào phòng thi.
Tâm lý sẽ tốt hơn nếu HS chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ, dụng cụ trước khi vào phòng thi. Cũng cần kiểm tra hết các thông tin trên giấy báo thi, nếu phát hiện sai sót hãy thông báo với hội đồng thi trong ngày học quy chế thi.
Ngô Mã Thiên (Trường THPT Lê Thành Phương, An Mỹ, Tuy An, Phú Yên)