Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định việc cộng điểm ưu tiên là chính sách đúng, đặc biệt là ưu tiên đối tượng. Tuy nhiên, việc ưu tiên theo khu vực có thể cần xem xét lại.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã chia sẻ điều này tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 của các cơ sở GD ĐH, các trường sư phạm vào sáng 11-8.
“Mưa điểm 10”- cần nhìn nhận bình tĩnh, khách quan
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ lý giải, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 có những điều chỉnh về hướng ra đề thi như chuẩn hóa câu hỏi thi, xây dựng cấu trúc đề thi đảm bảo đạt hai mục tiêu công nhận hoàn thành THPT và xét tuyển ĐH-CĐ.
Với điều chỉnh này, có một tỉ lệ thí sinh đạt điểm 9,10 nhưng nhìn vào phổ điểm thi năm nay thì kết quả thi không bất thường như dư luận đề cập, đảm bảo cho các tốp trường xét tuyển tùy theo điều kiện, phương thức xét tuyển.
Việc minh bạch trong việc công bố dữ liệu xét tuyển cũng tạo nên hiện tượng thí sinh đổ dồn vào một số trường ĐH tốp trên trong đợt xét tuyển đầu tiên, theo Bộ trưởng đây cũng là hiện tượng bình thường, không ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh.
Thí sinh trượt trong đợt xét tuyển đợt 1 không có nghĩa là trượt ĐH vì các em còn có cơ hội xét tuyển trong các đợt tiếp theo.
Trao đổi về những vấn đề gây ồn ào dư luận trong thời gian qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng cần phải bình tĩnh, nhìn nhận thấu đáo nhiều chiều trước vấn đề nhạy cảm là tuyển sinh ĐH để tránh những đánh giá phiến diện, không đúng bản chất.
Ví dụ như trước dư luận về việc tuyển sinh ngành sư phạm quá thấp, Bộ GD-ĐT cũng đã kiểm tra ngay thì thấy vẫn có nhiều trường sư phạm tuyển sinh đầu vào cao. Cũng có một số trường có đầu vào thấp nhưng không đại diện cho toàn khối sư phạm.
Bộ trưởng cho biết sắp tới sẽ tiếp tục rà soát, đầu tư tập trung vào các trường sư phạm trọng điểm, có phương án quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm và có phương án điều chỉnh đối với các trường có hoạt động đào tạo không hiệu quả.
Có thể điều chỉnh ưu tiên theo khu vực
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị – Ảnh: BÁ HẢI |
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, việc cộng điểm ưu tiên là chính sách đúng, đặc biệt là ưu tiên đối tượng. Chính sách này tạo điều kiện cho người trong hoàn cảnh khó khăn vươn lên đạt gần đến mục tiêu có thêm cơ hội chạm đến mục tiêu. Việc ưu tiên không chỉ thể hiện trong chính sách tuyển sinh mà còn có trong cả quá trình đào tạo và đầu ra.
Tuy nhiên, việc ưu tiên theo khu vực có thể cần xem xét lại. Bởi lẽ trước đây, chênh lệch vùng miền rất khác biệt. Song, hiện tại, điều kiện kinh tế – xã hội nhiều nơi đã khá lên, mức chênh lệch không còn quá nhiều như trước. Do đó, cần thiết có sự điều chỉnh phù hợp hơn.
“Bộ GD-ĐT rất cầu thị để lắng nghe các ý kiến về chính sách này”- ông Nhạ nhấn mạnh khi bàn đến việc “cộng điểm thế nào cho phù hợp”.
Nhiều ngành đào tạo còn trùng lắp, chồng chéo
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, “chất lượng đội ngũ giảng viên vẫn còn là dấu hỏi lớn” khi nhiều cán bộ giảng viên không tham gia nghiên cứu khoa học, chưa có bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế.
Hiện tại, nhiều trường ĐH vẫn chưa quan tâm đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo để đáp ứng quy mô tuyển sinh, chưa đầu tư dự báo thị trường nên các ngành đào tạo còn trùng lặp, chồng chéo trong một địa bàn…
Đội ngũ giảng viên, đặc biệt là giảng viên cơ hữu chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, nguồn lực tài chính còn phân tán Nhiều nơi mở ngành đào tạo vẫn dựa vào năng lực và kinh nghiệm vốn có, dẫn đến những ngành xã hội có nhu cầu thì lại thiếu.
Đó là những nguyên nhân khiến cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý và chất lượng đào tạo hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trong năm học vừa qua, việc triển khai xây dựng các khu đô thị làng đại họcnhằm thực hiện chủ trương di dời hoặc mở thêm phân hiệu của một số trường đại học ra khỏi nội đô ở các thành phố lớn trong năm học vừa qua đã khởi động lại nhưng chưa có tiến triển.
