Cửa cho thí sinh trượt đợt 1: Rộng hay hẹp, có hấp dẫn không?

0
3613

Nghịch lý “30 điểm trượt đại học” không còn xuất hiện trong đợt tuyển sinh năm nay mà thay vào đó chỉ chưa hơn 15 điểm đã có một “suất” vào trường ĐH Y- Dược. Mặc dù điểm chuẩn năm nay thấp nhưng vẫn nhiều thí sinh điểm cao mà chưa trúng tuyển đại học ngay trong đợt 1.

Mặt khác, có không ít thí sinh dù trúng tuyển nhưng không thích học vì không đúng ngành nghề yêu thích. Vậy, cơ hội nào cho các thí sinh chưa vào từ đợt 1?
Điểm chuẩn giảm, trường tuyển đủ thí sinh từ đợt đầu
Chiều ngày 5/8, các trường đại học bắt đầu công bố điểm chuẩn sau khi Bộ GD&ĐT chốt kết quả lọc ảo. Các trường trong khối quân đội, an ninh hay Y dược mọi năm điểm cao chót vót, thậm chí 30 điểm vẫn trượt thì năm nay điểm thi giảm sâu, có ngành tới gần 10 điểm.
Trong khi đó, năm 2017 của trường công an, điểm trúng tuyển lên đến 30,5 ở khối D01, đối với nữ dự thi ngành Ngôn ngữ Anh, Học viện An ninh Nhân dân thì năm nay, điểm chuẩn hạ còn 26,1 điểm.
Nếu năm ngoái khối trường Y – Dược “dậy sóng”, xếp thứ ba về điểm chuẩn cao chót vót sau trường công an, quân đội thì năm nay lại “hạ nhiệt”.
Tương tự, năm nay, ngành Y đa khoa mức điểm chuẩn ngành Y đa khoa lên tới 29 điểm thì năm nay chỉ dừng ở mức từ  22,7-25 điểm. Đặc biệt, ĐH Y dược Hải Phòng, ngành Y công cộng điểm chuẩn chỉ 15,75, mức điểm chuẩn thấp kỉ lục.
Các ngành khối Kinh tế như ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại thương, ĐH Thương Mại có điểm chuẩn khá cao lên tới 25-26 điểm thì nhiều trường cũng đào tạo các ngành kinh tế chỉ nhận ở mức 14-15 điểm.
Tương tự, các trường khối Kĩ thuật như ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Công nghiệp, ĐH Xây dựng, ĐH Giao thông vận tải có nhiều ngành lên tới 25 điểm nhưng bù lại nhiều ngành cũng chỉ lấy ở mức 14-15.
Thời điểm này, rất ít trường đã xác nhận sẽ xét tuyển bổ sung, phần lớn vẫn phải chờ các ngày tới xem tỷ lệ thí sinh nhập học thế nào để quyết định có xét tuyển nguyện vọng bổ sung hay không.
Với các trường tốp trên, các ngành hấp dẫn gần như xét được 100% chỉ tiêu. Khoảng 25%- 30% chỉ tiêu còn lại tập trung ở các trường địa phương, tư thục hoặc các ngành không hấp dẫn.
Theo một chuyên gia tuyển sinh, để chắc chắn phải chờ sau ngày 12/8 mới biết được tình hình tuyển bổ sung vì nhiều trường tỷ lệ gọi thí sinh nhập học “dôi” ra khá nhiều.
Hiện tại, lãnh đạo của các trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, …khẳng định đã tuyển đủ thí sinh ngay từ đợt đầu và không có chỉ tiêu tuyển bổ sung cho đợt 2.
Còn Học viện Báo chí & Tuyên truyền là một trong những trường hiếm hoi đưa ra các ngành/ chuyên ngành dự kiến xét tuyển bổ sung như: Triết học; Chủ nghĩa xã hội khoa học, Quản lý công; Chính trị học chuyên ngành Truyền thông chính sách,… và cũng chưa có chỉ tiêu cũng như số điểm xét tuyển. Và, theo như thông báo, trường sẽ có con số chính thức sau ngày 12/8.
Tuyển bổ sung: Chỉ còn những ngành/trường không hấp dẫn?
Bên cạnh nhiều thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng như  mong muốn vẫn còn không ít thí sinh trúng tuyển bất đắc dĩ. Vậy liệu thí sinh có được chuyển sang nguyện vọng yêu thích hoặc xét tuyển bổ sung?
Theo quy chế tuyển sinh, thí sinh phải thực hiện đúng quy định, chấp nhận kết quả đã đăng ký. Thí sinh đăng ký được phép nhiều nguyện vọng nhưng chỉ được trúng tuyển một nguyện vọng. Khi thí sính đã trúng tuyển thì dữ liệu không còn trên hệ thống để có thể quay trở lại xét tuyển vào trường/ngành khác.
PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu Trưởng trường đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, việc thí sinh có thể không xác nhận nhập học ở đợt đầu, đấy là quyền của thí sinh.
Cũng theo PGS Tớp nhận định, sẽ rất ít các trường tuyển bổ sung. Vì vậy, việc thí sinh lựa chọn trường ở đợt 2 phải rất cân nhắc. Thí sinh trượt đợt 1 rồi, phải trông chờ vào đợt tuyển bổ sung thì chắc chắn không nhiều trường. Trường mà thí sinh mong muốn nộp vào thì có thể không tuyển thêm. Khi đó, thí sinh sẽ không còn cơ hội nữa. Thí sinh tự tìm thông tin và cân nhắc lựa chọn của mình”- PGS Tớp nhấn mạnh.
“Thí sinh có thể không nhập học. Nhưng nếu các trường mà các em thích lại không xét tuyển nữa thì các em sẽ tự mất cơ hội thôi . Vì vậy, thí sinh phải tự quyết định. Ngay từ khi xét tuyển đợt 1 thí sinh đã phải tính toán kĩ. Vì thế, thí sinh đỗ không học là lỗi tại mình”- PGS Tớp tư vấn.
PGS Lê Hữu Lập- Nguyên Phó Hiệu trưởng Học viện Bưu chính Viễn thông chia sẻ, sau khi các trường nhận giấy chứng nhận điểm xong, họ sẽ công bố chỉ tiêu xét tuyển từng ngành trong đợt 2 (nếu còn), điểm nhận hồ sơ, thời gian nhận đăng ký… lúc ấy mọi việc giống như đợt 1.
“Nói chung đợt này còn rất ít chỉ tiêu, hoặc một số trường còn nhiều chỉ tiêu, nhưng tôi nghĩ cũng không tuyển được, vì thương hiệu thấp, hoặc ngành học không hấp dẫn”- PGS Lập nhận định.
Vài năm trước, nhiều trường đại học công lập, các trường dân lập và hầu hết các trường cao đẳng phải ra thông báo tuyển bổ sung đợt 2, đợt 3. Tuy nhiên, các trường vẫn dài cổ ngóng thí sinh mà vẫn chẳng thấy đâu. Họ phải bối rối và đặt câu hỏi: Thí sinh, em ở đâu? Liệu năm nay, các trường có tiếp tục phải “nhai” lại điệp khúc như vậy nữa không?
Theo Tienphong