Đại học mở rộng phương thức xét tuyển kết hợp, thí sinh cần lưu ý gì?

0
1010

Thêm tiêu chí mới trong phương thức xét tuyển kết hợp 

TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó hiệu trường Trường Đại học Hà Nội cho biết, theo dự thảo đề án năm nay, phương thức tuyển sinh của trường không có nhiều sự thay đổi phương thức xét tuyển so với mọi năm.

dai-hoc-mo-rong-phuong-thuc-xet-tuyen-ket-hop-thi-sinh-can-luu-y-giTrường Đại học Hà Nội vẫn thực hiện 3 phương thức tuyển sinh, gồm xét tuyển theo quy định về tuyển thẳng của Bộ GD-ĐT, xét tuyển kết hợp theo quy định của trường và xét tuyển bằng kết quả tốt nghiệp THPT đối với học sinh tham dự kỳ thi này.

Tuy nhiên, trong phương thức xét tuyển kết hợp, trường sẽ đưa thêm một số tiêu chí mới. Cụ thể, thí sinh đã tham dự các kỳ thi năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng có cơ hội đăng ký xét tuyển kết hợp.

Chỉ tiêu phân bổ như sau: 5% trên tổng chỉ tiêu dành cho xét tuyển thẳng, 45% dành cho xét tuyển kết hợp theo quy định của trường, 50% còn lại cho thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

TS Dũng chia sẻ, việc để thí sinh đã tham dự kỳ thi năng lực của 3 trường đại học có cơ hội đăng ký xét tuyển kết hợp thể hiện sự ủng hộ của Trường Đại học Hà Nội với những bài thi riêng đánh giá được năng lực, khả năng tư duy của học sinh. “Chúng tôi thấy rằng những bài thi này cũng phản ánh được rất tốt năng lực của thí sinh và phù hợp với chủ trương của Bộ là đa dạng hóa trong tuyển sinh, trao thêm cơ hội cho thí sinh, phát huy quyền tự chủ của các trường”, TS Dũng nói.

dai-hoc-mo-rong-phuong-thuc-xet-tuyen-ket-hop-thi-sinh-can-luu-y-gi

TS Nguyễn Tiến Dũng (bên trái) và TS Nguyễn Thị Cúc Phương (giữa), Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội giải đáp thắc mắc cho phụ huynh và học sinh trong Ngày hội Thông tin tuyển sinh.

Nhiều cơ hội trúng tuyển bằng hình thức kết hợp

Chia sẻ với các thí sinh tại ngày hội thông tin tuyển sinh Open day 2022, TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó hiệu trường Trường Đại học Hà Nội nhấn mạnh, năm 2022, dự thảo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT tại đã có một chút thay đổi.

Theo đó, sau khi đã nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường và trúng tuyển, thí sinh vẫn phải đăng ký lại các nguyện vọng này trên hệ thống thông tin của Bộ cùng với đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT. Như vậy, thí sinh có thêm một cơ hội để lựa chọn và cân nhắc xem việc trúng tuyển bằng hình thức kết hợp đã đáp ứng được mong muốn hay chưa. Nếu đã đáp ứng, thí sinh vẫn phải đăng ký và thể hiện trong các nguyện vọng đầu.

Trường hợp thí sinh muốn có thêm cơ hội sử dụng điểm tốt nghiệp THPT vì biết điểm thi cao thì có thể thay đổi thứ tự nguyện vọng. Lúc này, nguyện vọng 1, 2, 3 có thể là nguyện vọng mới, được xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT. Còn những nguyện vọng đã trúng tuyển bằng xét tuyển kết hợp có thể đẩy thấp xuống.

“Đây là điểm rất mới của tuyển sinh năm nay theo dự thảo quy chế tuyển sinh của Bộ. Chúng tôi rất hy vọng các thí sinh sẽ khai thác tốt điểm mới này để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho bản thân, trúng tuyển được vào ngành học và trường học mong muốn nhất”, TS Dũng chia sẻ.dai-hoc-mo-rong-phuong-thuc-xet-tuyen-ket-hop-thi-sinh-can-luu-y-gi

Tuy nhiên, TS cũng đưa ra lưu ý, thí sinh nên cố gắng bảo lưu lựa chọn của mình nếu đây là lựa chọn tốt nhất. Cụ thể, khi đăng ký trên hệ thống của Bộ GD-ĐT, nên đưa những nguyện vọng đã trúng tuyển chắc chắn lên cao thay vì đẩy xuống thấp. Bởi nếu đẩy xuống mà sau này không trúng tuyển được bằng điểm thi, những nguyện vọng này sẽ bị “che lấp” bởi một số nguyện vọng thí sinh không mong muốn.