Hiện nay, còn một số cơ sở giáo dục ĐH ngoài cơ sở đào tạo chính có cơ sở đào tạo tại các địa phương nhưng chưa lập hồ sơ thành lập phân hiệu, chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Đặc biệt, theo tinh thần Luật giáo dục đại học, cơ sở giáo dục ĐH được phân thành 3 tầng: định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng và định hướng thực hành. Tuy nhiên, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam ban hành cuối năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ chỉ còn đại học định hướng nghiên cứu và đại học định hướng ứng dụng.
Bộ GD- ĐT thừa nhận khái niệm về phân tầng, xếp hạng còn có nhiều ý kiến, chưa phù hợp với thông lệ thế giới nên gây khó khăn cho công tác quy hoạch mạng lưới.
Triển khai tự chủ ĐH “còn nhiều vướng mắc”
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đến hết năm học 2016-2017, cả nước có 23 cơ sở giáo dục ĐH công lập được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm tự chủ đổi mới cơ chế hoạt động theo quy định của Nghị quyết số 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014-2017. Trong đó, Trường ĐH Trà Vinh là cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng – vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, nhìn chung các cơ sở giáo dục ĐH thí điểm tự chủ đã chủ động, linh hoạt hơn về tổ chức bộ máy, tuyển dụng nhân sự và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Tuy nhiên, do cơ sở pháp lý về tự chủ đại học chưa vững chắc và thiếu đồng bộ nên việc triển khai còn nhiều vướng mắc, thiếu thống nhất. Một số nội dung cam kết của Chính phủ (theo tinh thần của Nghị quyết 77) chậm thực hiện (cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, hỗ trợ lãi suất vay) gây khó khăn cho nhiều cơ sở giáo dục ĐH. Tự chủ chưa gắn liền với đổi mới quản trị đại học và trách nhiệm giải trình xã hội.
Tính đến tháng 4-2017, trong toàn hệ thống giáo dục ĐH có 169 cơ sởgiáo dục ĐH công lập chỉ có 58 trường thành lập hội đồng trường (chiếm 34,3% tổng số cơ sở giáo dục ĐH công lập).
Ngay cả những cơ sở đào tạo đã thành lập hội đồng trường thì nhiều hội đồng trường vẫn chưa phát huy đầy đủ vai trò của một tổ chức quản trị, đại diện cho quyền sở hữu nhà nước để quyết định những vấn đề lớn như chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, phương hướng hoạt động… của nhà trường.
Trong tổng số 23 trường đại học thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77 vẫn còn 6 trường chưa thành lập hội đồng trường.
Sinh viên ngành kinh doanh, quản lý, pháp luật chiếm hơn 30% quy mô đào tạo ĐH
Thông tin này đã được Bộ GD-ĐT công bố tại Hội nghị. Theo Bộ GD-ĐT, năm học 2016-2017, tổng quy mô sinh viên đại học là hơn 1,7 triệu sinh viên (tăng 0,8% so với năm học 2015-2016) nhưng quy mô sinh viên cao đẳng sư phạm giảm 14,3%, chỉ còn 47.800 sinh viên. Phần lớn sinh viên tập trung theo học các ngành thuộc Khối ngành V: Toán và thống kê; Máy tính và công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật; Kỹ thuật; Sản xuất chế biến; Kiến trúc và xây dựng, Nông lâm và thủy sản; Thú y và Khối ngành III: kinh doanh quản lý, pháp luật. Trong khi đó, với đào tạo sau ĐH, quy mô đào tạo thạc sĩ là 105.801 (tăng 12,8% so với năm học 2015-2016). Quy mô đào tạo tiến sĩ ở các trường đại học, học viện là 13.587 (tăng 25% so với năm học 2015-2016). Quy mô đào tạo tiến sĩ ở các viện NCKH tại thời điểm tháng 6/2017 là 1501. |
Cơ cấu quy mô sinh viên đại học chính quy theo Khối ngành năm học 2016 -2017:
Nguồn: Thống kê Vụ Kế hoạch -Tài chính, 2017
Trong đó:
Khối ngành I: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên.
Khối ngành II: Nghệ thuật.
Khối ngành III: Kinh doanh quản lý; Pháp luật.
Khối ngành IV: Khoa học sự sống; Khoa học tự nhiên.
Khối ngành V: Toán và thống kê; Máy tính và công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật; Kỹ thuật; Sản xuất chế biến; Kiến trúc và xây dựng, Nông lâm và thuỷ sản; Thú y.
Khối ngành VI: Sức khỏe.
Khối ngành VII: Nhân văn; Khoa học xã hội và hành vi; Báo chí và thông tin; Dịch vụ xã hội; Khách sạn, du lịch, thể thao và du lịch cá nhân; Dịch vụ vận tải; Môi trường và bảo vệ môi trường; An ninh – Quốc phòng.
TTO