Chiều ngày 15/6, Bộ GD&ĐT đã có văn bản phản hồi về thắc mắc của báo Người Lao Động đối với độ bảo mật của đề thi THPT Quốc gia cũng như giải thích công tác bảo mật đề thi.
“Do việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa áp dụng theo lý thuyết khảo thí hiện đại nên công tác bảo mật được áp dụng ngay trong từng công đoạn của quy trình xây dựng và được thực hiện nghiêm ngặt (số lượng câu hỏi rất rất lớn, biên soạn, biên tập, thẩm định, chỉnh sửa nhiều lần trước khi đưa vào ngân hàng). Đặc biệt, việc sử dụng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa để tham khảo xây dựng các mã đề thi tương đương nhau khác hoàn toàn với quy trình ra đề thi tự luận nói chung và các phương thức ra đề thi trước đây” – công văn giải thích.
Công văn cũng cho rằng công tác ra đề thi của kỳ thi THPT quốc gia được thực hiện bởi hội đồng ra đề thi của bộ được thực hiện theo quy định tại chương IV của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT hiện hành. Theo đó, việc ra đề thi phải được thực hiện tại một địa điểm an toàn, biệt lập và được bảo vệ nghiêm ngặt suốt thời gian làm đề thi, có đầy đủ phương tiện bảo mật; các thành viên tham gia làm đề thi đều phải cách ly triệt để với bên ngoài. Quy trình xây dựng câu hỏi cho đề thi dựa trên cơ sở tham khảo số lượng câu hỏi rất lớn từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa với các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt để đảm bảo đáp ứng tất cả các yêu cầu đối với đề thi cả về nội dung cũng như yêu cầu bảo mật.
Tuy nhiên, trước các câu hỏi của phóng viên về việc hàng nghìn câu hỏi thô – “tài liệu liên quan” – của kỳ thi THPT quốc gia, vốn nằm trong danh mục bí mật nhà nước độ tối mật trong ngành giáo dục và đào tạo nhưng vẫn được đem ra thi thử trước kỳ thi THPT có trái với quyết định của Thủ tướng hay không? Bộ GD-ĐT đã xây dựng được quy trình bảo mật đề thi để đảm bảo nội dung không để lộ bí mật nhà nước hay chưa?… thì bộ không có câu trả lời.
Theo Người Lao Động