Hôm nay (7.8) là thời hạn cuối cùng thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 làm thủ tục, xác nhận nhập học. Sau đó, các trường ĐH còn thiếu chỉ tiêu sẽ công bố xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (ảnh), xung quanh việc xét tuyển nguyện vọng bổ sung và những vấn đề còn đặt ra sau đợt xét tuyển nguyện vọng 1.
Thứ trưởng có lưu ý gì với các thí sinh khi xét tuyển nguyện vọng bổ sung?
Sau khi kết thúc đợt 1, các trường chủ động thực hiện tuyển sinh bổ sung nếu còn chỉ tiêu. Những thí sinh (TS) chưa trúng tuyển đợt 1 hay trúng tuyển mà không nhập học, những TS không đăng ký xét tuyển đợt 1 đều có quyền đăng ký xét tuyển bổ sung vào các trường.
Do tuyển sinh bổ sung các trường tự chủ hoàn toàn nên TS cần theo dõi thông tin trên trang thông tin điện tử của các trường để biết chi tiết về điều kiện, thời gian nộp hồ sơ, thời gian công bố kết quả… Theo thống kê, vẫn còn hơn 150 trường và đơn vị tuyển sinh chưa tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt 1. Ngay cả những trường có đủ TS trúng tuyển so với chỉ tiêu nhưng nếu có nhiều TS bỏ học, đi nước ngoài, chuyển sang học nghề… tuyển không đủ chỉ tiêu vẫn tuyển sinh bổ sung.
Từ thực tế năm nay có những TS điểm rất cao, thậm chí bằng điểm chuẩn mà vẫn rớt do các tiêu chí phụ, theo ông ở các trường tên tuổi nên có một kỳ thi riêng hoặc những phương thức tuyển sinh không quá lệ thuộc vào kết quả thi THPT quốc gia?
Cần nói rõ tiêu chí phụ chỉ áp dụng đối với một số ít TS ở cuối danh sách trúng tuyển khi có điểm bằng nhau. Không phải trường nào, ngành nào cũng sử dụng đến tiêu chí phụ. Nếu không quy tròn 0,25 mà lấy hai số thập phân thì sự chênh lệch 0,01 điểm rất khó phân biệt được năng lực TS. Vì thế quy chế giao cho trường sử dụng các tiêu chí phụ để quyết định sự lựa chọn TS hợp lý, nếu cuối danh sách trúng tuyển có nhiều TS bằng điểm nhau sau khi đã quy tròn 0,25. Nhà trường phải công khai các tiêu chí phụ để TS biết. Bộ có đề xuất tiêu chí phụ trong trường hợp tổng điểm quy tròn 0,25 bằng nhau thì trường có thể quay về điểm gốc để xét. Tuy nhiên, trường có thể chọn hay không tiêu chí phụ do Bộ đề xuất.
Trừ một vài trường thực hiện kiểm tra năng lực TS, hầu hết các trường còn lại đều hài lòng với việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển với quy định về tiêu chí phụ theo quy chế hiện hành.
Sẽ tiếp tục áp dụng kỳ thi năm 2017 cho những năm tới
Nhiều người cho rằng phương thức xét tuyển năm nay tạo nhiều thuận lợi cho TS nhưng phá vỡ sự đa dạng chất lượng nguồn nhân lực ở tất cả các ngành, làm ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo của những ngành kỹ thuật, đòi hỏi trình độ nhân lực cao. Ông nghĩ thế nào về điều này?
Phương châm tuyển sinh là công bằng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TS được theo học ngành/trường mà các em yêu thích để phát huy năng lực sở trường. Việc cho TS đăng ký xét tuyển với số nguyện vọng không giới hạn đã giúp TS tránh được những rủi ro khi có kết quả thi tốt mà không trúng tuyển được vào ngành/trường yêu thích. Kinh nghiệm cho thấy nếu ép TS vào học những ngành không yêu thích thì các em sẽ không có hứng thú, động lực để học tập. Kết quả là nhiều em bỏ học giữa chừng hay đi thi lại năm sau. Vì thế, tôn trọng quyền lựa chọn của TS là cần thiết.
Để định hướng TS chọn ngành, chọn trường phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước thì công tác hướng nghiệp, tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ tài chính trong quá trình học, tạo cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp… cần được tăng cường. Mặt khác, các trường ĐH cũng phải liên tục nâng cao chất lượng đào tạo, quảng bá hình ảnh, thương hiệu, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để tạo cơ hội tìm được việc làm cho sinh viên. Vì thế, để định hướng lựa chọn ngành nghề của TS cần phải có sự vào cuộc của các ban ngành, nhà trường và cả xã hội chứ không thể xử lý đơn giản bằng một kỳ thi tuyển sinh.
Sau xét tuyển đợt 1 năm nay, Bộ GD-ĐT thấy cần phải có những vấn đề gì để rút kinh nghiệm cho năm sau?
Đến giờ này, tôi có thể khẳng định kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH năm nay thành công nhất từ trước đến nay. Sau khi “lọc ảo” lần cuối, có 170/322 trường và đơn vị tuyển sinh đạt được chỉ tiêu ngay đợt đầu tiên. Đây có thể nói là kết quả khả quan nhất so với những năm trước chỉ có vài ba chục trường đạt được chỉ tiêu trong đợt xét tuyển đầu tiên.
Phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH cơ bản đạt được mục tiêu đổi mới thi/tuyển sinh đã đề ra. Vì thế, nó sẽ được áp dụng trong những năm tới. Sau khi kết thúc tuyển sinh, Bộ sẽ tổ chức họp, thảo luận rút kinh nghiệm để hoàn thiện thêm về mặt kỹ thuật.
TNO