Việc định vị sai phân khúc dẫn đến mơ hồ trong lựa chọn con đường phù hợp với bản thân sẽ gây nhiều hệ quả đáng tiếc. Chỉ sai một li “phân khúc” cũng có khiến bạn trẻ đi một dặm đường sai lầm, lãng phí thời gian tiền bạc…
Thí sinh phải cân nhắc mình phù hợp với phân khúc trường nào!
Trao đổi với PV Dân trí, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó trưởng Ban Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí – ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, thực chất tổng quy mô tuyển sinh của bậc đại học trong những năm qua ở nước ta vẫn chưa đủ chỉ tiêu (chúng ta mới chỉ đạt 70-80% chỉ tiêu) nhưng vấn đề đặt ra là nhiều trường đại học có những phân khúc khác nhau.
Nếu thí sinh học ở những trường đại học có phân khúc điểm chuẩn thấp thì cũng không chênh lệch nhiều gì so với các trường nghề vì có những trường nghề điểm chuẩn tương đối cao. Và cũng có một số lượng trường đại học điểm chuẩn lại tương đối thấp.
Do đó, ranh giới giữa nhóm điểm cao của hệ thống trường nghề (trung cấp, cao đẳng) và hệ thống điểm chuẩn thấp của trường đại học không quá rõ. Thí sinh lựa chọn vào phân khúc này nên cân nhắc vì trường nghề đào tạo theo hướng kỹ năng nghề nghiệp, chú trọng thực hành, giải quyết một nhánh công việc nào đó. Còn ở đại học thì sẽ đào tạo theo hai hướng, hoặc là hướng nghiên cứu hoặc là hướng thực hành ứng dụng.
Nhóm nghiên cứu thì đòi hỏi học sinh đầu vào phải có kiến thức, khả năng tư duy phân tích chỉ không đơn thuần là phần thực hành ứng dụng… Nếu xác định bản thân muốn đi học để hoàn thiện tay nghề, xin việc làm kiếm tiền thì nên theo trường nghề vì ở đó người ta sẽ đào tạo những người thợ giỏi, khéo tay, giỏi kỹ thuật hơn là về mặt tư duy, phân tích, đánh giá, nghiên cứu, phát triển.
“Thí sinh nên biết mình thuộc loại nào trong nhóm đó. Còn nếu bảo trường đại học tuyển sinh thế này, thế khác theo một mẫu số chung thì hơi khó. Nhu cầu tuyển sinh của các trường cũng như tuyên bố của các trường trong tuyển sinh rất đa dạng phong phú”.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Thảo, ở góc độ trường đại học, nhiều thí sinh đăng ký vào trường càng tốt. Khi trường có nhiều thí sinh thì trường được quyền lựa chọn và tỷ lệ chọi vào trường sẽ càng cao, như thế trường sẽ tuyển được nhiều thí sinh tốt. Chính vì thế, các trường sẽ công bố nhiều hình thức, phương thức khác nhau nhằm mục đích thu hút được số lượng lớn thí sinh đăng ký. Sau khi đăng ký rồi, người ta sẽ có sự chọn lọc gắt gao để tìm thí sinh tốt.
“Tuy nhiên về phía thí sinh, các em phải cân nhắc xem mình theo nhóm năng lực thế nào, mình có phù hợp với bậc đại học hay không vì bậc đại học sẽ có chuẩn đầu vào – chuẩn đầu ra. Chuẩn đầu vào ở những trường không tuyển đủ, thường sẽ lấy thí sinh vào và sẽ “khống chế” phần đầu ra nhiều hơn.
Còn ở trường tốp cao, thông thường tỉ lệ chọi đầu vào cao. Sinh viên ở những trường như thế sẽ không chỉ hoàn thành tín chỉ chuẩn đầu mà các em còn có thể thể hiện năng lực của bản thân và có nhiều cơ hội việc làm cũng như thăng tiến, đạt vị trí cao trong xã hội sau khi tốt nghiệp”, PGS. TS Nguyễn Tiến Thảo nêu rõ.
Ông lưu ý thêm, nếu phụ huynh muốn định hướng cho con vào trường nghề thì nên định hướng từ bậc THCS, đến bậc THPT mới định hướng là lãng phí, vì các em chỉ cần học xong THCS là có thể vào trường nghề (học trung cấp hoặc cao đẳng) rồi, còn đến bậc THPT thì các em có thể học cao đẳng hoặc đại học.
Chương trình học nặng thí sinh “rơi rụng”, đầu ra “khắc nghiệt”
Mới đây, tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2021, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay: “Bách khoa Hà Nội vào khó, học lại càng khó, yêu cầu các em phải thực sự cố gắng, đảm bảo phong độ trong suốt quá trình học, không thể có chuyện vào trường rồi xả hơi”.
Và thực tế, mỗi năm nhà trường có khoảng 700-800 em bị buộc thôi học hệ chính quy do không đảm bảo những quy định của nhà trường. Đó là lời cảnh tỉnh cho các thí sinh ” cố đấm ăn xôi vào đại học “, không đủ năng lực hoặc không đủ đam mê nên không có mục tiêu, định hướng rõ ràng, sa đà vào game online bỏ bê học tập.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho biết, trong quá trình học sẽ có sự phân hóa rất lớn, vẫn có khoảng 70% sinh viên tốt nghiệp loại khá giỏi. Học đại học là quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của sinh viên, hiện nay các trường không chỉ quan tâm đến kiến thức, mà còn rất chú trọng đến thái độ học tập, các kỹ năng… nếu không đáp ứng được những yêu cầu này các em có thể bị buộc thôi học.
