Công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020 vào 27/8

0
1134

Thông tin từ ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh/thành phố về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020: kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ được công bố vào 27/8 tới.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội nghị.Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội nghị.

Một số mốc quan trọng khác của kỳ thi, theo chia sẻ của ông Mai Văn Trinh, gồm: Tổ chức tập huấn nghiệp vụ ở các cấp: trước ngày 15/6; tổ chức đăng ký dự thi cho thí sinh từ ngày 15/6 đến 30/6;

Hoàn thiện dữ liệu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh số báo danh, xếp phòng thi, công bố thí sinh không đủ kiều kiện dự thi: chậm nhất ngày 23/7;

Trả giấy báo dự thi cho thí sinh: chậm nhất ngày 1/8; hoàn thiện việc chuẩn bị cơ sở vật chất và các hồ sơ coi thi cho các Điểm thi trước ngày 4/8; coi thi từ 9-10/8/2020.

Nhắc lại các điểm mới trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, ông Mai Văn Trinh cho biết: Kỳ thi tăng cường tự chủ của các địa phương (tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương): Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tại địa phương mình. Kỳ thi diễn ra trong 2 ngày (9,10/8/2020);

Các cơ sở giáo dục đại học không tham gia coi thi, chấm thi; chỉ tham gia các đoàn thanh tra để thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu của Kỳ thi. Ngoài các đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT và của sở GD&ĐT, Thanh tra tỉnh tổ chức các đoàn thanh tra tất cả các khâu tổ chức Kỳ thi theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Thực hiện đối sánh, phân tích kết quả thi và kết quả học tập bậc THPT của thí sinh.

Ảnh minh họa/ INT

UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương

Theo ông Mai Văn Trinh, UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa phương. Cùng với đó, thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; duyệt phương án, kế hoạch và kinh phí tổ chức kỳ thi do sở GD&ĐT trình; giao nhiệm vụ và chỉ đạo sở GD&ĐT, các sở ban, ngành có liên quan của tỉnh, UBND cấp huyện/thị tổ chức Kỳ thi, bảo đảm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Quy chế thi và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Các sở GD&ĐT có nhiệm vụ chỉ đạo và kiểm tra việc hoàn thành kế hoạch dạy học và đánh giá, xếp loại học sinh ở các trường phổ thông. Trình UBND tỉnh quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Tham mưu cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để chỉ đạo tổ chức thi tại tỉnh theo Quy chế thi và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Sở GD&ĐT cũng có nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức đăng ký dự thi (ĐKDT), quản lý hồ sơ ĐKDT; chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất cho Kỳ thi; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thi cho các thí sinh học môn Ngoại ngữ theo chương trình thí điểm được Bộ GD&ĐT cho phép để sử dụng kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Đồng thời, chủ trì thành lập, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng thi và các Ban của Hội đồng thi; tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi; chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất cho kỳ thi.

Báo cáo Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ tổ chức Kỳ thi, những vấn đề nảy sinh trong quá trình tổ chức Kỳ thi. Tổ chức bàn giao Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh. Tổ chức xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh; công bố công khai phổ điểm các bài thi, môn thi thành phần, đối sánh điểm thi trung bình các bài thi, môn thi thành phần với điểm trung bình môn học tương ứng của năm học lớp 12 của các trường phổ thông trong tỉnh.

Thực hiện việc khen thưởng, kỷ luật đối với công chức, viên chức, giáo viên, thí sinh trong phạm vi quyền hạn quy định; đề nghị các cấp có thẩm quyền khen thưởng, kỷ luật theo quy định Quy chế thi và các quy định của pháp luật đối với những người tham gia làm công tác thi; lưu trữ hồ sơ của Kỳ thi theo quy định. Phối hợp với sở Tài chính và các cơ quan có liên quan trình UBND tỉnh bảo đảm kinh phí tổ chức kỳ thi.

Ảnh minh họa/ INT

Đặc biệt quan tâm đến nhân sự tham gia kỳ thi

Theo ông Mai Văn Trinh, hằng năm, cá biệt có một số địa phương chuẩn bị một số điều kiện tổ chức thi không đáp ứng yêu cầu cả về số lượng, chất lượng và tiến độ; dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp đến Kỳ thi. Khâu chuẩn bị này liên quan đến cả cơ sở vật chất, thiết bị và con người. Trách nhiệm trực tiếp là của Giám đốc sở GD&ĐT; do đó, phải thực nhiện đúng tiến độ theo lịch trình của Kỳ thi.

Giám đốc sở GD&ĐT cũng chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn có chất lượng; có tài liệu hỗ trợ (cẩm nang); trong tập huấn, nên có phần kinh nghiệm “xử lý một số tình huống bất thường” xảy ra trong các Kỳ thi để cán bộ, giáo viên biết; khuyến khích có hình thức kiểm tra kết quả tập huấn

Nhấn mạnh cần đặc biệt coi trọng lựa chọn cán bộ tham gia công tác in sao, vận chuyển đề thi, ông Mai Văn Trinh đồng thời lưu ý hoạt động tập huấn với công tác thanh tra; thanh tra tất cả các khâu; phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ các đoàn thanh tra (nhất là các cán bộ đến từ các ĐH).

Cùng với đó, công tác bảo quản, lưu trữ đề thi, bài thi phải thực hiện đúng quy chế; đặc biệt phải rất quan tâm công tác chọn cán bộ tham gia khâu bảo quản đề thi, bài thi.

Công tác chấm thi, lưu ý đây là khâu dễ phát sinh gian lận, tiêu cực, ông Mai Văn Trinh đề nghị cần thực hiện nghiêm túc Quy chế thi ở tất cả các khâu của công tác chấm thi; chú trọng công tác lựa chọn cán bộ, giáo viên tham gia công tác này.

Về công nghệ thông tin, theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, cần tập huấn kỹ, sử dụng thành thạo các phần mềm; chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin để tránh tắc nghẽn mạng trong quá trình trao đổi thông tin, nhất là khi công bố kết quả thi.

Những công việc quan trọng cần lưu ý sắp tới

Lưu ý các công việc cần triển khai trong thời gian tới, ông Mai Văn Trinh nhắc đến đầu tiên là thành lập các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Rà soát toàn bộ công tác chuẩn bị cho Kỳ thi; nhất là việc bố trí các Điểm thi; cơ sở vật chất, thiết bị (lưu ý thiết bị công nghệ thông tin, camera, máy quét, Phiếu trả lời trắc nghiệm…); chú trọng công tác lựa chọn cán bộ tham gia Kỳ thi (nhất là các khâu trọng yếu: liên quan đề thi/bài thi; coi thi và chấm thi); chú ý phương án dự phòng.

Ngoài ra, tổ chức tập huấn nghiệp vụ ở các cấp trước ngày 15/6 (khuyến khích có hình thức kiểm tra); tổ chức ĐKDT cho thí sinh; hoàn thiện dữ liệu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh số báo danh, xếp phòng thi, công bố thí sinh không đủ kiều kiện dự thi; trả giấy báo dự thi cho thí sinh; hoàn thiện việc chuẩn bị cơ sở vật chất và các hồ sơ coi thi cho các Điểm thi; triển khai công tác coi thi; công bố kết quả thi…

Theo Báo Giáo dục và Thời đại