Đại học Ngoại thương tại TP HCM công bố điểm chuẩn phương thức kết hợp

0
3633

Bốn chuyên ngành tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp cùng lấy một mức điểm chuẩn 24,25.

Cơ sở 2 tại TP HCM của Đại học Ngoại thương vừa công bố điểm trúng tuyển phương thức xét tuyển kết hợp. Các chương trình đào tạo xét tuyển theo phương thức này được giảng dạy bằng tiếng Anh, gồm chương trình chất lượng cao Kinh tế đối ngoại, Quản trị kinh doanh quốc tế, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Ngân hàng và tài chính quốc tế.

STT Ngành, chuyên ngành Mã xét tuyển Điểm trúng tuyển
1 Ngành Kinh tế, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại – chương trình chất lượng cao CLC8 24,25
2 Ngành Kinh doanh quốc tế, chương trình Logistics và quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế CLC9 24,25
3 Ngành Quản trị kinh doanh, chuyên ngành Quản trị kinh doanh quốc tế, chất lượng cao CLC10 24,25
4 Ngành Tài chính – Ngân hàng, chuyên ngành Ngân hàng và Tài chính quốc tế, chất lượng cao CLC11 24,25

Điều kiện để thí sinh tham gia xét tuyển kết hợp là điểm trung bình học tập của từng năm THPT đạt 7,5 trở lên. Đồng thời, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt IELTS 6,5; TOEFL ITP 550; TOEFL iBT 90 trở lên hoặc giải ba quốc gia môn tiếng Anh trở lên.

Ngoài ra, thí sinh có tổng điểm 2 bài thi hoặc môn thi THPT quốc gia, không gồm điểm ưu tiên, trong tổ hợp xét tuyển của trường (trong đó có Toán và một môn khác không phải là Ngoại ngữ) đạt từ 16 trở lên.

Trong trường hợp tại ngưỡng điểm đánh giá hồ sơ xác định trúng tuyển của từng chương trình đào tạo, số thí sinh nhiều hơn chỉ tiêu còn lại thì trường sử dụng tiêu chí phụ là điểm trung bình học tập ba năm lớp 10, 11 và 12.

Cơ sở 2 Đại học Ngoại thương. Ảnh: Mạnh Tùng.

Cơ sở 2 Đại học Ngoại thương. Ảnh: Mạnh Tùng.

Theo đề kế hoạch tuyển sinh năm nay của Đại học Ngoại thương, cơ sở 2 tại TP HCM có 950 chỉ tiêu, tăng 50 so với năm ngoái với chuyên ngành đào tạo mới là Logistics và quản lý chuỗi cung ứng định hướng theo nghề nghiệp quốc tế.

Trong đó, 680 chỉ tiêu được tuyển theo phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia với bốn chuyên ngành: Kinh tế đối ngoại, Quản trị kinh doanh quốc tế, Tài chính quốc tế và Kế toán – kiểm toán.

270 chỉ tiêu còn lại được xét tuyển kết hợp, thực hiện trước khi xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia. Các thí sinh đăng ký theo phương thức này nếu không trúng tuyển hoặc không xác nhận nhập học có thể tiếp tục tham gia phương thức điểm thi THPT.

Theo Vnexpress