Còn GS.TS. Nguyễn Hữu Tú. Phó Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa cho hay, trường có nhiều mã ngành khác nhau (có 9 mã ngành đào tạo đại học), cho nên đầu vào của các mã ngành khác nhau và rất chênh lệch.
Chẳng hạn ngành Bác sĩ, Bác sĩ Y khoa thường có điểm chuẩn cao nhất, dẫn đầu tốp điểm chuẩn cao của cả nước ở tổ hợp khối B. Tuy nhiên, các ngành cử nhân có điểm chuẩn thấp hơn rất nhiều, thậm chí có thể chênh nhau đến 8-10 điểm. Từ đó, có thể thấy, năng lực học tập của sinh viên vào trường khá khác nhau.
Theo Hiệu Phó trường ĐH Y Hà Nội, trong quá trình đào tạo, cũng có những sinh viên (số lượng ít) đặc biệt là sinh viên có đầu vào thấp hơn cũng thể hiện năng lực cũng không hoàn toàn đáp ứng yêu cầu.
Ông cho biết, chương trình học Y nhất là những năm đầu rất khó, rất nặng. Nó là kiến thức cơ bản (Hóa – Hóa Sinh, Lý – Lý Sinh, giải phẫu sinh lý, mô phôi…). Những kiến thức cơ bản có thể nói rất khó, không có công thức nào, tính logic lỏng lẻo mà sinh viên chủ yếu phải ghi nhớ nhiều. Mặt khác khối lượng chương trình học năm đầu ở trường Y lại lớn hơn nhiều so với những trường khác nên những năm đầu tiên rất khó khăn vô cùng khó khăn với sinh viên.
Chính vì vậy, một số sinh viên mặc dù có năng lực nhưng thiếu sự cố gắng, không quen cách học thì vẫn không đạt yêu cầu. Số sinh viên “rơi rụng” nhiều nhất vẫn thuộc năm thứ nhất và năm thứ hai vì chương trình học quá nặng, quá khó so với bậc phổ thông. Các em hoặc có thể thi vào trường khác hoặc bị đúp phải học lại.
Thông thường, nếu các em cố gắng toàn tâm toàn ý sẽ vượt qua được. Một số sinh viên cảm thấy không có đam mê, không đủ cố gắng thì sẽ không vượt qua được… Một số nguyện vọng vào ngành học cao nhưng điểm không đủ phải vào ngành điểm thấp hơn hoặc các hệ mà các bạn không yêu thích nên chán nản, không có động lực học tập nên đã bỏ giữa chừng.
Nhắn nhủ bậc phụ huynh, học sinh trong mùa tuyển sinh này, PGS. TS Nguyễn Hữu Tú nói: Bây giờ tuyển sinh rất mở, không như ngày xưa chỉ có một nguyện vọng cố định. Bây giờ đa số các trường xét tuyển dựa vào kỳ thi THPT quốc gia và kết quả học tập 3 năm cấp 3, các em nên đăng ký vào nguyện vọng mình thích nhất”.
“Nếu không đủ năng lực để đỗ thì các em yên tâm đi học trường nghề vì nó không ảnh hưởng gì đến nguyện vọng của mình. Các trường nghề tuyển sinh sau đó, cơ hội của các em có nhiều. Nếu lực học của các em đến đâu thì mình cũng nên “định vị” chuẩn và hài lòng lựa chọn cho mình một môi trường phù hợp nhất như thế sẽ tốt cho việc lập thân, lập nghiệp sau này”, ông lưu ý.
Người thợ giỏi còn hơn rất nhiều so với những người lý thuyết suông
Khi PV nhắc đến băn khoăn “học nghề nghe có vẻ kém sang, không hoàng tráng”… của một bộ phận phụ huynh, học sinh, PGS.TS Nguyễn Tiến Thảo nhấn mạnh: “Thực ra, nếu có suy nghĩ học nghề không hoành tráng là do tâm lý sinh bằng cấp của chúng ta trong một thời gian dài.
Nhưng bây giờ thị trường lao động trong và ngoài nước ngay cả khối cơ quan nhà nước cũng vậy người ta sẽ đặt vấn đề năng lực, kiến thức, tư duy, tay nghề nhiều hơn. Do đó, cái bằng nó chỉ là tờ giấy thông hành rằng mình đã hoàn thành một bậc học nào đó thôi. Quan trọng vẫn là năng lực của các bạn”.
Theo ông, khi thí sinh xác định muốn đạt học vấn đại học thì quan trọng không phải đầu vào, điểm bao nhiêu mà quan trọng là trường bạn chọn đào tạo thế nào, ngôi trường mình sẽ chọn chất lượng ra sao.
Vì có những trường đại học lại cũng đào tạo như một trường nghề, chỉ cung cấp chương trình đào tạo cho bạn ra làm nguồn nhân lực trên phổ thông hoặc trên cao đẳng một chút thì nó không có ý nghĩa gì nhiều. Đó là sự lãng phí xã hội, lãng phí kinh tế.
Nếu thí sinh xác định học đại học để chúng ta ra làm chủ công nghệ, làm chủ kiến thức, có khả năng nghiên cứu, phát triển, đánh giá, triển khai ứng dụng công nghệ vào cuộc sống thì đó mới xứng đáng là học đại học thực sự.
PGS. TS Nguyễn Tiến Thảo cho rằng, bạn trẻ muốn làm một người thợ giỏi, có tay nghề giỏi, có việc làm theo hướng thực hành thì nên chọn trường nghề. Và chọn trường nghề rồi đâu có phải rằng “con đường đã kết thúc”. Trái lại, nếu bạn là một người thợ giỏi còn hơn rất nhiều so với những người lý thuyết suông.