Đặc biệt lưu ý khi xét bổ sung

0
1814

Ngày 8.8, trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến “ngành nào còn xét chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung?”, đại diện các trường ĐH, CĐ đưa ra một số lưu ý cho thí sinh trong đợt xét tuyển này.

Chọn ngành yêu thích
Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, hiện nay có rất nhiều thí sinh (TS) có điểm cao nhưng không trúng tuyển vào ngành mong muốn do chỉ đăng ký một nguyện vọng (NV). Nhiều TS đăng ký mà không quan tâm ngành mình yêu thích hay không nên khi trúng tuyển không muốn nhập học. Vì vậy, ở đợt này, TS cần nộp ngành mình yêu thích. Lưu ý điểm xét tuyển NV bổ sung không được thấp hơn điểm NV1. Vì vậy phải xem xét điểm của mình có phù hợp hay không và nắm rõ thời gian xét tuyển của các trường vì rất khác nhau.
Cùng ý kiến này, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, cho rằng điều TS quan tâm là chọn một nghề để sau này đi làm. Vì vậy, nên chọn ngành mình yêu thích, nếu không đủ điều kiện học ĐH thì xét tuyển CĐ sau đó học liên thông lên ĐH.
Do các trường quy định thời gian khác nhau kết thúc xét tuyển NV bổ sung nên tiến sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng, cho rằng TS quan tâm xét tuyển ngành của trường nào thì cần vào website các trường để theo dõi thời gian này.
Những ngành còn nhiều cơ hội
Nhiều trường xét bổ sung đối với nhiều ngành học mới. Chẳng hạn Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm xét tuyển 3 ngành học mới là an toàn thông tin, điều khiển và tự động hóa, quản lý tài nguyên và môi trường.
Ngoài xét bổ sung tất cả các ngành như đợt 1, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng xét tuyển thêm 3 ngành mới là thú y, an toàn thông tin và kinh doanh quốc tế.
Gần 70% thí sinh trúng tuyển đợt 1 xác nhận nhập học
Theo Bộ GD-ĐT, tính đến trưa ngày 8.8 đã có 242.000 TS trúng tuyển đợt 1 làm thủ tục xác nhận nhập học. Trong đó tổng chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia là 352.000. Như vậy, số TS xác nhận sẽ nhập học vào trường trúng tuyển trong đợt 1 đạt tỷ lệ gần 70% so với tổng chỉ tiêu.
Thống kê cụ thể theo nhóm trường như sau: Có 57 trường tỷ lệ nhập học từ 90% trở lên; 74 trường tỷ lệ nhập học từ 70% đến cận 90%; 65 trường tỷ lệ nhập học từ 50% đến cận 70%.
Đến nay vẫn còn một số TS khẳng định nhập học bằng cách gửi giấy báo kết quả thi qua đường bưu điện, một số trường chưa cập nhật hết số TS đã khẳng định nhập học lên hệ thống nên con số thống kê sẽ còn tăng nhẹ trong vài ngày tới.
Theo kế hoạch, đến hết ngày 12.8, quá trình cập nhật TS khẳng định nhập học mới kết thúc. Dự báo đợt 1 các trường sẽ tuyển được khoảng 80% tổng chỉ tiêu. Bộ GD-ĐT cho rằng đây là tỷ lệ đạt được ở mức cao so với những năm trước đây.
Trong số 30 trường có tỷ lệ TS xác nhận nhập học cao nhất thì có gần 20 trường khối quân đội. Trong nhóm 6 trường đạt tỷ lệ TS nhập học 100% thì chỉ có một trường dân sự, là Trường ĐH Luật TP.HCM. Các trường dân sự khác có tỷ lệ TS xác nhận nhập học cao gồm có: Trường ĐH Dược Hà Nội 99,63% (xếp thứ 9); Khoa Y Dược ĐH Đà Nẵng (thứ 19; 95,99%); Học viện Tòa án (95,94%); Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (95,78%); Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (95,1%); Trường ĐH Y Dược Hải Phòng (94,62%); Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM (94,41%); Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông (94,37%); Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 (94,37%); Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (94,37%); Học viện Ngoại giao (94,08%); Học viện Tài chính (93,25%)…
TNO