Lần đầu tiên xuất hiện trên sóng truyền hình trong chương trình Chinh phục kỳ thi 2017 , cô Nguyễn Kim Anh – giáo viên môn Sinh học đã nhanh chóng chiếm được tình cảm của tất cả các sỹ tử trên cả nước bởi lối giảng dạy khoa học, hệ thống nhưng cũng rất nhẹ nhàng, dễ hiểu. Là giáo viên giỏi đang giảng dạy tại trường Nguyễn Siêu (Hà Nội), cô Kim Anh có nhiều năm kinh nghiệm rèn dũa, giúp đỡ các thế hệ học sinh vượt vũ môn thành công. Cùng lắng nghe những chia sẻ về cảm xúc của cô Kim Anh khi tham gia Chinh phục kỳ thi 2017 và những lời khuyên hữu ích dành cho các sĩ tử trong giai đoạn “nước rút”.
– Xuất hiện trong chương trình Chinh phục kỳ thi 2017 với vai trò là một giảng viên môn Sinh học, cô có suy nghĩ như thế nào khi giảng dạy trên sóng truyền hình?
Là giáo viên đứng trên mục giảng nhiều, đứng trước ống kính máy quay để thu lại bài giảng cũng rất thường xuyên. Nhưng khi tham gia một chương trình lớn như Chinh phục kì thi THPT quốc gia 2017 thì bản thân tôi cảm thấy vẫn còn rất hồi hộp và lo lắng, nhiều khi cứ lo bản thân làm chưa được tốt, chưa truyền tải được hết những vấn đề trọng tâm đến cho học sinh. Nhưng thật may mắn là mọi thứ diễn ra rất tốt đẹp.
Từ lúc tham gia chương trình, bản thân tôi cũng có rất nhiều kỉ niệm vui với chương trình. Nhớ nhất là từng có một bạn học sinh ở Quảng Nam có phản hồi lại bài giảng của tôi. Khi đó là hơn 12h đêm, bạn ấy nhắn tin đến để gửi lời cảm ơn vì bài giảng số 1 trên VTV7 giúp bạn hiểu ra 1 vấn đề đơn giản. Tôi đọc được tin nhắn mừng quá thế là cứ hí hửng đến tận gần sáng mới ngủ được (cười).
– Môn Sinh học nằm trong hệ thống các môn Khoa học tự nhiên và được đánh giá là rất “khó nhằn”. Cô có thể chia sẻ tới các sỹ tử một số bí quyết ôn luyện môn Sinh trong thời gian này được không?
– Tôi có một số lời khuyên cho các em học sinh về việc ôn thi trong thời gian nước rút. Về bí quyết, môn Sinh là môn học có nhiều lý thuyết và các chuyên đề có sự liên quan chặt chẽ với nhau (trừ chương Sinh thái học). Vì vậy, khi tổng ôn trước kì thi các em nên gạch ra những vấn đề quan trọng của từng chuyên đề, kết nối, xâu chuỗi các vấn đề của chương trình lại các em sẽ có cái nhìn khái quát, từ đó kiến thức các em sẽ chắc chắn hơn, giảm sự nhầm lẫn trong các câu hỏi lý thuyết.
Về bài tập, các em không nên tập trung quá nhiều thời gian để giải các bài tập phức tạp mà nên chú ý ôn tập kỹ phần lý thuyết và bài tập cơ bản. Nắm rõ bản chất của các quy luật di truyền. Viết lại về các dấu hiệu nhận biết quy luật, tìm bài tập tương ứng để làm.
Theo tôi, cấu trúc đề năm nay, đáp án sẽ không phân bố đều A, B, C, D mà có sự chênh lệch. Vì thế không nên quá chú ý đến số lượng đáp án trong bài mà cần tập trung làm bài. Đề thi chính thức chắc chắn sẽ khó hơn đề minh họa nhưng cấu trúc và các dạng bài tập sẽ tương đương nên các em học sinh tuyệt đối không được chủ quan!
– Cô nhận xét thế nào về cấu trúc, độ khó, trọng tâm của đề thi minh họa mà Bộ Giáo dục – Đào tạo đưa ra?
Theo ý kiến của tôi, các đề minh họa mà Bộ Giáo dục – Đào tạo đưa ra chủ yếu ở mức độ nhớ, hiểu, số lượng câu hỏi vận dụng thấp nhiều, vận dung cao ít, tỉ lệ lý thuyết cao, bài tập ít.
Về lý thuyết thì phổ rộng hết chương trình sinh học 12 , đa số là những câu lý thuyết ở mức độ hiểu. Nhiều câu lý thuyết vận dụng như bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, tái sử dụng năng lượng… Ít câu hỏi mệnh đề chọn đáp án, số lượng mệnh đề ít, không phức tạp và dài như những năm trước.
Về bài tập thì bài ngắn, mức độ dễ, bám sát sách giáo khoa, không phức tạp như những dạng bài trước đây, đặc biệt phần bài tập hoán vị, tương tác gen.
Tuy nhiên, việc thay đổi hình thức ra đề như năm nay không làm ảnh hưởng nhiều đến chương trình giảng dạy của các thầy cô và ôn thi của học sinh. Vì phần nội dung thi vẫn bám sát chương trình Sinh học 12 , các dạng bài tập năm nay vẫn rơi vào một số dạng thường gặp, về lý thuyết thiên về bản chất sự việc và nhiều ứng dụng thực tiễn hơn. Vì vậy học sinh cần xâu chuỗi được các vấn đề chính của các chuyên đề để thuận tiện cho quá trình ôn tập.
– Sau kỳ thi là đợt xét tuyển ĐH – CĐ, cô có lời khuyên gì với các em học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp, định hướng trong tương lai không ạ?
– Học khối B không nhất thiết phải thi vào bác sĩ, y khoa mà hiện nay đang có rất nhiều ngành hot được đánh giá lương cao, môi trường làm việc năng động như: Kỹ thuật y sinh, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường,… Chỉ cần các em có đam mê với công việc, có sự tìm hiểu rõ ràng về nghề các em sẽ sớm thành công.
Với những gì mà cô Kim Anh đã chia sẻ cho các bạn thí sinh nói chung và những bạn thi tổ hợp môn sinh học nói riêng ở trên, giờ đây các bạn cũng có thêm kinh nghiệm trong trận chiến chinh phục kỳ thi THPT Quốc gia 2017 rồi chứ.
Thiquocgia