Không ít học sinh lớp 12 không biết phải lựa chọn ngành nghề như thế nào. Họ phân vân giữa chọn nghề ‘hot’ để học hay theo đuổi nghề mà bản thân yêu thích.
Muốn học nghề yêu thích mà ngành kia “hot” hơn !
Một khảo sát nhỏ của người viết dành cho 12 học sinh (HS) THPT ở Q.3, TP.HCM cho thấy không ít HS lựa chọn ngành nghề theo kiểu tùy hứng.
Quang Khải, HS Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết: “Em thấy ngành công nghệ thông tin rất “hot”, nên cuối năm 11 em muốn học ngành ấy. Nhưng giờ thấy ngành tâm lý có vẻ “hot” hơn nên em đang lựa chọn lại”. Hỏi Khải thực sự yêu thích ngành nghề nào, thì câu trả lời lại là: “Em đam mê những ngành liên quan kinh tế”.
Không ít HS cũng tương tự như Khải. Khả Di, HS Trường THPT Marie Curie, kể: “Bản thân muốn học ngành luật thương mại quốc tế của Trường ĐH Ngoại thương. Nhưng gia đình lại hướng học ngành răng hàm mặt của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Tuy nhiên, hai ngành này có vẻ không nằm trong tốp các ngành “hot” trong thời gian tới, không được săn đón nhiều trong thời 4.0 nên chẳng biết phải chọn ngành nào”.
Bên cạnh việc lựa chọn ngành nghề vì cho rằng ngành “hot” thì có những HS chỉ muốn được học ĐH cùng bạn bè THPT, thế nên chọn nghề theo… quyết định của bạn bè.
Thạc sĩ Đào Lê Hòa An, giảng viên Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng đây là câu chuyện khá phổ biến hiện nay. “Tuy nhiên, HS cần hiểu rằng mỗi người là một cá thể độc nhất với những tính cách, năng lực, sở trường hoàn toàn khác nhau. Chính vì thế, hãy bình tĩnh ngẫm lại những thế mạnh, ưu điểm, những khuyết điểm của bản thân, kết hợp làm những bài kiểm tra tính cách, năng lực, nhờ bạn bè, thầy cô, ba mẹ… nhận xét về những điểm mạnh và yếu. Từ đó các em sẽ có một cái nhìn khách quan nhất về bản thân. Đối chiếu với những yêu cầu của ngành để có thể chọn cho mình một “bến đỗ” phù hợp nhất”, ông An hướng dẫn.
Không nên chọn ngành chỉ vì ngành đó đang “hot”
Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search, cho rằng hiểu biết về ngành nghề và xu hướng tuyển dụng sẽ là một công cụ giúp các bạn lựa chọn ngành nghề một cách hiệu quả nhất. Các bạn có thể tìm hiểu trên internet hoặc nếu có cơ hội, nói chuyện với những anh chị đang làm việc trong các ngành nghề mình quan tâm để hiểu sâu hơn về công việc, thách thức và cơ hội của ngành, môi trường làm việc của công ty, điều kiện phát triển nghề nghiệp. Các bạn cũng nên dành thời gian tham khảo thông tin trên báo chí, internet để nắm được nhu cầu tuyển dụng các ngành nghề trong tương lai ra sao để tránh chọn những ngành hiện nay thị trường đang dư thừa lao động.
Một lời khuyên không thừa cho các bạn trẻ là đừng nên chọn một ngành chỉ vì đó là ngành đang rất “hot”, ngành được nhiều bạn bè lựa chọn hay ngành mà gia đình mong muốn. Hãy nhớ rằng chính bạn, chứ không phải gia đình, mới là người chịu trách nhiệm cho tương lai của mình và chỉ có công việc khiến bạn yêu thích mới có thể giúp bạn thành công.
theo Thanh niên