“Có khả năng kết thúc mùa tuyển sinh sẽ có phụ huynh thắc mắc là con trong danh sách trúng tuyển nhưng sao nhà trường không gọi nhập học. Đó là bởi khi đăng ký trên hệ thống của Bộ, thí sinh đã đẩy nguyện vọng này xuống sâu vì nghĩ nơi này đã đỗ nên yên tâm đăng ký nơi khác. Nhưng thực tế, hệ thống của Bộ sẽ xét theo thứ tự nguyện vọng, nếu đỗ nguyện vọng 1, 2, 3 thì không thể quay lại học nguyện vọng 4 đã trúng tuyển nữa”, TS Dũng phân tích.

Từ Vĩnh Phúc lên Hà Nội để dự ngày hội tuyển sinh

Để giúp đỡ thí sinh và phụ huynh giải đáp các thắc mắc liên quan tới vấn đề tuyển sinh năm nay, theo TS Nguyễn Tiến Dũng, trường Đại học Hà Nội đã tổ chức nhiều diễn đàn, ngoài ngày hộ Open day còn có các chương trình livestream tư vấn tuyển sinh. Trường cũng thông báo công khai các hotline, trang Fanpage tuyển sinh để liên tục giải đáp thắc mắc.

“Nhà trường cố gắng giải đáp trong khả năng có thể, ví dụ thời điểm hiện tại giải đáp chỉ mang tính chất dự kiến. Khi có quy chế chính thức, chúng tôi sẽ giải đáp căn cứ theo quy chế, làm sao giúp phụ huynh và học sinh hiểu rõ để có thể áp dụng một cách đúng nhất mà không lo ảnh hưởng tới quyền lợi”, TS Dũng thông tin.

Bắt xe khách từ 6h sáng để từ Vĩnh Phúc lên Hà Nội tham dự Ngày hội Thông tin tuyển sinh, Ngọc Minh (lớp 12, trường THPT Trần Phú, TP Vĩnh Yên) cho biết, em ước mơ theo nghề biên phiên dịch nên mong muốn được vào học ngành Ngôn ngữ Anh của trường.

Với chứng chỉ IELTS 8. đã có, Minh dự định vừa lựa chọn xét tuyển kết hợp, vừa xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Từ những chia sẻ của các thầy cô trong Ngày hội, Minh có thêm nhiều hiểu biết để cân nhắc đưa ra lựa chọn tốt nhất.

Dương Thị Phương Thùy, lớp 12, trường THPT Phan Huy Chú, Quốc Oai, Hà Nội thì chia sẻ, em biết về Ngày hội Thông tin tuyển sinh qua trang Fanpage của trường. Thùy thích ngành Ngôn ngữ Trung từ những năm cấp 2, mỗi ngày đều xem những chương trình tiếng Trung để luyện khả năng nghe, sau đó luyện viết. Qua buổi tư vấn hôm nay, Thùy cho biết sẽ nỗ lực nhiều hơn để đạt được mong muốn.

Được biết, trong kỳ thi tuyển sinh đại học chính quy năm 2022, Trường Đại học Hà Nội dự kiến tổ chức xét tuyển ở 25 ngành đào tạo, trong đó có 13 ngành ngôn ngữ và 12 ngành đào tạo bằng ngoại ngữ với tổng 2.840 chỉ tiêu, tăng 205 chỉ tiêu so với năm ngoái. Bên cạnh đó, còn có 240 chỉ tiêu của các chương trình liên kết quốc tế. Dự kiến năm 2022, chương trình vừa làm vừa học tuyển sinh 550 chỉ tiêu, chương trình đào tạo từ xa tuyển sinh 1.350 chỉ tiêu.

Theo Báo Dân Trí